Lời giới thiệu: "Tím ngát hoa bằng lăng"

Giáo sư, Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn(*)

Một ngày giữa tháng Ba năm 2021, tôi nhận được tin nhắn của anh Phạm Quốc Toàn: “Chú Tấn ơi, bác in cuốn sách mới, chú Tấn viết giúp bác lời giới thiệu đầu sách!”. Tôi bấm máy trả lời ngay: “Em sẵn lòng. Bác gửi bản thảo (bản mềm) cho em theo địa chỉ email, bác nhé!”.

Bia_1_HBL

Nhà văn, nhà báo Phan Quang *

Giữa kỳ giãn cách xã hội, tôi nhận được thư nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn từ thành phố Vũng Tàu hỏi thăm sức khỏe và báo tin ông vừa viết xong tác phẩm mới, đang hoàn chỉnh lần cuối, dự kiến sẽ phát hành vào cuối tháng mười năm 2021. Tôi ngạc nhiên, tưởng mình nhầm. Chả là cách đây chưa lâu tôi vừa đọc cuốn hồi ký Khúc hát sông Ngàn ông biếu. Tác phẩm gợi cảm giúp tôi ghi chép đôi điều hoài niệm vùng đất Sông Ngàn nơi nhà văn chào đời. Đó cũng là nơi chàng trai non choẹt hồi ấy nay là ông già hom hem từ chiến trường Trị Thiên leo dọc Trường Sơn ra, lần đầu đặt chân lên vùng đất tự do và đặt chân vào làng báo để gắn bó với nghề cao quý và gian nan ấy đến hôm nay. Bài Đường vô xứ Nghệ đăng báo Nhân Dân cuối tuần cách đây mới vài tháng. Thế nhưng, như một lời giải, kèm mấy dòng thư sờ sờ trước mắt tôi tệp bản thảo tác phẩm mới của Phạm Quốc Toàn đã dàn trang thành sách, trình bày đẹp, có nhiều tranh phụ bản, nhan đề Hoa bằng lăng, Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành.

Vậy là trong một năm nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn trình bạn đọc ba tác phẩm. Trong một chục năm tính từ ngày ấn phẩm đầu tay của tác giả Tản mạn về đời đến tay độc giả, ông cho ra đời gần hai chục cuốn sách thuộc nhiều thể loại khác nhau: bút ký, phóng sự, tiểu luận, tiểu phẩm, du ký, chân dung, tiểu thuyết, hồi ký…, và lần này truyện ngắn - trong đó có gần một nửa ông sáng tác những ngày “vùng xanh” muôn thuở bên bờ biển Vũng Tàu tạm chuyển sang “vùng vàng” thực hiện giãn cách xã hội, không cho phép tác giả sáng sáng tản bộ thưởng ngoạn trời biển như nếp sống của ông từ bao năm.

Phạm Quốc Toàn là cây bút thâm niên. Bút lực ông đầy ắp thực tế. Hơi văn ông cuồn cuộn. Nội dung ông viết tái hiện cuộc sống và con người trên đất nước không ngừng đổi mới. Bạn đọc nào chưa từng tiếp xúc trực tiếp tác giả, nếu tình cờ gặp Phạm Quốc Toàn sẽ khó tránh ngạc nhiên: Một cây bút kỳ cựu, người nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng cách đây đã mấy năm, mà sao văn phong vẫn trẻ trung đến thế. Phong cách ấy càng rõ nét qua tập truyện ngắn này.

Sáu truyện ngắn trong tập Hoa bằng lăng mỗi truyện một lối diễn đạt, không truyện nào giống truyện nào. Với mạch văn lưu loát dí dỏm, kết nối văn chương với ngôn ngữ đời thường, ngồn ngộn chi tiết, tác giả đang thông qua các nhân vật cuốn hút người đọc đi theo mình, đột nhiên xuất hiện một tình huống bất ngờ, đẩy mọi người sang mê cung khác, tâm tình với những nhân vật khác, đi sâu vào những cuộc đời khác để rồi lại nắm tay nhau trở về chốn cũ người xưa, tương tự khúc vĩ thanh đẹp, hồi kết có hậu.

Mở đầu với truyện ngắn Ông giáo Phương, hay gọi ông Cả Phương bởi nhà giáo thời nào đã trở thành doanh nhân thành đạt. Cậu bé Phương sinh ra và lớn lên bên bờ dòng sông La ngập úng. Học cấp ba tại một trường huyện miền núi, cứ đến chiều thứ sáu hằng tuần cậu lại cuốc bộ 25 km về nhà giúp bố mẹ bắt ốc, đơm cá trong đìa. Lớn lên lập gia đình nhỏ với một bạn học. Hai người gắn bó bên nhau trong nghèo khó, một quả mướp cắt ba nấu ba bát canh vợ chồng xì xụp húp nước ba lần. Làm ăn cơ cực, nhặt nhạnh từng đồng bạc lẻ, thiếu vẫn hoàn thiếu. Đất nước đổi mới, tạo điều kiện cho những người bản lĩnh nắm bắt cơ hội và thành công trên doanh trường. Tình cờ gặp lại gia đình một người bạn thuở đói nghèo, ông mời các bạn “bữa hải sản xuyên lục địa có món tôm hùm Osaka”.

Người bạn cũ ấy, một cô gái xinh tươi học dưới ông một lớp, sáng sáng vẫn dúi vào tay chàng trai khi khúc sắn khi củ khoai, miệng cười tình tứ, mắt đăm đăm nhìn bạn trong khi chàng cố tình làm lơ bởi phận mình đã có nơi có chốn. Ông Cả Phương nói với bà bạn cũ nay tóc cũng bạc phơ: “Tui trả mì (sắn) và khoai lang cho bà đấy nhá”. Bà già cười đáp: “Dạ, không dám, xưa thèm ăn thì chẳng xơ múi gì, muốn ăn chẳng có mà ăn. Nay thì nào gút, nào mỡ máu, nào tiểu đường, đến đây chỉ xin ngắm thôi ạ!”.

Mối quan tâm lớn của vợ chồng ông giáo Phương khi về già là dựng một ngôi từ đường chi phái họ Nguyễn tại vùng đất mới, nơi đã tạo điều kiện cho gia đình, con cháu, họ hàng ông đổi đời. Xây từ đường thật khang trang “để cho con cháu thế hệ hôm nay và mai sau luôn nhớ mà tu luyện, đem phúc lộc đến cho người, cũng là cho mình, gia đình và dòng họ của mình” - lời mẹ chàng trai dạy lúc bà đổ bệnh nặng chuẩn bị đi xa.

Truyện Thật thà ma vật không chết, tác giả khéo mượn câu tục ngữ xưa để nói chuyện nay. Rằng doanh nhân hay bất cứ nghề gì cần làm ăn trung thực, đàng hoàng thì bước tiến mới dài lâu, bền vững. Thật thà, trung thực trái với lừa lọc, xu nịnh, chạy chọt xin cho. Làm giàu mà không đổ mồ hôi sôi nước mắt, sớm muộn rồi cũng sụp đổ. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý cần tay trong tay sát cánh đồng hành, doanh nghiệp mới thành đạt, đất nước mau cường thịnh.

Truyện Đám tang ông Ất Hợi tác giả đặc tả cuộc sống nghĩa tình của các bô lão tuổi bát thập một huyện sông Ngàn bên cánh tổ tôm, cờ tướng, hát sắc bùa. Cùng với nó, hình tượng người phụ nữ ứng xử nhân hậu tỏa sáng qua ngòi bút đặc trưng của Phạm Quốc Toàn.

Cao nguyên gió phác họa bức tranh toàn cảnh Tây nguyên ngày nay, kết nối người dân địa phương đậm bản sắc truyền thống với những người bạn đến từ nhiều nơi trên dải đất hình chữ S, mỗi người một vẻ, một nếp sống, một cách hành xử mà chan hòa với nhau trên vùng đất huyền thoại, đưa cao nguyên không ngừng đổi mới, cùng cả nước kiến tạo nền văn hóa thống nhất trong đa dạng sắc màu.

Đọc truyện Hoa bằng lăng tôi có cảm giác mình đang thưởng thức những dòng tùy bút. Hoa và người. Hoa lặng lẽ tỏ tình. Người là hoa biết nói. “Thủy chung sắc màu hoa bằng lăng tím. Thủy chung cuộc đời, con người, tình yêu giữa nàng và ta bất tử”. Hoa bằng lăng Hà Nội đầu tháng năm rực màu tím Huế. Hoa bằng lăng Đồng Tháp Mười nơi có lắm vựa tràm chim trú. Màu tím hoa bằng lăng gợi nhớ màu tím hoa ban Tây Bắc. “Thủy chung sắc màu bằng lăng tím. Thủy chung cuộc đời, con người. Tình yêu giữa chàng và nàng tựa cánh hoa bằng lăng chẳng bao giờ đổi màu trước ngõ nhà ta, nhà nàng”.

Truyện cuối trong tập sách, Ngựa hoang của em là một câu chuyện tình giữa rừng hoa ban, hay chuẩn xác hơn, mượn lời hoa ban bày tỏ tâm tình: “Hạnh phúc có được phải từ con tim. Phải tự mình bảo vệ, vượt qua những cạm bẫy đời thường. Có vậy hoa ban trắng thêm trắng ngần, hoa ban tím càng sắc màu tím trọn vẹn, thủy chung”. Tâm tình của Ngựa hoang, tâm tình của Hoa bằng lăng, của Hoa ban hay là tâm tình của tác giả, người có mái tóc đang chuyển màu mà tâm hồn và văn phong vẫn trẻ? Tôi tin, tôi mong, bạn đọc quý mến sẽ phát hiện nhiều thú vị, sẽ lý giải giúp ranh giới và giao thoa giữa hư cấu và phản ánh, văn chương và báo chi qua tác phẩm mới của Phạm Quốc Toàn.

Trung thu 2021

------

* Nhà báo, nhà văn Phan Quang, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam

 

Chia sẻ liên kết này...

Add comment