Lời giới thiệu: Con ong làm mật, con tằm nhả tơ

PGS, TS. Nguyễn Tuấn Dũng *

Giữa những ngày đại dịch COVID -19 đang hoành hành gây bao tang thương cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành phía Nam, từ thủ đô Hà Nội tôi nhận được điện thoại của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn, người anh thân quý, giọng trầm ấm, gần gũi, thân thiết thường ngày: “Những ngày giãn cách xã hội, anh hoàn thành bản thảo tập sách mới “COVID-19, Lời cảnh báo”, chú Tuấn Dũng đọc và thẩm định, xem có được không?”.

Bia_Covid_19

Tôi vui mừng và nhận lời ngay, nhận bản thảo tập sách qua hộp thư điện tử như thường lệ. Như những lần trước mỗi khi có tác phẩm mới anh đều gửi tặng, tôi đọc say sưa giống y những ngày còn chiến tranh tôi đón đọc những bài bình luận thời sự sắc sảo, giàu tính chiến đấu của anh trên báo Quân đội Nhân dân.

Tên cuốn sách mới của anh đã ngay lập tức thu hút tôi. Đại dịch COVID -19 như một cơn siêu bão tàn phá khủng khiếp toàn thế giới, trong đó có Việt Nam, làm bộc lộ nhiều vấn đề mà trong điều kiện bình thường chúng ta khó thấy, làm thay đổi tư duy và hành động của lãnh đạo các quốc gia toàn cầu và lối sống của mọi người không phân biệt giai cấp, đẳng cấp, dân tộc, tôn giáo; mỗi người theo địa vị của mình trong xã hội đều có trách nhiệm, góp phần vào cuộc chống dịch như chống giặc. COVID -19 trở thành chủ đề bàn luận, trao đổi sôi nổi và nóng trên mọi diễn đàn xã hội và trong mỗi gia đình không khác gì tin tức trong thời chiến.

Hẳn tác giả có chủ đích khi đặt tít cho một bài tiểu luận trong sách và lấy nó mà khai sinh tên gọi tác phẩm của mình bằng sự suy xét, gợi mở mang tính nghiên cứu và định hướng? Trong thâm tâm, tôi thầm nghĩ, là một nhà báo, nhà văn từng trải và trách nhiệm, thế nào anh Phạm Quốc Toàn cũng sẽ có những ý tưởng và gợi mở hay, một tác phẩm thấm đậm tính thời sự, rất đáng đọc. Thật bất ngờ, cuốn sách có sức hấp dẫn và thu hút vượt xa suy nghĩ của tôi, gợi mở nhiều vấn đề kinh tế - văn hóa - xã hội ở tầm vĩ mô; khẳng định và luận bàn cả trách nhiệm của người lãnh đạo, cơ quan vận hành quản lý kinh tế - xã hội trong đại dịch? Ví như, những dòng người đông tới hàng vạn, có bà mẹ trẻ mang thai, cháu bé mấy chục ngày tuổi rồng rắn đội mưa, đội nắng, lỉnh kỉnh mấy thứ hành trang rẻ tiền trên chiếc xe máy cà tàng, bất chấp hiểm nguy rình rập vượt đường trường về quê tìm chốn nương thân, trong khi tàu hỏa, máy bay, xe khách đường dài đắp chiếu nằm im? Hiện tượng ấy của xã hội thời đại dịch và sâu xa hơn thân phận con người, những vấn đề nóng hổi tính thời sự của đất nước đã nói lên điều gì? Nhà văn, nhà báo Phạm Quốc Toàn xông thẳng vào một vấn đề gai góc, dễ đụng chạm, anh là cây bút bản lĩnh, không né tránh.

Anh Phạm Quốc Toàn cảm nhận và phát hiện những nét mới về phẩm chất và truyền thống nhân văn, cao đẹp của đất nước, dân tộc, con người Việt Nam dưới góc nhìn về nghĩa đồng bào; chuyện tử tế - việc tử tế; tình thương yêu con người; tình yêu gia đình, quê hương, gắn trách nhiệm với đất nước. Tất cả đã hòa quyện vào nhau, nương tựa vào nhau, xiết chặt đội ngũ để tạo nên sức mạnh to lớn vượt qua mọi thử thách, gian nguy, trên dưới đồng lòng đồng sức, cùng lực lượng tuyến đầu chiến thắng đại dịch.

Ngòi bút của anh Phạm Quốc Toàn phê phán những điều ngang trái, thói hư tật xấu, tự do, tùy tiện, vô kỷ luật xuất hiện đây đó gây lây lan dịch bệnh làm khó cho cộng đồng, cho chính mình và gia đình mình. Chống dịch như chống giặc, nhưng vẫn còn đó những biểu hiện chủ quan, lơ là, mất cảnh giác với virus SARS-CoV-2; bên cạnh đội ngũ cán bộ, công chức tận tâm, tận hiến, hết lòng chăm lo vì sức khỏe và cuộc sống của nhân dân vẫn có quan chức nào đó lại thực thi công vụ một cách máy móc, cực đoan đến mức vô cảm, thiếu tình thiếu cả lý, làm khó cho người dân. Thử thách và gian khó, hoạn nạn là phép thử rành rọt cả về phẩm chất và năng lực các công bộc của dân!

Cuộc sống và nhân cách, ứng xử của con người khi đại dịch bùng phát là những cảnh báo về thái độ của con người với thiên nhiên; trách nhiệm xã hội của mỗi người với cộng đồng; trách nhiệm của các quốc gia với những vấn đề toàn cầu; tình yêu và gia đình, quê hương trong hoạn nạn; cái thiện và cái ác trong đời sống nhân quả; phẩm chất và năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp trong “chống dịch như chống giặc” và còn những cảnh báo khác được nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn nêu ra, mà con người chưa từng thấy trong cuộc sống.

Cuốn sách được tác giả chia thành hai phần: tiểu luận, tiểu phẩm. Ngoài nội dung luận bàn quanh chủ để nóng hổi về đại dịch, anh Phạm Quốc Toàn bàn chuyện doanh nhân; cái “hãi” của nghề làm Tổng Biên tập; chuyện đời chuyện nghề của những cây bút tên tuổi như Phan Quang, Nguyễn Uyển. Có những câu chuyện tâm linh được anh lồng khéo vào sách, dẫn dắt câu chuyện ông nội của chính tác giả là nhà nho yêu nước Phạm Văn Thịnh, một trong cộng sự của cụ Phan Bội Châu và cụ Phan Đình Phùng thời vua Hàm Nghi và đại thần Tôn Thất Thuyết ra chiếu Cần vương chống thực dân Pháp.

***

Tôi hết sức cảm phục sức làm việc đầy trách nhiệm của anh Phạm Quốc Toàn bởi lẽ đây là cuốn sách thứ 19 trong gần 10 năm nay, cuốn sách thứ 4 của anh xuất bản trong năm 2021. Một cuốn sách ra đời trải qua bao công đoạn tỉ mỉ, công phu từ bản thảo đến khi ra thành phẩm, vậy mà năm 2021 cứ đều đặn một quý anh cho xuất bản một cuốn sách dày dặn, từ những nhà xuất bản uy tín, cuốn nào cũng rất đáng đọc. Sức làm việc, sức viết của anh sung mãn đến kỳ lạ? Đọc văn của anh người ta cảm nhận sự cuộn chảy dào dạt, trẻ trung, ắp đầy vốn sống. Thẳng thắn, trung thực, anh nói đùa với tôi rằng anh mắc “bệnh” chưa có vaccine phòng ngừa - bệnh “không viết không chịu nổi”. Anh viết báo, viết văn như một nhu cầu tự thân; như một sự thôi thúc và đam mê của nghiệp cầm bút; như là trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân đối với đất nước và nhân dân.

Văn là người như người xưa đã tổng kết và khái quát quá đúng. Đọc những tác phẩm của anh Phạm Quốc Toàn ai cũng thấy anh viết như đang thủ thỉ tâm tình, nhẹ nhàng tâm sự với người đọc như chính con người anh, dù đó là văn hay báo; là tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, truyện ký, tiểu luận hay tiểu phẩm. Đọc những tác phẩm của anh người ta dễ dàng hình dung ra một Phạm Quốc Toàn dung dị, nhân hậu, lạc quan, nhân ái, đầy trách nhiệm và không kém phần quyết liệt với những tiêu cực, thói hư, tật xấu trong cuộc sống hôm nay.

Có một điều rất lạ mà tôi cũng như các đồng nghiệp, bạn bè thân quý cảm nhận, đó là khi đọc các tác phẩm của anh người ta nghĩ anh là người hay nói, nói nhiều, bởi điều gì anh cũng biết mà biết kỹ, biết rộng, hiểu sâu. Sự thật anh là người rất kiệm lời và không bao giờ to tiếng với ai, cũng chẳng bao giờ thấy anh giận ai, những ai có việc khó anh vô tư giúp đỡ hết mình. Bản lĩnh vững vàng; tâm hồn trẻ trung; suy nghĩ thông thoáng, bao dung; kiến thức sâu rộng; vốn sống phong phú; sức đọc, sức đi, sức viết, sự đam mê nghề nghiệp của anh - một cây bút ở vào cuối mùa thu cuộc đời, ít có người nào kể cả lớp trẻ theo kịp.

Xin trân trọng giới thiệu tác phẩm “COVID-19, Lời cảnh báo” của một cây bút miệt mài lao động sáng tạo, cống hiến hết mình.

Hà Nội, 10/10/2021

--------------

* Trung tướng, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Dũng nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment