Phạm Quốc Toàn, Đôi mắt tinh tường, trái tim nhiệt huyết

Cuộc tòa đàm “Phạm Quốc Toàn – tác giả & Tác phẩm” do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức ngày 19/6/2022, nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí CM Việt Nam (21/6/1025 – 21/6/2022) diễn ra trong bầu không khí đồng nghiệp ấm áp, thân tình, những lời sẻ chia sâu sắc về ĐỜI và NGHỀ. Buổi chiều và tối 19/6, ngày 20/6 trên mạng xã hội, trang cá nhân, nhiều đồng nghiệp đã bày tỏ tình cảm, sự yêu mến, trân trọng một người cầm bút “ĐỜI SAO THÌ NGHỀ VẬY”! Xin được trích dẫn một số tâm sự bên lề cuộc tọa đàm của các nhà báo, nhà văn, nhà thơ: Đỗ Quý Doãn, Trần Hồng, Lê Hữu Quế, Nguyễn Hữu Mão, Hải Đường.

t5

t6

t3

t1

t4

t2

Nhà báo, nhà thơ Đỗ Quý Doãn, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (7 giờ 49 phút, 20-6-2022)

Mấy hôm nay, anh chị em là những người cầm bút có những cuộc gặp mặt thân mật và nghĩa tình. Ở cái tuổi U70, U80 cứ gặp nhau là bao chuyện tâm tình không bao giờ dứt. Kỷ niệm của những năm tháng khó khăn nhưng sâu nặng tình đồng chí, đồng nghiệp anh em làm cho mỗi người cảm động rưng rưng.

Hôm qua, ngày 19-6-2022, anh Phạm Quốc Toàn, nguyên phóng viên báo Quân đội Nhân dân, nguyên Tổng Biên tập Báo Bà Rịa - Vũng Tàu, nguyên Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam 2 nhiệm kỳ 10 năm đã có cuộc ra mắt đầu sách thứ 20 “Chuyện tình phố cổ” khi anh bước sang tuổi 75. Hôm qua, tại cuộc tọa đàm “Nhà báo Phạm Quốc Toàn – Tác giả & tác phẩm, tôi đã bày tỏ tình cảm quý mến, trân trọng với anh Phạm Quốc Toàn, bời chúng tôi có nhiều kỷ niệm khi 2 chúng tôi là là 2 tổng biên tập báo Đảng địa phương ở miền Trung và miền Đông Nam bộ. Một sự trùng hợp rất thú vị là trong cuộc gặp mấy anh em nhân ngày 21/6 được tổ chức cách đây 2 hôm, anh Nguyễn Mạnh Đẩu,Trung tướng QĐND Việt Nam năm nay cũng bước sang tuổi 75, một cây bút đã từng có những bài viết sắc sảo trên Báo Quân đội Nhân dân và mới đây đã cho trình làng cuốn sách “Thẳm sâu miền ký ức”, đầu sách thứ 12 của anh.

Tôi đã nghe, đã đọc nhiều ý kiến đánh giá của các nhà văn, nhà báo về những tác phẩm của hai anh Phạm Quốc Toàn, Nguyễn Mạnh Đẩu. Đó là sự nể phục, kính trọng về sức viết, về nguồn tư liệu, về chất lượng của các tác phẩm . Tôi không thể viết đầy đủ , sâu sắc hơn những bài viết đã được công bố. Được anh Phạm Quốc Toàn, anh Nguyễn Mạnh Đẩu tặng sách vào thời điểm rất ý nghĩa này, chỉ biết chúc các anh tiếp tục có những tác phẩm có giá trị khi các anh có thời gian nhiều hơn để tập trung cho công việc này. Một lần nữa xin chúc mừng hai tác giả tuổi 75 và xin cảm ơn các anh về món quà vô cùng quý giá.

------------------------

Nhà báo, nhà thơ Hải Đường, nguyên Ủy viên Bộ Biên tập Báo Nhân Dân (ngày 19-6-2022, 19 giờ 36 phút) ·

Xin thưa ngay rằng, đây không phải là cuộc gặp gỡ cuối năm. Năm 1981 nhà văn Nguyễn Khải in cuốn tiểu thuyết “Gặp gỡ cuối năm”. Cuốn sách mỏng gây bão hồi đấy. Đó là cuộc gặp gỡ trong một gia đình, chỉ có mấy người, đủ các thành phần mà câu chuyện thì thu gọn lại không khí cả xã hội lúc bấy giờ - đêm trước Đổi mới. Còn hôm nay là này 19-6, giữa năm. Chỉ còn vài ngày nữa là gày 21-6, ngày hội làng báo Việt Nam. Cuộc gặp gỡ của chúng tôi, trừ tôi ra, còn phần lớn là các nhà báo- nhà văn tên tuổi nổi như cồn. Phải tay đại bút như nhà thơ, nhà báo, nhà thơ Mai Nam Thắng có thể hắn sẽ cho ra đời một tiểu thuyết “Gặp gỡ giữa năm”.

Lý do cuộc gặp gỡ này là anh Phạm Quốc Toàn, rất nhiều “Nguyên”, xin nhắc một “Nguyên” thôi: Phó chủ tịch (hai khóa) Hội Nhà báo Việt Nam, muốn ghi lại khoảnh khắc bên bạn bè nhân kỷ niệm Ngày 21-6 (đương nhiên), nhân 50 năm bước vào cuộc đời làm báo chuyên nghiệp, và ra mắt cuốn sách thứ 20 – tập bút ký “Chuyện tình phố cổ”. Bạn bè anh hôm nay đến chung vui khá đông đủ, toàn “quan chức báo chí”. Nhưng mà theo thông tấn vỉa hè thì là toàn “quan có chữ”, tức dân viết. Đến một nửa là hai “nhà” và ba “nhà” trong một… người - nhà báo, nhà văn, nhà thơ, nhà giáo, nhà nhiếp ảnh. Chức tước cũng bộ trưởng, thứ trưởng, tổng biên tập…cả dãy. Lại gặp nhiều bạn bè quen thân, như anh Nguyễn Hữu Mão – đồng môn của tôi, một chiến sĩ phòng không luôn bắn trúng đích; như nhà văn Trần Gia Thái, ông bạn cùng làng lúa làng hoa Hà Nam với tôi nay bỗng dưng làm Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội.

Chức tước của các ông, các bác to quá nên cháu “em-xi” là sinh viên giỏi, năng khiếu nên hoa mày chóng mặt. Thứ tự ai trước ai sau làm sao mà cháu biết được? Thành ra, ở phía dưới, những tiếng vỗ tay cũng phân vân, cũng hoang mang quá (!). Nhưng mà thôi, ở đây là chuyện chiếu nghề, chứ không phải chiếu quan. Một nhà báo tu luyện lâu năm ở Cu Ba nói rằng, ở bên ấy có lời dặn rằng, đêm muốn ngủ cho ngon thì hãy cất mọi chức tước vào đôi giầy ở cuối chân giường.

Bây giờ trở lại với nhân vật chính của chúng ta. Nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn, trong khoảng 10 năm trở lại đây đã viết hai chục cuốn sách. Sức lao động như thế thật đáng nể. Anh viết tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, tiểu phẩm… Có lẽ chỉ có bút ký, tiểu phẩm là chênh vênh giữa hai bờ văn và báo, còn thì đích thị văn rồi. Các ý kiến nói về văn tài Phạm Quốc toàn thật nhiều góc cạnh. Nhà văn, nhà thơ, nhà viết kịch Nguyễn Thế Kỷ; nhà báo Đỗ Quý Doãn (người có đôi tai thính nhất thế giới, “giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh”); Thầy giáo dạy nghề báo Trần Bá Lạn (Trưởng khoa Báo chí đầu tiên ở Việt Nam); nhà báo, Nguyễn Đức Lợi, nhà văn , nhà báo Hồ Quang Lợi; PGS. TS Nguyễn Trường Giang…đã dành những lời tốt đẹp nhất về “Đời và nghề”, về “Văn và báo” Phạm Quốc|Toàn.

Có thể nói gọn rằng: Phạm Quốc Toàn là người yêu con chữ đến mê đắm. Anh vừa “đa” vừa “tinh”. Viết trong lúc ngủ. Viết trong lúc ăn. Cái đầu không động đậy là ốm. Dự kiến sách xuất bản của anh sẽ không dừng ở con số 20. Từ nay đến cuối năm anh sẽ cho in hai cuốn sách nữa. Kính nể! Tôi nhớ, nhà văn Tô Hoài đã viết và cho in 160 cuốn sách. Nhà văn, nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê: 140 cuốn. Nhà văn Phan Quang đã vượt con số 50 cuốn (viết và dịch). Và nhiều nhà văn có số sách xếp thẳng đứng thì cao ngang chiều cao của mình. Như vậy, Phạm Quốc Toàn chưa phải là người… viết nhiều. Điều đáng nói là anh viết trong vòng 10 năm nay thôi. Viết như lên đồng. Viết như một sự giải thoát. Viết như một cái gì đấy không giải thích được (!) Quý nhất là sách đến tay bạn đọc và bạn đọc trân trọng, yêu quý, tìm đọc. Có một Tổng biên tập báo tỉnh đã đọc thuộc lòng cả một tiểu phẩm trong cuốn “Con voi chui lọt lỗ kim” của Phạm Quốc Toàn cho tôi nghe. Nhà báo tài danh Hữu Thọ khen ngòi bút tiểu phẩm của Phạm Quốc Toàn trào lộng, hóm hỉnh, thâm sâu mà lại rất nhân văn! Nói như Thánh Thán, “điều đó chẳng cũng sướng sao” !

Cố nhiên, không phải những người viết ít là ít “thành tựu”. Nhà thơ Chính Hữu suốt từ chống Pháp sang chống Mỹ chỉ in nhõn một tập thơ “Ngọn đèn đứng gác”, cả thảy 24 bài. Nhưng không ai quên “ Đồng chí”, “Ngọn đèn đứng gác”, “Bài ca ra trận”… Bây giờ đất nước yên hàn đã lâu, thế hệ chúng tôi vẫn ngân nga những câu của ông: “Đoàn quân đi dài như tiếng hát”, “Có những ngày vui sao cả nước lên đường”. Đúng là “quý hồ tinh”. Nhưng, có bác nào đó phát biểu, đừng bắt chước Chính Hữu. Ông tài lắm. Không học nổi đâu. Ông nắm trong tay những viên ngọc chữ. Còn cánh ta, ít ngọc lắm. Cánh ta viết làm sao được câu này : “Mái BUỒN nghe sấu rụng”. Vì thế, là nhà văn, nghĩa là lao động.

Thôi, hãy học ông Phan Quang, ông Phạm Quốc Toàn, ông Nguyễn Uyển… những nhà báo, nhà văn say nghề và lành nghề. Lời cuối xin cảm ơn nữ sĩ Trần Kim Hoa đã “cho mượn” Hội trường Bảo tàng Báo chí để anh chị em cầm bút chúng tôi hội ngộ và dẫn chương trình cực hay!

------------------------

Đại tá, nhà báo, Nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Hồng (21 giờ 27 phút, 19-6-2022)

Ngày 19/6/2022 tại Hà Nội diễn ra cuộc tọa đàm “Nhà báo Phạm Quốc Toàn – Tác giả & tác phẩm”. Hà Nội đang mùa hè, nóng như đổ lửa. Các Nhà báo, nhà văn, nhà thơ nhiều thế hệ đến chung vui cùng đồng nghiệp Phạm Quốc Toàn. Thầy giáo Báo chí Trần Bá Lạn, ngoài 90 tuổi đến dự và dốc bầu tâm huyết nghề nghiệp, rất mãn nguyện và tự hào với người sinh viên khóa một (1969- 1973 ) của mình - Nhà báo Phạm Quốc Toàn.

Tọa đàm này là cơ hội cho các nhà báo, nhà văn đồng nghiệp của Phạm Quốc Toàn bày tỏ sự kính trọng, mến yêu với một cây bút hà báo tâm và tài trọn vẹn, thủy chung, son sắt vời bè bạn, đồng nghiệp. Trả lời phỏng vấn của một nhà báo trẻ, bên lề cuộc tọa đàm tôi nói : Tôi và Toàn có nhiều cái cùng, cùng gốc gác dân Đức Tho (Hà Tĩnh) lên Hương Khê, cùng học phổ thông cấp 3 trường huyện, cùng nhận giấy báo trúng tuyển vào Đại học Quân sự, cùng lăn lê bò toài 3 tháng tân binh trước khi vào chiến trường - cùng ngày, cùng lần đầu biết Hà Nội, cùng vào học đại học Báo chí khóa dài hạn 4 năm và cùng một ngày làm phóng viên Báo Quân đội Nhân dân. Toàn làm đám cưới với cô bạn học xinh nhất lớp, tôi cùng nhóm bạn “một gạch vàng” đến chung vui, ăn bưởi ngon Phúc Trạch quê của Toàn. Duy nhất một cái không cùng, từ đầu đến cuối cuộc đời binh nghiệp tôi chỉ làm phóng viên. Còn Toàn, bạn tôi viết báo giỏi và biết làm quản lý. Anh thăng tiến liên tục, cán bộ cấp phòng, làm Tổng biên tập báo đảng địa phương, làm Tổng biến tập nhiều tờ báo, tạp chí, rồi lên làm Phó Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam 2 khóa, 10 năm liền, tín nhiệm rất cao, trên tin – dưới mến.

Sự không cùng này giữa tôi và Toàn lại chính là thước đo và phép thử phẩm hạnh và nhân cách bạn mình, để rồi tôi và Toàn trở thành bạn nối khổ, tin yêu nhau trong cuộc chống chèo với cuộc đời vốn lắm nhiễu nhương, phức tạp này. Tôi đã mất vài người bạn vì họ không giống Toàn. Thuở hàn vi và cùng làm phóng viên thì thân tình, gắn bó với nhau lắm . Rồi họ thăng tiến và cứ mỗi lần lên cấp chức thì khoảng cách giữa tôi và họ cứ doãng ra. Doãng ra đến mức anh ta không nghe cả những sự thật mà ở cương vi cao anh đảm trách sẽ khó biết. Mặc dầu bề ngoài thì vẫn tỏ ra xuề xòa, cởi mở nhưng nhìn vào mắt anh ta thì không khó nhận diện sự dối trá, vụ lợi. Sự thật luôn luôn là sự thật, là chân lý có sưc thuyết phục khó cưỡng lại. Nhưng không, anh chỉ thích những lời khen của kẻ xu nịnh. Lúc về hưu và có cả người đưpơng chức đã ngã ngựa. Còn với toàn, bạn tôi, tấm lòng của Toàn luôn rộng mở, hiền từ, đôn hậu, người với người là bạn!

Nếu bạn hỏi, cuộc đời tôi có gì may mắn? Xin thưa, tôi may mắn có bạn nối khố, chất lượng, tuy bạn cũng có gàn gàn theo cách Thầy đồ nghệ như tôi, mà cái gàn đáng yêu, đáng quý vô cùng; đó là PHẠM QUỐC TOÀN – bạn vàng của tôi! Haha!

------------------------

Nhà báo Lê Hữu Quế, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới (19-6-2022, 19 giờ 32 phút)

Ngày 19/6, nhân kỷ niêm 97 năm Ngày Báo chí CMVN, tại Bảo tàng Báo chí VN, Lãnh đao Hội NBVN đã tổ chúc tọa đàm về một số tác phẩm văn hoc của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn.

Trong khoảng 10 năm qua, bằng tài năng và trí tuệ đặc biêt của minh, nhà báo Phạm Quốc Toàn đã lao động không ngừng nghỉ, xuất bản 20 tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật. Nôi dung , hồn cốt các tác phẩm của anh chủ yếu khắc họa , miêu tả chân thật và sinh động chân dung " Đời và Nghề" của nhiều nhà báo trong đó có nhà báo nổi tiếng như Phan Quang , nguyên Chủ tịch Hội nhà báo VN , nguyên Vụ Trưởng vụ Báo chí Ban Tuyên huấn Tư và nhiều nhà báo đã và đang tác nghiệp trên mọi miền đất nước

Với lối viết dung dị, chân thưc, sinh động đôi khi pha chút hài hước, trào lộng dí dỏm nên thưởng thức tác phẩm của anh, người đọc bi lôi cuốn một cách say sưa hào hứng và muốn chiêm nghiêm khám phá để rút ra cho mình những bài học về NGHỀ và ĐẠO của người cầm bút. Anh là người cầm bút đức độ, tài năng đa dạng, yêu nghề, sống tốt, sống đẹp, trọn vẹn và thủy chung.

Với tất cả tình cảm yêu mến và quý trọng, xin chúc nhà báo Phạm Quốc Toàn luôn khỏe , viết khỏe để mang lại cho văn đàn và công chúng nhiều nhiều tác phẩm hay và hấp đẫn hơn nữa.

------------------------

Nhà báo Nguyễn Hữu Mão, nguyên Tổng thư ký tòa soạn Thời báo Tài chính Việt Nam (Ngày 19 – 6, 22 giờ 11 phút)

Sáng 19/6, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Công ty MHGroup & Busadco tổ chức tọa đàm “Nhà báo Phạm Quốc Toàn - tác phẩm và tác giả”. Đây là hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022) và tròn nửa thế kỷ làm báo của nhà báo Phạm Quốc Toàn, kể từ khi ông nhận nhiệm vụ phóng viên báo Quân đội Nhân dân.

Trong cuộc đời làm báo của mình, nhà báo Phạm Quốc Toàn không phải chỉ có những bài báo nóng hổi tính thời sự - thời cuộc mà bạn đọc còn biết đến ông qua những cuốn sách phóng sự, bút ký, ghi chép, tiểu luận, tiểu phẩm, tiểu thuyết, truyện ngắn … của ông. “Chuyện tình phố cổ” là cuốn sách thứ 20 trong sự nghiệp cầm bút của ông được xuất bản trong 10 năm, từ 2012 đến 2022, tập hợp 10 bút ký được viết trong khoảng từ tháng 1 đến tháng 5/2022. Cuốn sách đưa đến bạn đọc một thông điệp: Cuộc sống này thật đẹp, nghĩa tình và đáng yêu vô cùng!

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu được nghe lại nhiều kỷ niệm của thầy Trần Bá Lạn, nguyên Trưởng khoa Báo chí đầu tiên của Học viện Báo chí & Tuyên truyền, của các đồng nghiệp nổi tiếng trong làng báo như Nguyễn Hồng Vinh, Đỗ Quý Doãn, Nguyễn Thế Kỷ, Hồ Quang Lợi, Nguyễn Thị Trường Giang, Bùi Minh Sơn… kể lại, để thấy sự chân thành, trách nhiệm trong cách sống và cách viết của nhà báo Phạm Quốc Toàn. Đúng như phát biểu của nhà báo Nguyễn Đức Lợi - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam: “Nhà báo Phạm Quốc Toàn đã kinh qua các công việc từ phóng viên, biên tập viên, Trưởng phòng biên tập, Tổng biên tập cơ quan báo chí Trung ương, địa phương và đã có 2 nhiệm kỳ liền là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Tôi tin rằng sẽ có nhiều người trong chúng ta cảm nhận được sau những trang viết đó, là những chắt chiu, gửi gắm của một đời người, một đời bút, một đời báo chí, và nhiều hơn thế, là những hiện diện sinh động và phong phú của đời sống báo chí hôm nay của chúng ta qua con mắt xanh tinh tường và trái tim nhiệt huyết của nhà báo Phạm Quốc Toàn”.

t7

(HẢI VÂN, chọn từ FB)


Chia sẻ liên kết này...

Add comment