Trước thềm Tết Bính Thân -2016, đã hẹn trước, từ nhà khách số 2 Lê Thạch, bên bờ Hồ Hoàn Kiếm, tôi “kích cầu chiếc Taxi Mai Linh’ màu xanh hy vọng, đến thẳng ngõ 6, phố Đăng Văn Ngữ, Đống Đa, Hà Nội thăm nhà báo, nhà văn Phan Quang.
Mùa Đông Hà Nội, mưa phùn, gió lạnh. Mấy người bày hàng quán tạm bợ trước ngõ nhà ông đon đả thân mật: “ Bác đến thăm ông bà Phan Quang ạ, ông bà đang trong nhà, bác cứ bấm chuông”. Tiết trời đông lạnh lẽo, tôi thầm nghĩ và cảm thấy rất ấm lòng: “Đến bà bán hàng quán mà cũng thân tình gần gũi thế này, quý hóa lắm”. Tôi nhẹ nhàng bấm chuông. Không đầy 1 phút, ông đã ra mở rộng cánh cửa đón khách. Ông mặc bộ đồ âu lịch sự, y như ông chuẩn bị đi dự một cuộc hội thảo quan trọng nào đó. Bao giờ nhà báo, nhà văn Phan Quang cũng vậy, với bất cú người khách nào đến nhà ông, thân hay sơ, già hay trẻ, nam hay nữ ông cũng rất lịch sự, chu đáo. Không dám so sánh, bởi mọi sự so sánh đều khệch khỡm, gặp ông tôi chợt nhớ, thời kỳ còn làm biên tập viên phòng Thời sự, Báo Quân đội Nhân dân thập niên 70 thế kỷ trước, trong vài ba lần vào buổi tối, tôi được Tổng biên tập, Tướng Trần Công Mân giao nhiệm vụ mang bài bình luận – loại bài nhạy cảm - đến nhà Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xin ý kiến của ông, Dù đang mặc bộ đồ ngủ ở nhà riêng, Đại tướng vẫn đi bộ lên lầu thay bộ quần áo tiếp khách lịch lãm, dù khách chỉ là một viên sĩ quan cấp thấp đến thỉnh cầu bài viết.
Nhà báo, nhà văn Phan Quang sinh năm 1928. Tết Bính Thân này ông xấp xỉ tuổi 90, lớn hơn tôi 21 tuổi, có thể coi ông và tôi cách nhau một thề hệ. Ấy vậy mà chúng tôi lại thân nhau, có chuyện gì lớn bé, chung riêng đều có thể kể cho nhau biết, qua email, trên điện thoại, hoặc qua một bữa ăn nhẹ, caffe sáng. Tôi xưng em, gọi ông bằng bác. Em thì phải đi với anh; bác thì đi liền với cháu. Xưng em, gọi bác giở giở ương ương, chẳng có trật tự lô gích gì, ấy nhưng với cú pháp tiếng Việt, trong văn cảnh này lại chấp nhận được. Nhiều khi cảm thấy mình xưng hô như vậy là không phải đạo, nhưng cứ gọi vậy mãi cả mấy chục năm nay cũng thành quen. Tuyệt nhiên, đối với tôi, gần như lúc nào ông cũng gọi tôi bằng đại từ nhân xưng TÔI và ANH. Nhà báo, nhà văn Phan Quang khiêm nhường và lịch lãm – đã thành thương hiệu. Đôi lần, viết bài hay phát biểu điều gì trên diễn đàn, tôi trân trọng gọi ông là nhà báo LÃO THÀNH. Ông nói không nên nói lão thành. Lão thành chỉ nên sử dụng trong trường hợp lão thành cách mạng, ông viện dẫn văn bản, rằng nhà nước cũng đã có quy định rồi. Do vậy, trên Tạp chí Người Làm Báo – Tạp chí nghề mà ông là vị Tổng biên tập đầu tiên - rất ít khi viết nhà báo lão thành Phan Quang. Dạ thưa các bạn đọc, đồng nghiệp! Tôi đã quá dông dài, con gà con kê. Thôi thì Tết nhất, nếu có lan man chút nào cũng xin được đồng nghiệp, bạn đọc lượng thứ. Đã có hằng mấy chục bài viết về Phan Quang của nhiều đồng nghiệp kể ra, miêu tả kỹ càng, đầy đủ bao nhiêu chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của nhà văn, nhà báo, dịch giả, nhà chỉ đạo và quản lý báo chí Phan Quang. Bài viết ngắn này, tôi không nhắc lại nữa, lại trùng lắp, mang tiếng thâm canh bài vở. Vui tết, đón Xuân, chỉ xin mạo muội lan man mấy chuyện đời và nghề về ông.
Ngày 13.12. 2015, đúng chủ nhật, ông viết thư cho tôi (email), đề nghị tôi, nếu có thể thì viết “Tiểu thuyết – Ký sự” về Phan Quang. Ông nêu việc này, nhân lời hẹn của tôi, dịp cuối năm sắp tới, tôi củng nhà báo Hồ Quang Lợi; nhà báo, Phó Giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Thị Trường Giang xin được đến chơi với ông – Nguyên Chủ tịch Hội, Tổng thư ký Hội Nhà báo Việt Nam nhiều nhiệm kỳ - tại nhà riêng. Ông email ngay thư cho tôi, bày tỏ tình cảm trân trọng và rất vui. Nghe ông nói viết “Tiểu thuyết – Ký sự” về Phan Quang, trước đây một số cây bút thân tình giàu kinh nghiệm đã đề cập với ông, nhưng ông lựa lời từ chối, tôi hơi hoảng, bởi cuộc đời và sự nghiệp báo chí, văn chương của ông quá đồ sộ, có thể ví như một quả núi khổng lồ, mình làm sao kham nổi. Dù vậy, nghĩa tình với ông rất sâu nặng, kính trọng, tôi liều mạng nhận lời và hẹn với ông sắp tới đây, lúc tôi ra Hà Nội, khi ông vào TP. Hồ Chí Minh, Vũng Tàu, có khi tôi và ông sẽ rong ruổi đâu đó dăm bữa nửa tháng, tỉ tê ngồi nghe ông kể chuyện mà chiêm nghiệm, ghi chép lại. Ông nói, ông có cả mối tình đầu trong trắng, ngây thơ, cảm động lắm; rồi cuộc tình thi vị, lãng mạn, trọn vẹn, thủy chung với bà Nga – người bạn đời của ông bây giờ, ông cũng sẽ kể hết…cho đã cái sự đời ! Hai, ba năm trước, lúc đó vào tuổi 85, hình như nhà báo Phan Quang cảm nhận sức khỏe của mình có vấn đề. Ông viết thư và điện thoại cho tôi ra Hà Nội, hoặc ủy quyền cho ai tin cậy đến gặp ông, mỗi tuần vài ba lần, mỗi lần nửa buổi, để ghi lại lại những điều liên quan đến đời sống báo chí đương đại, mà ông chưa tiện viết ra, kể ra – những chuyện chưa bao giờ thổ lộ. Tôi xin ý kiến ông, bàn với nhà báo, nhà thơ Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại đến nhà ông hằng tuần, để ghi lại những điều ông kể. Đợt ấy kéo dài gần 2 tháng, Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại ghi kín mấy cuốn sổ tay, ghi âm đầy đủ những điều ông kể, diễn biến thời cuộc báo chí. Khi kết thúc đợt làm việc, ông lập 3 bản ‘Ghi nhớ” (ông giữ 1 bản, tôi giữ 1 bản, Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại giữ 1 bản) ủy quyền cho tôi – dù lúc đó tôi không giữ cương vị gì nữa – toàn quyền công bố các tài liệu gọi là “rút ruột”, khi nhà báo, nhà văn trăm tuổi. Bằng sự từng trải, kinh nghiệm và bản lĩnh nghề nghiệp của mình, Trần Kim Hoa và Nguyễn Sĩ Đại cho tôi biết, những điều nhà báo Phan Quang rút tỉa, tổng kết về đời sống báo chí nước nhà, quả là rất sống động, có ý nghĩa thực tiễn và giá trị lịch sử sâu sắc.
Sắp bước vào tuổi 90 – Chín thập niên sống và làm việc không ngơi nghỉ - nhà báo Phan Quang như ông nói đã vào mùa thu rồi mùa đông cuộc đời vẫn làm việc không ngưng nghỉ. Vài chục năm nay, năm nào ông cũng xuất bản đều đặn mỗi năm ba bốn cuốn sách. Năm 2015, sức khỏe của ông giảm sút, nhưng ông vẫn xuất bản 4 cuốn liên tục; cuốn mới nhất mà ông vừa nhận từ nhà in tháng 11, 12.2015 có tựa đề” Tìm đâu ra chim én trắng” – tuyển truyện ngắn nước ngoài, do ông chuyển ngữ - Nhà Xuất bản Lao Động. Ông gửi sách và email thư cho tôi: “Sách vừa nhận từ nhà in về, tôi chưa kịp đọc lại. Tôi gửi để anh đọc cho vui, bảo đảm chuyện nào cũng hay. Đọc những mảnh chuyện buồn của một thời chưa xa tự dưng ta nghĩ: cuộc sống của ta hôm nay còn nhiều điều chưa ưng ý, người ta ai cũng phải đối mặt bao bức xúc ngày thường, tuy nhiên đối với không ít những người lao động nước ta, chim én trắng đã hiện hữu trên đời. Những ai chưa đủ may mắn tận mắt nhìn chim én trắng, đã có xã hội chung tay tìm kiếm và sớm muộn chim én trắng rồi sẽ về đây cùng với họ.”Tuổi già, nhưng sức làm việc của ông rất trẻ trung, đầu óc minh mẫn, trí nhớ tuyệt vời. Ông ghi chép hằng ngày, làm tư liệu báo chívà tư liệu văn học hằng ngày, làm đâu gọn đó, khi cần tư liệu gì, chỉ dăm ba phút là ông lôi ra ngay, chẳng có tư liệu gì mất mát, thất lạc. Phan Quang sử dụng máy tính bàn, máy tính xách tay, máy tính bảng thông thạo, biên tập bài vở, hình ảnh ngay trên máy tính, cũng bôi chữ đỏ, chữ xanh, chữ vàng – cách làm của một chàng thanh niên - biên tập viên tuổi đôi mươi. Phan Quang sống nghĩa tình, chu tất với mọi người và khi có một việc gì đó chưa trọn vẹn, ông cứ băn khoăn mẵi. Ví như Mai Sông Bé ở Đồng Nai, gửi tặng ông cuốn sách Cù Lao Phố. Ông nói Mai Sông Bé sống tốt với bạn bè; Cù Lao Phố là quê hương Mai Sông Bé, nơi nuôi dưỡng anh trưởng thành. Ông tâm sự với riêng tôi, muốn viết bài báo ngắn dăm ba trang giấy để cảm nhận về đứa con tinh thần của người đồng nghiệp lớp sau, nhưng vào thời điểm đó, ông đi bệnh viện, rồi sức khỏe trồi sụt nhiều tháng, nên bài báo ấy đang dang dở. Nghĩa tình Phan Quang đôi khi chỉ là những chuyện cỏn con như vậy.
Tết Bính Thân – 2016, một góc nhìn khác về nhà báo, nhà văn, dịch giả, chính khách Phan Quang là vậy. Tuổi trẻ - các nhà báo trẻ ngày nay chẳng cần học đâu xa. Hãy học phong cách làm việc, tự học, kỹ năng tác nghiệp báo chí hiện đại của Phan Quang là đủ – về một ông … tiên báo chí sắp bước vào ngưỡng tuổi Chín mươi !
Xuân về Tết đến, xin được kính chúc một cây đại thụ của báo chí nước nhà trường thọ !
Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh
Tết Bính Thân, 2016
P.Q.T
< Lùi | Tiếp theo > |
---|