Hữu Thọ là một trong số những nhà báo nghiên cứu sâu tư tưởng và đạo đức báo chí Hồ Chí Minh. Loạt bài viết của ông về nhà báo Hồ Chí Minh đăng nhiều kỳ trên Tạp chí Người Làm Báo và một số báo chí khác đã để lại những ấn tượng sâu đậm, những tư liệu, giá trị nghiên cứu có chiều sâu về nhà báo bậc thầy Hồ Chí Minh. Hữu Thọ không chỉ có công nghiên cứu, tìm hiểu về tư tưởng và đạo đức báo chí của Bác, ông còn là một trong những nhà báo bậc đàn anh nêu gương học tập và làm theo đạo đức báo chí Hồ Chí Minh, trong hành nghề - tác nghiệp.
Nhiều năm tham gia công việc của Hội nhà báo, lại được đào tạo làm nghề báo từ trường Tuyên giáo Trung ương nên tôi có dịp gần gũi nhà báo Hữu Thọ. Mấy năm gần đây, kiêm nhiệm Tổng biên tập Tạp chí Người Làm Báo của Hội, tôi vẫn thường điện thoại cho ông, khi thì đề nghị ông viết bài, trả lời phỏng vấn cho tạp chí, lúc thì xin ông một lời nhận xét, một gợi ý về nội dung - tin, bài cho tạp chí số đặc biệt, số kỷ niệm các sự kiện lớn, vào năm chẵn. Lần nào nhà báo Hữu Thọ cũng vui vẻ nhận lời, nhiệt thành hỗ trợ cho tờ tạp chí nghề của Hội. Ông đề nghị Tạp chí của Hội cần có những công trình nghiên cứu sâu, quan tâm đến việc nhà báo hội viên học tập và làm theo tư tưởng và đạo đức báo chí Hồ Chí Minh.
***
Từ TP. Hồ Chí Minh điện thoại ra Hà Nội, gặp ông ở đầu dây - kể cả lúc đang bận một công việc gì đó, hoặc sức khỏe đang có vấn đề, ông cũng rất vui vẻ, nhỏ nhẹ:
- Q.T đấy à, sức khỏe của cậu có khá không? Rồi ông hỏi thăm tôi về chuyện nọ, việc kia, hỏi thăm bạn bè, đồng nghiệp, gia đình. Tôi nhớ, hầu như không lần nào ông không nhắc đến H.P. Có lẽ ông quý H.P ở đức tính say nghề, yêu nghề báo, từ khi H.P làm ở Tạp chí Nghề Báo của Hội Nhà báo TP. Hồ Chí Minh.
Có lần, ông điện thoại:
- Dạo này thấy cậu đi nhiều, viết nhiều, tốt lắm, nhưng nhớ giữ gìn sức khỏe. Ốm đau, nằm xuống là khổ trăm bề. Ông dành cho tôi tình cảm thân thương như đối với một người em.
Có lần, nhận được cuốn sách tôi gửi tặng ông, ông đọc một mạch và điện thoại cho tôi:
- Này, Q.T ơi, nhìn cậu bề ngoài có vẻ nho nhã thư sinh, ít nói nhưng đọc sách mới biết cuộc đời cậu cũng lắm trần ai, có cả oan khuất, cũng dữ dội chẳng kém ai. Vậy mà bấy lâu nay, cậu chẳng nói gì, chẳng phàn nàn oán trách ai. Cuộc đời là vậy, nghị lực và sự đam mê sẽ quyết định mọi thành công.
Mới đây, sau vài tuần tôi gửi tặng ông cuốn sách do tôi viết, đầu đề: Tôi nói bằng mồm tôi, Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, năm 2014, ông điện thoại:
- Tớ vừa nhận cuốn sách mới in của Q.T, cảm ơn cậu. Tớ viết bài về cuốn sách đó trên Báo Nhân Dân, viết vội, có khi chưa ổn lắm; cậu tìm Báo Nhân Dân đọc nhé.
Bài ông viết về cuốn sách trên Báo Nhân Dân, tiêu đề: Chạm vào nỗi đau mà vẫn thấy ấm lòng. Ông nhận xét: “Đọc sách anh, thấy anh là người làm báo từng trải, khi hoạt động ở miền Bắc, lúc hoạt động ở miền Nam trong cuộc chiến đấu ác liệt, khi làm việc ở một tờ báo Trung ương, khi phụ trách một tờ báo địa phương. Đọc các bài viết của anh thấy anh là một nhà báo chăm chú quan sát, ghi chép và suy nghĩ khi hoạt động nghề nghiệp ở trong nước hay qua các chuyến công tác ở nước ngoài. Rồi cũng biết trong cuộc đời làm báo bị suy diễn, bị vô hiệu hóa suốt 5 năm nhưng khi gặp nhau không bao giờ nghe anh kể lại, không bao giờ nghe một lời oán trách ai, chỉ đến khi đọc sách mới biết, do đó tôi lại hiểu thêm về con người anh. Viết báo, anh mô tả những chuyện tiêu cực đau lòng nhưng không cay cú, vùi dập, vẫn nhẹ nhàng nhắc nhở để hướng tới những gì tốt đẹp, cho nên chạm vào nỗi đau mà vẫn thấy lòng ấm áp, không mất niềm tin, đó cũng là bản sắc của ngòi bút Q.T”.
Tôi dông dài nhắc lại chuyện này để thấy tình cảm, tấm lòng, sự chu đáo, nhân văn của Hữu Thọ - một nhà báo tên tuổi, uy tín, giữ nhiều trọng trách lón - dành cho thế hệ làm báo đàn em, dành cho đồng nghiệp lớp sau. Không ít đồng nghiệp kể lại, nhà báo Hữu Thọ nổi tiếng là vậy, trọng trách lớn, bận nhiều việc, nhưng bất cứ ai đăng ký xin được gặp, ông thu xếp ngay, tận tâm, chu tất, không quan cách. Bức xúc chuyện gì đó, cán bộ dưới quyền có sai sót, dù có nóng dận ông cũng kiềm chế, nhẹ nhàng, từ tốn xử lý từng đầu việc, ngăn nắp, khoa học, đâu lại vào đấy. Đức tính biết kiểm soát sự nóng dận, tôn trọng cấp dưới, không phải ai cũng làm được.
Hữu Thọ là một trong những cây đại thụ của nền báo chí đương đại. Ông làm báo chuyên nghiệp và trưởng thành từ Báo Nhân Dân, từ phóng viên lên phó trưởng ban, trưởng ban, phó tổng biên tập, Tổng biên tập và cuối cùng ông giữ trọng trách Trưởng Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Ủy viên Trung ương Đảng nhiều khóa liền. Hữu Thọ là tấm gương sáng về lòng say nghề, ý chí vượt khó, vượt qua chính mình để bước tới bến bờ vinh quang.
Một lần, họp Ban chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam, một đồng nghiệp nói nhỏ với tôi: “Bác Hữu Thọ là nhà báo lớn, bác ấy viết báo giỏi, giảng bài hay, tổng kết thực tiễn nâng thành lý luận sâu sắc. Nhưng thời kỳ đầu khi mới về Báo Nhân Dân cũng gian nan lắm. Cụ Hoàng Tùng, cụ Thép Mới, những cây bút nhà nghề lão luyện gạch xóa bài viết của Hữu Thọ đỏ trang giấy”. Tôi chợt nhớ đến một bài viết của nhà thơ Trần Đăng Khoa trên Tuần báo Văn Nghệ, kể lại quãng đời làm báo chuyên nghiệp đầu tiên của nhà báo Hữu Thọ, cũng gần giống như sự rỉ tai nọ của đồng nghiệp. Bài báo đầu tiên của Hữu Thọ khi đã về làm việc ở Báo Nhân, Tổng biên tập Hoàng Tùng biên tập, chỉnh sửa gần hết. Nhà báo Thép Mới đọc bản thảo vài bài viết đầu tiên của Hữu Thọ thì ngắn gọn: “không xậc được”. Tôi đem chuyện này mạnh bạo hỏi nhà báo Hữu Thọ, ông tâm sự chân thành: Từ cán bộ chính trị ở địa phương đi làm báo, chẳng được học hành gì nghề báo, sự lúng túng ban đầu trong viết báo - thuở ban đầu là điều dễ hiểu. Nhưng nhờ yêu nghề, biết rút kinh nghiệm, học hỏi lắng nghe các đồng nghiệp đàn anh, Hữu Thọ đã nhanh chóng vượt lên, chỉ một thời gian rất ngắn, ông đã hoàn toàn làm chủ công việc, làm chủ ngọn bút của mình và trở thành nhà báo nổi tiếng, sau những bài báo “Gãi đúng chỗ ngứa”, từ cuộc sống của nhân dân. Hữu Thọ nói là ông không có năng khiếu báo chí. Tôi nghĩ, đó là cách nói và sự khiêm nhường của ông. Ông là nhà báo thực sự có năng khiếu, uy lực và uyên bác, trí tuệ, giỏi nghề, sắc sảo, mẫn cán. Hàng ngàn bài báo, hàng chục cuốn sách liên quan đến nghề báo của ông đã nói lên điều đó. Nhà báo Hữu Thọ tự tổng kết, học hỏi và rút kinh nghiệm rất nhanh. Làm việc dưới quyền Tổng Biên tập Hoàng Tùng, bên cạnh những cây bút tài hoa như Thép Mới, Lê Điền, Nguyễn Hữu Chỉnh… chỉ một thời gian rất ngắn, Hữu Thọ đã vượt hẳn lên, trưởng thành về nghề, thể hiện qua những bài viết, bài điều tra có tính chiến đấu, tính phát hiện cao. Có những bài viết trong thời kỳ nông dân phá rào - địa phương khoán hộ, từ đó mà hình thành và ra đời một chính sách lón của Đảng, nhà nước. Thực tiễn cuộc sống sống động được ông và các đồng nghiệp phản ánh, phát hiện, hình thành cả một cao trào cách mạng của quần chúng nhân dân. Hữu Thọ tham gia cách mạng rất sớm. Hơn 20 tuổi ông đã là ủy viên Thường vụ Thị ủy Hải Dương. Năm 1957, một lúc ông nhận 2 quyết định. Một quyết định của Tỉnh ủy Hải Dương về làm Bí thư huyện ủy huyện Ninh Giang. Một quyết định của Khu ủy Tả Ngạn bổ sung ông về Báo Nhân Dân - làm báo. Và Hữu Thọ đã chọn con đường về Báo Nhân Dân, trở thành phóng viên báo Đảng từ đó.
40 - 50 năm - cả cuộc đời theo đuổi nghề báo, Hữu Thọ viết nhiều thể loại, mà thể loại báo chí nào ông cũng thành công. Bài học đầu tiên, cũng là bài học có tính quyết định của bất cứ người làm báo nào, đó là say nghề, đam mê với nghề. Ông nói: Làm báo mà không yêu nghề, xin hãy thôi làm nghề. Lòng say nghề giúp cho ta nhìn nhận, lý giải, luận bàn, rút tỉa từ cuộc sống - thực tiễn sống động bao điều mới lạ, bổ ích. Hữu Thọ bỏ công sức nghiên cứu rất sâu về cuộc đời làm báo - làm cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Loạt bài viết về Bác Hồ - Nhà báo và người thầy báo chí vĩ đại, nhân kỷ niệm 120 năm ngày sinh của Người đã rút ra bao nhiêu điều bổ ích về lý luận báo chí, những bài học lớn về tư tưởng báo chí, đạo đức Báo chí Hồ Chí Minh. Nhà báo Hữu Thọ tổng kết: “Học Bác là học một đời, học suốt đời, càng học càng thấm sâu tư tưởng và đạo đức của Bác”
Với Hữu Thọ, không say nghề, người làm báo sẽ không đến được với nhân sân, không đến được với người lao động một nắng hai sương trên ruộng đồng, trên các công trường xây dựng. Hữu Thọ rất tâm đắc một điều, đó là đạo làm nghề, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm nghề. Trong cơ chế thị trường, trước bao cám dỗ vật chất, đòi hỏi nhà báo phải Mắt sáng, lòng trong, bút sắc - Ông nói như là một định lý toán học:“Làm cái nghề này phải Mắt sáng, Lòng trong, Bút sắc thì mới nên nghề”. Với Hữu Thọ, mắt sáng, lòng trong, bút sắc thật sâu lắng, trở thành máu thịt, bổn phận, lẽ tự nhiên, sự đương nhiên của người cầm bút chân chính, người làm báo cách mạng. Nhà báo Hữu Thọ thường tâm sự với các nhà báo trẻ: “Một bài báo mà làm vừa lòng được tất cả mọi người là bái báo vứt đi”, cũng như có ai đó đã nói, nhà báo mà không có kẻ thù không thể là nhà báo chân chính hoàn hảo. Đó cũng chính là phẩm chất, là đạo đức làm nghề, mọi thứ rành rẽ, phân định xấu tốt, thiện ác, đúng sai, phải trái dứt khoát, rõ ràng.
Tôi may mắn có nhiều dịp cùng tham gia Hội đồng Giải báo chí toàn quốc, Giải báo chí quốc gia với nhà báo Hữu Thọ và các nhà báo lớn bậc thầy, bậc đàn anh. Lần nào nhà báo Hữu Thọ cũng phát biểu chính kiến một cách sâu sắc cả về nhận xét tổng quát, cũng như nhận xét cụ thể từng tác phẩm, cách ứng xử với từng tác phẩm báo chí. Có những vấn đề chính trị - xã hội trong nước và quốc tế nhạy cảm, Hữu Thọ nêu ý kiến của mình đâu ra đấy, chính xác, thấu tình đạt lý, lấy lợi ích chung, lợi ích toàn cục làm trọng. Tôi nhớ, một lần có 2 tác phẩm báo chí truyền hình - một tác phẩm của cơ quan báo chí Trung ương, một tác phẩm của cơ quan báo chí địa phương, cùng phản ánh một đề tài “lâm tặc - phá rừng”, có sự tiếp tay của một số quan chức biến chất. Tác phẩm của cơ quan báo chí địa phương phát hiện vấn đề sớm hơn, tính phát hiện cao hơn, tác phẩm đến với công chúng và xã hội trước - giúp cho chính quyền và cơ quan chức năng ngăn chặn và xử lý kịp thời. Nhược điểm của tác phẩm này là “tay nghề” thể hiện “non” hơn so với tác phẩm của cơ quan báo chí Trung ương. Hội đồng Giải báo chí quốc gia chọn Tác phẩm nào đây? Hữu Thọ phát biểu quan điểm, bỏ phiếu ủng hộ tác phẩm của cơ quan báo chí địa phương, bởi sự phát hiện vấn đề, bởi dũng khí của người viết. Và đa số ý kiến của thành viên hội đồng Giải ủng hộ quan điểm của nhà báo Hữu Thọ. Cái lý, cái tình của ông trong đánh giá, nhận xét tác phẩm báo chí rất rõ ràng, minh bạch, chính xác, tính biện chứng, tính lịch sử cụ thể rành rẽ không lẫn vào đâu được.
Hữu Thọ - một trong những tên tuổi lớn của nền báo chí nước nhà đương đại là vậy. Ông là điển hình về lao động báo chí - theo tấm gương sáng làm báo của Bác Hồ.
Quốc Toàn
< Lùi | Tiếp theo > |
---|