Thời cuộc Tiền ảo, liệu có đột phá tư duy?

Tiền ảo, liệu có đột phá tư duy?

Vài ba tháng nay, thi hoảng tôi  ghé  tiệm ca phê Z trên một đại lộ  gặp bạn bè, đồng nghiệp. Cà phê thơm ngon, trà Bắc bốc khói thơm phức, khách tùy thích, ai đến đây không dùng cà phê hoạc trà cũng không sao, chủ nhà đều  niềm nở. 

Bitcoin-Transaction


Khách đến đây chủ yếu là  người thân quen, chủ đề bàn luận sôi nổi đủ mọi chuyện trên trời dưới biển, chuyện thời cuộc, vụ đại án ngân hàng Đại Dương, chuyện Triều Tiên “đếch sợ ai?”, liên tiếp phóng tên lửa hạt nhân, thử bom hạt nhân; có lẽ xôm tụ nhất là chung quanh chuyện đồng tiền điện tử (tiền ảo) tăng giá & hạ giá. Thi thoảng lại diễn ra ở đây một vài cuộc tọa đàm mời gọi kinh doanh tiền ảo, diễn giả tự xưng danh đều đến từ các trung tâm tài chính cỡ bự.  Tôi đã không dưới 2 lần được một bạn thân mắng sa sả: “Ông không chịu đột phá tư duy sao mà thành tỉ phú được” – Tôi chỉ nhăn răng cười trừ. Coi  bộ người chơi tiền ảo cũng say máu lắm !.. Cũng có chuyện người nọ người kia trúng quả lãi to, nghe nói thu về tiền tỉ, nhưng cũng có người “chiến đấu” mãi vẫn không sao thu hồi được vốn, mất quả đậm – mặt buồn rười rượi; cũng có người đên đây để  thưởng thức cà phê ngon, kiên trì quan điểm “không đột phá tư duy để trở thành tỉ phú” –  kiên cường né xa  tiền ảo (!).


Theo giới nghiên cứu, hiện nay trên thế giói có khoảng 860 loại tiền điện tử; tổng giá trị vốn hóa thị trường tiền ảo thời điểm hiện tại khoảng 146 tỉ USD, riêng bitcoin dẫn đầu chiếm khoảng 70 tỉ USD. 10 loại tiền điện tử có mệnh giá lớn nhất là bitcoin, bitcoin cash, byteball, dash, ethereum, bitconnet, bitcoindark … Có thể coi 2017 là năm bùng nổ  tiền điện tử khi giá trị của chúng  tăng trưởng cao, đem lại tỉ suất lợi nhuận hơn hẳn các loại cổ phiếu, ngoại tệ, vàng. Đặc trưng tiền điện tử là ẩn danh, không do chính phủ nào phát hành, không chịu sự chi phối của bất kì chính phủ hay ngân hàng nào. Chính vì thế mà ẩn chứa rủi ra cao. Một đặc trưng khác của tiền điện tử là thao tác trên mạng Internet (qua trang web của từng đồng tiền ảo), nên khá dễ bị lấy trộm bởi tấn công mạng; nếu chủ nhân đãng trí quên mật khẩu để mở ví chứa tiền ảo của mình, coi như mất toi luôn. 


Không thể không ghi nhận, ở Việt Nam, bắt đầu khoảng năm 2011, bằng phong trào “đào” tiền hoặc đầu tư “lướt sóng”,  số lượng người tham gia đầu tư vào lĩnh vực tiền điện tử ngày càng tăng nhanh, đến nay  phải tính đến con số  nhiều ngàn người. Tại nhiều địa phương khác, số người  (có cả công chức, viên chức) đầu tư vào đồng tiền điện tử không ít. Đây đó, có người kiếm lời mà ham sau vài bận “lướt sóng”, nhưng cũng đã có nhiều vụ  tán gia bại sản, vợ chồng cãi vã -  ly tán, mất cả chì lẫn chài – đau hơn hoạn nhưng chẳng biết kêu ai, cũng chẳng có chỗ nào mà kiện tụng, bởi sự ẩn danh và sự rủi ro cao của tiền ảo.


Thế giới, có nơi công nhận tiền điện tử, chấp nhận thanh toán bằng tiền ảo. nhưng cũng nhiều nơi không công nhận, coi hoạt động đầu tư tiền điện tử là phi pháp. Trung Quốc là quốc gia láng giềng của Việt Nam, cường quốc kinh tế mới nổi có tác động lớn đến thị trường tiền ảo thế giới. Tuần lễ đầu tháng 9.2017, đúng vào lúc bicoin tăng giá mạnh, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc chính thức “kiểm soát”, yêu cầu các cá nhân và tổ chức tín dụng dừng ngay các hoạt động gọi vốn bằng tiền ảo, lập tức thị trường tiền điện tử chao đảo, bicoin rớt giá  thê thảm. 


Tại Việt Nam, chính quyền không thể ngồi yên cho đồng tiền ảo hoành hành. Quan điểm và thái độ ứng phó phải rõ ràng. Mới dây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án hoàn thiện khung pháp lí nhằm điều chỉnh,  xử lí các loại tiền ảo, trong đó có bicoin, trong thời gian sớm nhất cần ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sớm phát đi thông báo không công nhận bitcoin và các loại tiền điện tử khác là đồng tiền được phép giao dịch trên lãnh thổ Việt Nam. Ngân hàng Nhà nước không coi tiền điện tử là phương tện thanh toán, không được pháp luật bảo hộ; cấm các tổ chức tín dụng cung cấp các dịch vụ liên quan đến hoạt động của bicoin và các loại tiền điện tử. 


“Lướt sóng” tiền ảo, tiền điện tử không được pháp luật Việt Nam bảo hộ,  rủi ro cực lớn, cần phải hết sức cẩn trọng và tỉnh táo. 

QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment