Hồi ký – tự truyện

Gần đây, trên văn đàn xuất hiện một số tập sách “Hồi ký – Tự truyện”, hoặc “Tự truyện”, được dư luận quan tâm. Tác giả tổ chức họp báo, lễ ra mắt giới thiệu & ký tặng sách. Hai cuốn mới nhất vừa in xong của tác giả Lê Quang Thành và Châu Văn Mẫn giới thiệu cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng, gắn với tình cảm quê hương, đất nước, đồng chí, đồng đội, tình yêu và gia đình.

hk_5-10_1

Chấm giải ảnh - Giải báo chí quốc gia, 4.2017

Tác giả Lê Quang Thành, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đặc khu ủy Đặc khu Vũng Tàu – Côn Đảo, nhiều năm làm công tác Đoàn thanh niên Cộng sản. Tuổi trẻ của ông gắn với những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi, đầy gian khổ, vượt qua bao chông gai, thử thách ở chiến khu, trên các chiến hào của các cuộc kháng chiến hào hùng của dân tộc; gắn bó với nhiều kỷ niệm sống động thấm đậm nghĩa tình; gắn với sự nghiệp thăm dò, khai thác dầu khí. Tinh thần yêu nước, yêu quê hương, Tổ quốc, nhân dân và Đảng, đồng chí, đồng đội quyện chặt trong con người ông. 100 cuốn sách ông gửi tặng tuổi trẻ Bà Rịa – Vũng Tàu tại lễ ra mắt tập sách tháng 9.2017, có sự tham dự của lãnh đạo, nguyên lãnh đạo tỉnh, mang tính giáo dục truyền thống sâu sắc.

Tác giả Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang Châu Văn Mẫn, có thời gian bị địch giam cầm tại nhà tù Côn Đảo, địa ngục trần gian. Trong lao tù - sống chết trong gang tấc, ông giữ vững khí tiết người cộng sản kiên trung bất khuất. Trong những năm tháng hòa bình xây dựng, ông gắn bó với mảnh đất Bà Rịa – Vũng Tàu thân thương và nghỉ hưu tại TP. Vũng Tàu. Ông vượt qua nhiều khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Sách “Hồi ký – Tự truyện” của ông được gửi tặng cho một số tủ sách, thư viện ngành công an, được bạn đọc trân trọng đón nhận.

hk_5-10_2

Tình đồng nghiệp báo chí Việt - Thái, 7.2017

Trên nhiều địa phương khác, trong điều kiện có thể cũng xuất hiện nhiều cuốn “Hồi ký – Tự truyện”, ghi lại những năm tháng chiến đấu hào hùng trước đây, cũng như trong hòa bình xây dựng cuộc sống mới, cung cấp nhiều tư liệu quý, có tác dụng giáo dục truyền thống. Nhà văn, nhà báo Trần Công Tấn vừa ra mắt tác phẩm “Khôn dại – Dại khôn”. Mặc dù trên bìa sách họ không ghi thể loại gì, nhưng toàn bộ nội dung tập sách lại đầy đủ diện mạo “Hồi ký – Tự truyện”. Cựu Trưởng khoa Báo chí – Học viện Báo chí & Tuyên truyền, nhà báo Trần Bá Lạn vừa xuất bản vào đầu tháng 10.2017 sách “Tự truyện” mang tựa đề “Tâm tình từ con số 7” thật ấn tượng, bởi đọc nó, cuộc đời ông gắn với diện mạo báo chí nước nhà nửa cuối thế kỷ XX tái hiện khá đầy đủ.

Thể loại “Hồi ký – Tự truyện” nhìn chung khá hấp dẫn, nhất là “Tự truyện” của những người nổi tiếng, người của công chúng, bởi ở nó luôn toát lên chuyện đời, chuyện nghề đặt trong các mối quan hệ xã hội rộng lớn; cái nền cơ bản về bối cảnh – cuộc đời của tác giả đều gắn bó với cuộc chiến đấu của dân tộc chống xâm lược, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đọc “Hồi ký – Tự truyện” của các tác giả, người đọc thu nhận thêm nhiều tư liệu quý, dưới nhiều góc nhìn khác nhau của người viết về các sự kiện, gắn với quê hương, đất nước và công cuộc kháng chiến – kiến quốc, nơi họ tham gia, cống hiến. Những người nghiên cứu sử học, các nhà viết sách địa chí, làm công tác tư tưởng, công tác lý luận có thể khai thác và thẩm định từ sách những cứ liệu, tư liệu qúy báu.

hk_5-10_3

Nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Văn Sử, người đang nung nấu xuất bản "Tự truyện" năm 2018

Lẽ đương nhiên, nội dung thể hiện trong “Hồi ký – Tự truyện” phải rất thực, chủ yếu là kể về cá nhân mình, tình cảm và cảm xúc riêng, gắn với gia đình, dòng họ, quê hương, đồng chí, đồng đội, không thể nào tránh khỏi “sự không đầy đủ”, đậm “Dấu ấn cá nhân”. Cuộc đời một con người có không ít góc khuất, những chuyện họ muốn “dấu kín”, hoặc chưa tiện nói ra, thậm chí “sống để bụng, chết mang theo”. Loại sách Hồi ký, theo quy định của các cơ quan quản lý, các nhà xuất bản đều có sự thẩm định kỹ lưỡng, chặt chẽ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất vẫn là người đọc, sự tinh tường, độ nhạy cảm & bản lĩnh khi thưởng thức, thẩm định, thu nhận các sự kiện, tư liệu và các nhân vật liên quan được tác giả đưa ra trong tác phẩm. Người đọc cần sẵn sàng thể tất, sẻ chia những gì mình chưa đồng điều, bởi tính nhân văn, góc nhìn và đây cũng là điều rất cần của văn hóa đọc.

hk_5-10_4

Nhà báo Hồng Phương & Lê Đình Quế, yêu đời yêu nghề!

Các tác phẩm “Hồi ký – Tự truyện” của nhiều tác giả, số đông tuổi đã cao, trải nghiệm nhiều, vốn sống vô cùng phong phú. Những điều họ viết (hoặc ghi lại theo lời kể của cây bút chuyên nghiệp) là rút ruột đẻ ra. Từng con chữ, từng đoạn văn, từng trang sách thấm đậm máu và mồ hôi của người trong cuộc. Trân trọng, nâng niu, đãi cát tìm vàng – vàng mười hẳn hoi, tìm ra từ trong sách những hạt kim cương lấp lánh; cái đẹp của văn hóa dân tộc, truyền thống hào hùng của các thế hệ cha ông.

Tuổi trẻ hôm nay hãy đón nhận những gì mà các thế hệ tiền bối để lại, học tập và noi theo họ những gì quý nhất – lung linh tỏa sáng, dâng hiến mật ngọt cho đời.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...