Phan Quang đã trở thành một thương hiệu: Nhà báo, nhà văn, dịch giả sống trọn đời với nghiệp báo, nghiệp văn. Vào ngưỡng tuổi 90, Phan Quang vẫn đam mê viết - viết nhanh, viết khỏe – mỗi năm ra đều đặn 3-4 cuốn sách, cuốn nào cũng dày dạn, nội dung sống động, lôi cuốn, thấm đậm hơi thở cuộc sống, giàu thông tin, luận bàn thế sự có định hướng, trách nhiệm xã hội đong đầy.
Tập sách phê bình – tiểu luận “Thời gian không dổi sắc màu”
Vào dịp kỷ niệm 92 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21.6.2017), tôi và nhiều đồng nghiệp nhận được tập sách quý mang tựa đề “Thời gian không dổi sắc màu” (Nhà Xuất bản Văn học- 2017) của nhà báo, nhà văn Phan Quang gửi tặng.
Năm 2017, đây là cuốn sách thứ 2 của ông, tiếp sau cuốn bút ký “Từ nguồn Thạch Hãn đến bờ Hồ Gươm” (Nhà Xuất bản Trẻ, 2017). Được biết, tháng 8.2017, Phan Quang đang hoàn thiện bản thảo (có bổ sung, sửa chữa) tập bút ký chân dung “Thươngnhớvẫncòn” – tái bản vào quý IV – 2017. Đời văn, đời báo – dịch giả của Phan Quang đã xuất bản không dưới 40 đầu sách, có những cuốn nổi tiếng tái bản trên dưới 30 lần. Quả là sức lao động, sự sáng tạo của ông thật to lớn, đồ sộ.
Nhà báo Tiến sỹ Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; nguyên Chủ tịch Hội dồng lý luận, phê bình văn học – nghệ thuật Trung ương; nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân Dân; nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam từ Hà Nội điện thoại cho tôi: “Ông nhận sách Thời gian không đổi sắc màucủa bác Phan Quang chưa. Một tập sách quý có bài viết về PQT”. Tôi trả lời anh Nguyễn Hồng Vinh: “Tôi vừa nhận sách cách đây cách đây 2 ngày và đọc một mạch xong tối qua. Bác Phan Quang sinh năm Thìn – 1928 là một tấm gương sáng của lòng yêu nghề, làm việc nghiêm túc, lao động không ngơi nghỉ, dù bác ấy đã bước qua ngưỡng tuổi chín mươi!”
Thời gian ơi sao không đổi sắc màu chính là câu cuối bài thơ Xuân Quỳnh viết tại bệnh viện hai tháng trước ngày cùng chồng chị, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đột ngột ra đi vì tai nạn giao thông, được Phan Quang chọn làm tựa bài viết giới thiệu tập sách sưu tầm - tư liệu rất công phu của Trần Thanh Phương – cũng là tựa đề ý nghĩa của tậpsách phê bình – tiểu luận này. Với Thời gian không đổi sắc màu, Phan Quang phân tích và cảm nhận sấu sắc các tác phẩm của một số nhà văn, nhà báo, học giả, chính khách.Lờithưa(thay lời tựa) của tác giả Phan Quang khi ông trình làng Thời gian không đổi sắc màu đã nói lên tất cả: “Niềm đam mê đọc sách trong tôi (PQ) là cái tật bẩm sinh mang tính di truyền, lại bị bội nhiễm từ tuổi ấu thơ cho đến lúc về già tôi gần như sống trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào phía nào cũng thấy sách và sách. Do vậy, hễ có chút thời gian rảnh rỗi là tôi cầm cuốn sách”. Và như Phan Quang tâm sự, sách dở hay nói chuẩn xác hơn, cuốn sách mình không thích thú lắm thì đọc qua loa; cuốn tâm đắc hoặc ngưỡng mộ, đọc kỹ, có khi đọc đi đọc lại, ngẫm ngợi và đánh dấu những trang, những dòng, những ý thú vị bên lề trang sách. Ông nói, sách là đời. Đọc sách để suy ngẫm về nghề và nghiệp, cũng có khi nhân đấy lan man luận bàn thế sự.
PHAN QUANG - Ký họa của họa sĩ Trần Tuy
Cũng có những cuốn sách của bè bạn, đồng nghiệp, Phan Quang không chỉ cảm nhận cái hay cái đẹp của sách mà còn là nghĩa tình. Phan Quang viết: “Sách của danh gia đã đành, có nhiều cuốn của bằng hữu, lẽ dĩ nhiên không phải cuốn nào cũng tuyệt tác, nhưng dù hay nhiều hoặc không hay mấy vẫn mang tâm huyết và công phu của tác giả, vẫn cung cấp cho mình một số thông tin, nhất là nghĩ đến nghĩa tình bè bạn với nhau”. Có lẽ vì vậy mà Phan Quang rất tâm đắc, thường nhắc đến tâm sự của nhà thơ Chế Lan Viên: “Chúng mình sống với nhau bốn mươi năm, chẳng lẽ không viết cho nhau được bốn trăm dòng”.
Thời gian không đổi sắc màu chính là những trang viết của Phan Quang sau khi đọc sách của nhiều danh gia, những chính khách tên tuổi và của đồng nghiệp, bạn bè. Nhà báo, nhà văn Phan Quang khiêm nhường – sự khiêm nhường đã thành máu thịt của người con quê hương Quảng Trị. Nhưng khi ta đọc lại những điều Phan Quang ghi chép, cảm nhận khi ông đọc và nhận xét một cuốn sách, mới biết là ông đọc rất kỹ, cảm nhận sâu sắc, luận bàn thế sự đâu ra đấy, thật đáng nể trọng. Đặt ở ngay những trang đầu Người đánh thức một thế hệ thanh niên (những cuốn sách ít ỏi về nhà cách mạng, nhà báo Nguyên An Ninh), Thời gian ơi sao không đổi sắc màu (giới thiệu tập sách sưu tầm – tư liệu của TrầnThanhPhương), Tâm huyết vì nữ quyền (ĐạmPhươngnữsử), Ba tính cách trong một con người (về nhà văn hiện thực phê phán Ngô Tất Tố. Cỏ độc lập (sách di cảo của Nguyễn Tuân), Ước mơ & Hoài niệm (hồi ký của Nguyễn Khắc Viện), Riêng tư một mảng đời (Nguyễn Văn Bổng), Dày dạn thanh xuân (Một thế hệ vàng trong thơ Việt Nam hiện đại của GS.Hà Minh Đức), Người giữ lửa (sách tập hợp các bài bình luận ngắn trên Báo Nhân Dân hằng tháng của tiến sĩ Nguyễn Hồng Vinh),Chuyện thế gian có bao giờ cạn (sách “Tôi nói bằng mồm tôi” của PQT), Thời luận mà cuốn hút (đọc sách của cây bút bình luận Hồ Quang Lợi), Đẹp mãi tình người, nợ đời (Tập văn tuyển “Có một ngày như thế - Đẹp mãi” của Nguyễn Xuân Lương), Nhà báo & đạo đức báo chí (sách chuyên khảo của nhà giáo PGS TS Nguyễn Thị Trường Giang). GS Nguyễn Lân Dũng tập hợp các bài viết mà ông giải đáp trên sóng truyền hình Hỏi gì đáp nấy, Hỏi gọn – đáp nhanh như một loại sách cẩm nang dành cho nhà nông, Phan Quang có cách giới thiệu súc tích, giàu tính thực tiễn hướng tới mục tiêu Giúp nhau cùng giàu lên. Dòng chảy quê hương, Báo chí khô khan ư? Phan Quang hướng ngòi bút của mình đằm thắm, da diết mà lửa lòng hai cây bút quê hương Quảng Trị, một người là bạn vong niên (Hồi ký của Lê Văn Hoan), một người là thế hệ đàn em (Bút ký, phóng sự của Trương Đức Minh Tứ) …
Mỗi tác giả một cuốn sách, có một chỗ đứng, một tầm nhìn, một vị trí công tác. Có người là lớp trên, có người cùng thế hệ hoặc thế hệ đàn em – lớp sau của Phan Quang. Mỗi tác phẩm một mảng vấn đề về thời cuộc, khác nhau về nội dung vàthể loại, hay & chưa hay, rất tuyệt tác hoặc chỉ thường thường bậc trung … Phan Quang có cách đặt vấn đề, cách phân tích, lý giải vấn đề& cảm nhận khác nhau. Nhưng điều chung nhất trong các bài viết được giới thiệu trong Thời gian không đổi sắc màu của Phan Quang vừa khái quát, vừa cụ thể - một cách nhìn khái quát, nhân văn, sống động gắn với thế sự, soi rọi tác phẩm vào những vấn đề thực tiễn mà cuộc sống đặt ra. Mới thấy, thể loại phê bình – tiểu luận dưới ngòi bút của Phan Quang thật đằm thắm, nghĩa tình mà sắc sảo, mang đậm tính thời sự nóng hổi của cuộc sống hôm nay.
Phan Quang thuộc thế hệ cán bộ lão thành cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa. Nhân kỷ niệm 72 năm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2-9, trân trọng giới thiệu cùng đồng nghiệp & bạn đọc tập sách phê bình – tiểu luận Thời gian không đổi sắc màu. Nhà báo, nhà văn Phan Quang, tấm gương sáng yêu say nghề báo, trọng nghiệp văn, đam mê đọc sách – đắm say trong môi trường sách, làm việc ở đâu, nhìn vào đâu cũng thấy sách và sách như chính ông viết trong lời thưa !
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|