Nhà báo Phạm Quốc Toàn: Phác thảo chân dung người anh hùng

Trang_chu_1

Từ thực tiễn đa dạng sôi động của cuộc sống, hơn nửa thế kỷ nay, trên diễn đàn văn chương và báo chí, thể tài ký, đặc biệt ký sự viết về nhân tố mới, những người anh hùng, gặt hái nhiều thành công. Hẳn mọi người còn nhớ nhiều nhà văn, nhà báo, những cây bút tài năng đã giành tâm huyết của mình khắc họa sinh động chân dung người anh hùng, những nhân tố tích cực, điển hình; góp phần lan tỏa những tấm gương bình dị mà cao quý về lòng yêu nước, thương dân; sự tận tụy, hy sinh, cống hiến cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước.

Mỗi nhà văn, nhà báo hay nói cách khác, mỗi tác giả đều thể hiện theo cách riêng của mình. Điều đáng lưu ý, đây là lĩnh vực viết về người thật việc thật, nên tính trung thực rất được coi trọng, như một nguyên tắc. Viết gì thì viết, dứt khoát không  được “sáng tác” theo kiểu hư cấu. Ký sự có tính hấp dẫn riêng của nó bởi điều này. Và đó cũng là thách thức đối với người viết ký sự.

Với mẫu số chung như thế, nên khi đọc tập ký sự “Trần Lê Đông - từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ” (*) của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn, tôi càng thẩm rằng, nhận thức đúng là một quá trình. Sự sáng tạo là yếu tố sống còn của nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý nhất đối với người cầm bút.

“Trần Lê Đông từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ” dày gần 200 trang, Phạm Quốc Toàn bố cục thành 5 chương. Cấu trúc chương hồi, nhưng mạch văn của Phạm Quốc Toàn không mòn cũ: theo dòng thời gian, kể chuyện mà đúng như tên tập sách, đậm tính ký sự báo chí - lối viết mở mà chặt chẽ, kết nối nhuần nhuyễn với miêu tả đậm chất văn học bay bổng. Đó cũng chính là thế mạnh của một cây bút nghị luận nhật báo Phạm Quốc Toàn. Trong Lời tác giả, Phạm Quốc Toàn đã khiêm nhường nói rõ ý tưởng của mình: "Tập sách chỉ phác họa đôi nét về một nhân cách rất đáng nể trọng và ngưỡng mộ đối với doanh nhân, nhà khoa học địa chất dầu khí biển uy tín Trần Lê Đông- người con ưu tú của quê hương Trung Lễ - Hà Tĩnh".

Như đã nói ở trên, thể ký sự đòi hỏi phải trung thực, chặt chẽ với sự kiện, vấn đề và nhân vật. Tác giả “Trần Lê Đông, từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ”  hiểu tường tận nhân vật và bối cảnh xảy ra liên quan đến nhân vật. Tác giả  và nhân vật cùng thời, đều sinh ra trên đất Hà Tĩnh giàu truyền thống hiếu học và anh hùng. Trần Lê Đông là học sinh giỏi của trường cấp 3 Trần Phú (Đức Thọ) được đào tạo cơ bản ngành địa chất dầu khí tại Đại học dầu khí Baku nước cộng hoà Azerbaijan (Liên Xô cũ). Sau 10 năm miệt mài kinh sử - học giỏi xuất sắc, ông trở thành tiến sỹ. Về nước, Trần Lê Đông được phân công làm việc ở Viên khoa học Dầu khí, Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tại Tp. Biển Vũng Tàu. Từ Phó Giám đốc xí nghiệp Khai thác, Trần Lê Đông lần lượt được giao các chức vụ: Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học Dầu khí và Thiết kế công trình biển; Phó Tổng giám đốc rồi Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí VietsoxPetro. Từ thực tế công tác nghiên cứu, vận dụng thành quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động thực tiễn tìm kiếm, khai thác mỏ dầu Bạch Hổ, Trần Lê Đông bảo vệ xuất sắc luận án Tiến sỹ khoa học tại Liên bang Nga; được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (thời kỳ đổi mới); được tặng  Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ. Tác giả - nhà báo- nhà văn Phạm Quốc Toàn, sinh trưởng trong một gia đình nho học ở Hà Tĩnh. Sau khi tốt nghiệp cấp 3 (trung học phổ thông), ông nhập ngũ và tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu trên tuyến đường Hồ Chí Minh, binh đoàn Trường Sơn. Sau đó một thời gian, Phạm Quốc Toàn về học khóa 1 - khóa chính quy đầu tiên Đại học báo chí . Năm 1987, đang làm Phó Phòng biên tập Thời sự quốc tế của báo Quân đội Nhân dân, là cây bút nhiều triển vọng, cán bộ dự nguồn, do hoàn cảnh riêng, Phạm Quốc Toàn về "đầu quân" cho Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; trở thành Tổng Biên tập báo Vũng Tàu - Côn Đảo, sau này là báo Bà Rịa - Vũng Tàu; sau đó làm Tổng biên tập nhiều cơ quan báo chí khác; là Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, từ năm 2005 đến 2015.

Điều đáng chú ý liên quan đến nhân vật chính của tập ký sự, TS KH Trần Lê Đông và nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn là đồng hương, người cùng thời, cùng làm việc lâu năm trên cùng một địa bàn. Vì thế, gần nửa thế kỷ nay, hai ông luôn gắn bó bên nhau, trên mảnh đất Vũng Tàu thơ mộng và đáng sống, nơi được coi là thủ phủ của ngành dầu khí Việt Nam.

Cũng vì vậy, gặp lại nhau mới đây thôi, trong quán caffe bên bờ biển Vũng Tàu mênh mang sóng nước, những hồi ức, kỷ niệm giữa hai người con “sinh ra ở Hà Tĩnh, cống hiến ở Vũng Tàu cứ ùa về như sóng biển trào dâng. Lối kể chuyện tài hoa, đọc đến trang cuối của tập sách, người ta vẫn cứ nghĩ là hai ông vẫn đang ngồi bên nhau trong quán caffe ấy, trong tiếng sóng và tiếng gió dan díu, dập dìu và ta là người thứ 3 chứng kiến câu chuyện của họ.

“Chỉ là vài nét phác thảo chân dung người Anh hùng” như nhà báo Phạm Quốc Toàn viết. Nhưng từ tình cảm đặc biệt, tài năng và tâm huyết của tác giả với quê hương thứ hai  Bà Rịa -Vũng Tàu; đặc biệt với người đồng hương thân thiết TS KH Trần Lê Đông, Phạm Quốc Toàn đã khắc họa chân dung người Anh hùng- nhà khoa học địa chất dầu khí uy tín với những phẩm chất cao đẹp từ công việc đến đời thường, từ nghiên cứu khoa học đến bản lĩnh và những quyết đoán trong hoạt động thực tiễn tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí; từ tình yêu quê hương, cha mẹ, vợ con đến cách ứng xử nghĩa tình, nhân văn với bạn bè, đồng nghiệp...

Những phẩm chất ấy càng sáng rõ khi Phạm Quốc Toàn sử dụng bút pháp hồi tưởng đan xen hiện thực để làm nổi bật mối quan hệ giữa trọng trách và đời thường, giữa cái chung và cái riêng, giữa quyết đoán và uyển chuyển của nhân vật chính - thấm đậm tư chất của một nhà khoa học. Những chi tiết, trường đoạn như: Thời học phổ thông, là học sinh giỏi toàn diện, nhưng hai lần Trần Lê Đông bị thầy giáo phê bình, có lần cho điểm 0; khi chàng Tiến sỹ được đào tạo ở Liên Xô về đi tìm vợ gặp đối thủ đến tấn công người mình yêu, đến nỗi đang cầm ly nước đánh rơi xuống đất. Và, đặc biệt khi đã là Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vie6tsovpetro lừng danh, gặp tình huống khó khăn, Trần Lê Đông luôn tỏ rõ bản lĩnh, tính quyết đoán của người đứng đầu. Cơn bão số 9 tháng 11 năm 2006 với cấp độ 15 - 16, sức gió hơn 320km/h đổ vào khu vực giàn khoan Bạch Hổ. Nhưng Tổng Giám đốc Trần Lê Đông vẫn kiên cường, bình tĩnh không ra lệnh đóng giếng đã mang lại kết quả bất ngờ.

Phạm Quốc Toàn giành hẳn hai chương để nói về "Quê hương Trung Lễ"  và "Chuyện tình tự kể". Đó là xã Trung Lễ đất học, đất văn, giàu võ khí, "làng Tiến sỹ". Trung Lễ là một xã nghèo khó về kinh tế nhưng lại là đơn vị Anh hùng trong chiến tranh. Đây là nơi sinh ra 60 Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ, 20 sĩ quan cao cấp của LLVT. Cũng chính nơi ấy sinh ra một trong những nhà khoa học địa chất dầu khí hàng đầu đất nước và khu vực - TS KH - AHLĐ Trần Lê Đông.

Tôi thích cách Phạm Quốc Toàn viết “Chuyện tình tự kể”. Tác giả “trao diễn đàn” cho nhân vật - cặp vợ chồng - TS KH Trần Lê Đông và Thạc sĩ văn chương - cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc. Người Anh hùng - Nhà khoa học địa chất hàng đầu ngành dầu khí ấy, tưởng như suốt đời "khô khan" như những con số, công trình xây dựng cảng biển, lại là người có tâm hồn thật lãng mạn, da diết. Chúng ta hãy nghe cô giáo chuyên văn - Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Cúc kể lại “Chuyện tình tự kể - người thứ 8” trên facebook tháng 3 năm 2019: “Trước khi trở lại Liên Xô, chàng có một năm chờ đợi để làm thủ tục chuyển tiếp nghiên cứu sinh... Một hiện tượng hiếm có. Một hôm tôi ngồi bên cạnh chàng, nhìn chàng chép thơ bằng tiếng Nga vào sổ tay tặng tôi. Chàng chỉ tay vào từng câu thơ và giải thích ý nghĩa của từng câu chữ. Thật là tuyệt. Tôi choáng ngợp với những ngôn từ, ý tứ chàng giành cho tôi”...

Khép lại bài viết này, tôi xin trích đoạn bài thơ mà TS KH Trần Lê Đông viết tặng vợ chưa cưới của mình cách đây hơn 40 năm:

“Với ta, em là cuộc sống

Em là hạnh phúc đời ta

Em nâng hồn ta bay bổng

Em khiến trí ta sáng lòa “…

“Khiến trí ta sáng loà”. Có lẽ thế,

Nhờ sự hiện diện thủy chung, son sắt, đảm đang của người bạn đời - cô giáo chuyên văn Nguyễn Thị Kim Cúc, mới có nhà khoa học địa chất dầu khí hàng đầu - người Anh hùng Trần Lê Đông hôm nay.

Và, như thế, có thể nói, bằng tác phẩm thứ 14 này của ông, Phạm Quốc Toàn đã thành công trong việc phác thảo chân dung người Anh hùng thời đại mới, theo cách của riêng mình./.

TP. Hồ Chí Mình, tháng 4- 2020

TRẦN THẾ TUYỂN

---------------------

* Nhà xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, năm 2020

Chia sẻ liên kết này...

Add comment