Đứng thẳng - đi tới!

Làng Quỳnh là đất khoa bảng, hiếu học, nổi danh cả nước. Nhà giáo Hồ Đình Khai sinh ra và lớn lên nơi làng Quỳnh, tốt nghiệp Khoa Văn, Đại học sư phạm Vinh, quá nửa cuộc đời gắn bó với xứ Mô Xoài, vùng đất, vùng biển Bà Rịa – Vũng Tàu. Ông  vừa có một chuyến thăm thú nhiều nơi ở Hoa Kỳ, hành trang trở về  là mấy cuốn sách quý. Đã thành thông lệ, đi tới đâu, dù bận rộn, người con đất học họ Hồ có thú vui  tìm sách – dù có vượt ký lô khi tới phi trường, có thể bye bye quà này quà nọ, với sách không bao giờ ông  bỏ lại.

Bia_Kieu_Chinh_1

Tôi chơi thân với Hồ Đình Khai mấy chục năm. Ông bỏ tiền túi vốn không dôi dả gì mua đến chục cuốn sách quý, trong đó có tuyển tập “Kiều học tinh hoa” gần 2.000 trang in (NXB Văn học). Tôi nói với ông như một lời tri ân:

- Đọc sách là niềm vui mỗi ngày! Quý  lắm, sách hay dù  có tiền,  rất nhiều tiền cũng chẳng bói đâu ra?

285609425_1184081522358099_8746969269293010154_n

Chuyến đi Hoa Kỳ, ông khuân 4 cuốn sách nặng mấy kg “Kiều Chinh, Nghệ sĩ lưu vong”. Sách in đẹp, giấy tốt, bìa cứng, 500 trang, giá bán tại Hoa Kỳ mỗi cuốn 40 USD; một cuốn dành cho chính chủ, một cuốn dành tặng tôi, hai cuốn còn lại tặng cho chú em dạy toán và bạn nối khố mê sách như điếu đổ. Cả bốn cuốn do ông kết nối đều có lời đề tặng, kèm chữ kí từ bang California – Hoa Kỳ của  tác giả nữ nghệ sĩ tài hoa Kiều Chinh.

Nhận sách, tôi đọc ngay, không dứt ra được. “Mọt sách” từ bé, thuộc tạng “lì” nhưng tôi đã khóc khi đọc sách của Kiều Chinh, bởi cuộc đời  của bà cơ cực, nhiều bất an cứ dội đến nhưng ý chí và nghị lực thì phi thường. Cô bé Hà Nội gốc, thuộc tầng lớp trung lưu, 6 tuổi bom đạn quân đội Pháp dội vào nhà, mồ côi mẹ, mất cậu em trai 3 ngày tuổi; 16 tuổi  bị đẩy lên máy bay quân sự di cư vào Nam bơ vơ một mình nơi xứ lạ; 17 tuổi buộc phải lấy chồng và có con gái đầu lòng. Chồng đi Mỹ du học “mèo mỡ” bên đó, toan tính không về nước. Hai năm sau, anh ta buộc phải trở về, bao dung  chồng họ có thêm với nhau 2 mặt con. Cả ba người con, đứa lớn nhất 12 tuổi được gia đình nhà chồng bảo lãnh du học tại Canada. Kiều Chinh đam mê điện ảnh, trở thành nữ tài tử danh tiếng giữa đất Sài Gòn đô hội. Ngày 30/4/1975, như cơn lốc cuốn, Việt Nam Cộng hòa thất thủ trước sức tiến công như vũ bão của quân giải phóng, Kiều Chinh  trở thành dân tị nạn, bay thẳng tới Canada với các con, trong túi chỉ vài bộ quần áo, mấy chục đô la tiền lẻ chống chọi với đời. Chồng và gia đình kẹt lại ở Sài Gòn. Sau đó, nhờ cậy bạn bè cũ trong giới nghệ sĩ điện ảnh Hoa Kỳ, Kiều Chinh và các con được phép tới Hoa Kỳ tị nạn.

285628348_1184081569024761_3010771737173413141_nTrở về chốn xưa - Kiều Chinh, áo dài, xe xích lô, Hà Nội.

Sau bao tai họa chực chờ  ập đến, hết lần này đến lần khác. Có cả khi quá buồn chán, cậu con trai út ra riêng với bạn gái, cô đơn, khủng hoảng tinh thần mà Kiều Chính chọn lối thoát quyên sinh. Nhưng số phận níu kéo bà, cậu con trai bất ngờ trở về nhà lúc nửa đêm, mẹ được cứu sống. Sau đận ấy, có con cái bên cạnh, nhiều bằng hữu tiếp sức, Kiều Chinh – như chính bà ra tuyên ngôn với cuộc đời:  Đứng dậy - Đứng thẳng - Đi tới –  chấp nhận mọi đớn đau, để vượt lên chính mình gia nhập giới tinh hoa, trở thành một minh tinh màn bạc tên tuổi được nể trọng tại Hollywood. Nữ nghệ sĩ điện ảnh lưu vong, nhưng trái tim luôn hướng về Tổ quốc, nhớ Hà Nội yêu dấu nơi mình đã sinh ra; nhờ Sài Gòn, hòn ngọc Viễn Đông, nơi mình trưởng thành.

Lối kể chuyện hồi ký như  tâm tình, dung dị, chân thật, nổi bật giữa bầu trời giông bão là một Kiều Chinh sống rất nhân văn, nhân hậu, một phụ nữ Á Đông gốc Hà Thành tài danh – chính khách đúng nghĩa. Bà là người “Dũng cảm nhất, mạnh mẽ nhất nhưng cũng dịu dàng nhất” (cảm nhận của nữ tài tử Mỹ Tippy Hedren). Thông điệp cuộc đời mà Kiều Chinh chuyển tải là  yêu hòa bình, tránh xa sự phân chia và đổ nát do chiến tranh đẩy bao số phận con người vào bế tắc, bất hạnh. Tại Vatican, Kiều Chinh được gặp Đức Giáo hoàng John Paul II ban phép lành; được gặp Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tại Hoa Kỳ, Kiều Chinh gặp và nghe Thiền sư Thích Nhất Hạnh thuyết giảng, tiếp nhận ở Ngài lòng bác ái, an nhiên.

285548386_1184081579024760_2682588014699234426_n

Nghệ sĩ Kiều Chinh mặc áo dài, đi xich lô trên đuòng phố Sài Gòn, trong 1 lần về nước tham gia chương trình thiện nguyện, năm 1995.

Năm 1995, Kiều Chinh trở về Tổ quốc cùng các cựu chiến binh, doanh nhân, nghệ sĩ – cuộc hội tụ thiện nguyện từ các tiểu bang của Hoa Kỳ quyên góp để xây trường học, giúp vào sự học hành của giới trẻ. Tại Quảng Trị nơi giới tuyến ngày ấy chia cắt đôi miền Nam Bắc; tại Huế và xứ Quảng, tại hàng chục địa phương khác ở miền Trung Việt Nam mọc lên nhiều ngôi trường mang dấu ấn sâm đậm của Kiều Chinh. Đau đáu nỗi niềm quê hương, sau nhiều năm lưu lạc, tháng Giêng năm 2000, Kiều Chinh trở về Hà Nội - quê hương của chính mình,  cùng các bằng hữu Hội từ thiện CVF xây trường học nơi làng Mọc / Cự Lộc nay gọi là Nhân Chính.  Kiều Chinh trở về đúng khu đất nay thuộc quận Hà Đông mà ngày xưa ấy là khu vườn, căn nhà của bố và ông bà nội.

Biết Kiều Chinh là người con gái của Hà Nội, rất yêu Hà Nội – người khởi xướng xây dựng ngôi trường Nhân Chính, một cụ ông cao niên của làng kể lại tỉ mỉ khu đất nay xây trường. Câu chuyện xúc động này, được nghệ sĩ Kiều Chinh viết trong hồi ký, trang 295, nguyên văn như sau: “Trong lúc ngồi uống trà trong phòng tiếp khách của ngôi chùa gần đó, một cụ già cho biết là trường này được xây trên mảnh đất trước đây của cụ Phán Phan, người nổi tiếng của làng Mọc Cự Lộc. Cụ chết đã lâu, sau đó quân Pháp về làng chiếm đóng, đã san phẳng nhà cửa của cụ Phan. Và họ làm trại lính trên mảnh đất này. Nghe vậy tôi xúc động quá. Thì ra đây chính là đất của ông nội tôi. Căn nhà bị lính Tây san bằng là nơi anh em tôi có một thời đã sống với ông nội. Cụ già này cho biết, cụ có biết người con trai của cụ Phán Phan tên Nguyễn Cửu. Vì nhà cụ nằm phía sau nhà ông nội và cụ chỉ kém ông Cửu ít tuổi thôi. Tôi nói với cụ: Trời ơi! Thưa, cảm ơn cụ, ông Nguyễn Cửu chính là bố cháu đấy ạ! Cụ già nhìn tôi như không tin được lời tôi vừa nói, nhưng khi hiểu ra tôi nói sự thật thì cụ chỉ biết ôm tôi khóc…”.

Tình yêu quê hương, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu gia đình của nữ nghệ sĩ lưu vong Kiều Chinh là vậy! Cảm ơn nhà giáo Hồ Đình Khai, hậu duệ của nhà cách mạng tiền bối Hồ Tùng Mậu, yêu và mê sách, từ chuyến xuất ngoại nửa vòng trái đất gần 5 tháng mang về cho bằng hữu  cảm nhận về tấm gương vượt khó,  bản lĩnh, đức hy sinh của một phụ nữ Việt Nam do hoàn cảnh chiến tranh mà phiêu dạt,  lưu vong, thành đạt mang trong mình dòng máu nóng của Tràng An ngàn năm văn hiến!

Phạm Quốc Toàn

Chia sẻ liên kết này...

Add comment