Thời cuộc Sức nóng từ nghị trường

Sức nóng từ nghị trường

Với tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ, đoàn kết, dân chủ, đổi mới kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV khai mạc ngày 23.10, kéo dài gần hết tháng 11.2017, đang được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm. Kỳ họp của Quốc hội sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước.

khai_mc_k_hp_4

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: VGP

Quốc hội xem xét các báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu phấn đấu, phương án phân bố ngân sách năm 2018. Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét và thông qua 6 dự án luật; 9 dự án luật khác sẽ được Quốc hội xem xét cho ý kiến. Quốc hội nghe báo cáo các kiến nghị của cử tri, kết quả giám sát việc thực hiện kiến nghị của cử tri trong kỳ họp trước. Ngoài ra, Quốc hội còn xem xét và quyết định nhiều vấn đề quan trọng khác.

Theo nhận định của giới truyền thông và dư luận, ý kiến đánh giá của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, nội dung Kỳ họp thứ 4 của Quốc hội khóa XIV được cử tri cả nước kỳ vọng. Nhiều vấn đề “nóng” sẽ được các đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng và các thành viên của Chính phủ. Sức nóng từ nghị trường có sức lan tỏa trong cử tri và xã hội. Vấn đề cải cách, tinh gọn bộ máy hành chính, tinh giản biên chế sẽ là một trong những vấn đề “nóng” được đặt lên bàn nghị sự của kỳ họp, theo tinh thần Nghị quyết TW 6 - khóa XII. Đất nước không có đủ tiền của để “nuôi” trên dưới 4 triệu công chức, viên chức trong một bộ máy cồng kềnh từ Trung ương đến phường xã; chức năng nhiệm vụ chồng chéo, nhiều nơi lãnh đạo “hùng hậu” hơn nhân viên; càng hô hào tinh giản biên chế thì bộ máy càng phình to, sinh ra quá nhiều cục, tổng cục, các vụ viện, các ban dự án; bộ máy các đoàn thể chính trị xã hội “khủng”, đội ngũ quá đông đảo, hiệu lực, hiệu quả kém. Đông mà việc không chạy, đông mà nhũng nhiễu dân, gây phiền toái cho doanh nghiệp, quản lý kém hiệu quả. Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội sẽ tiếp tục mổ xẻ, phân tích, lượng định để có các quyết sách mạnh, quyết liệt, quyết tâm chính trị cao để triển khai thực hiện những điểm “chốt” mà Hội nghị Trung ương 6 đã chỉ rõ.

Tng_B_th_Nguyn_Ph_Trng

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các đại biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: nld.com.vn

Với cuộc chiến chống tham nhũng, lãng phí “củi khô, củi tươi đưa vào lò đã nóng đều cháy” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định. Hệ lụy của giai đoạn một vụ án Ngân hàng CP Đại Dương, với một án tử hình, một án chung thân, nhiều án tù giam, hàng ngàn tỷ đồng được mang đi đút lót, hối lộ dưới cái tên gọi mỹ miều “chăm sóc khách hàng” đang đặt ra nhiều vấn đề về công tác quản lý tài chính, tiền tệ và bao câu hỏi bỏ ngỏ khác, mà giai đoạn hai của vụ án này cần có lời đáp. Giám đốc sở Tài Nguyên - Môi trường tỉnh miền núi Yên Bái, em trai Bí thư Tỉnh ủy “tòa ngang dãy dọc” thách thức dư luận. Thanh tra Chính phủ vào cuộc, mất gần 5 tháng ròng rã mới công bố được kết luận, đủ thấy chống cho được tham nhũng, khó lắm thay? Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai vừa bị kỷ luật Đảng, được dư luận cho là “chống lưng” cho người nhà hoạt động kinh doanh vụ lợi, liệu còn đủ uy tín làm đại biểu của dân - theo phản ánh và đặt vấn đề của chính các cử tri tỉnh này?

Các dự án BOT, theo đó các trạm thu phí bủa vây khắp nơi, với bao tiêu cực “nhóm lợi ích” từ đây - theo kết quả giám sát của Quốc hội cũng đang rất được dư luận và cử tri quan tâm. Huy động nội lực - vốn từ xã hội để làm đường, xây cầu cống là chủ trương hay, quá đúng, nhưng có những người lợi dụng vào BOT để tiêu cực, trục lợi “nhóm lợi ích” thì người tham gia giao thông chịu sao xiết. Bộ Y tế có nhiều việc “nóng”, liên quan đến sức khỏe mọi người, mọi nhà. Vụ án nhiều tai tiếng tại công ty VN Pharma, theo đó thuốc giả chữa trị ung thư được nhập khẩu bán cho bệnh nhân, với hàng loạt điều nghịch lý trong phiên tòa kéo dài vừa qua chưa có hồi kết. Nguy cơ vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, gian lận trong việc chi trả bảo hiểm y tế kéo theo bao hệ lụy tiêu cực. Với ngành Giáo dục - Đào tạo, lùng nhùng với nạn lạm thu, dạy thêm học thêm, cải cách chương trình sách giáo khoa, học hàm học vị không thực chất, nhiều cử nhân… đi làm thợ hồ để mưu sinh đang là một thực trạng nhức nhối.

12-2
Các đại biểu trao đổi bên lề kỳ họp. Ảnh: hanoimoi.com.vn

Sức nóng từ nghị trường, cần lắm. Bởi sự quan tâm của cử tri, của mọi người dân vào các vấn đề hệ trọng quốc kế dân sinh tạo “sức nóng”, khẳng định dân chủ xã hội đang được khẳng định, huy động và phát huy cao độ. Điều đó, đòi hỏi bộ máy quản lý nhà nước, các “tư lệnh” ngành không thể bằng chân như vại. Chính đây là cuộc sát hạch các cán bộ công quyền, là phép thử của dân chủ và đổi mới xã hội; dân chủ và đổi mới của Đảng và của chính Quốc hội. Một xã hội có được “sức nóng” như thế là một xã hội không ngừng vươn tới những giá trị vật chất và tinh thần cao cả; một xã hội văn minh và không ngừng phát triển.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment