Thời cuộc Cạnh tranh khốc liệt!

Cạnh tranh khốc liệt!

Cạnh tranh để phát triển. Không có cạnh tranh sẽ dẫn đến lạc hậu và triệt tiêu.

Đúng vậy, bởi đấy là triết lý, là một định đề bất di bất dịch của nền kinh tế thị trường. Tuy nhiên, chớ quên rằng, để phát triển, phải là cạnh tranh trung thực, công bằng và lành mạnh, đúng luật cạnh tranh nghiệt ngã của cơ chế thị trường. Các nhà kinh điển về kinh tế học & duy vật biện chứng, từ Karl Marx đến VI.Lenin đều đã nói nhiều đến sự cạnh tranh của nền kinh tế thị trường. Cạnh tranh càng khốc liệt, sự phát triển càng nhanh và vượt trội, sự thôn tính lẫn nhau càng diễn ra mau lẹ, hơn người ta tưởng.

gc

Taxi công nghUber, Grap mang li cho người dân hình thc di chuyn d dàng, tin li, giá rẻ. Ảnh internet

Những ngày gần đây, trong đời sống kinh tế, xã hội đang diễn ra hai cuộc cạnh tranh:

- Cuộc cạnh tranh giữa các phương tiện vận tải taxi truyền thống và taxi công nghệ: Uber và Grab.

- Cuộc cạnh tranh của hai cung cách bán xăng.

Với cuộc cạnh tranh giữa taxi truyền thống và taxi công nghệ, đến mức nhiều lái xe taxi truyền thống dán luôn biểu ngữ phản đối - phẫn nộ taxi công nghệ Uber & Grab lên ngay thành xe của mình, gián tiếp kêu gọi tẩy chay Uber & Grab. Chung quanh sự kiện “Taxi đánh Taxi”, thái độ của nhà quản lý nên như thế nào?

Cần khẳng định ngay rằng, taxi truyền thống chưa thật sự vì khách hàng; giá cả khá đắt - vào hàng đắt nhất khu vực Đông Nam Á; thái độ phục vụ của nhiều “bác tài” không thân thiện, thiếu trung thực - có cả việc chặt chém khách hàng người nước ngoài đã được giới truyền thông điểm mặt. Trong khi đó, taxi công nghệ - Uber & Grab lại rất tiện ích, giá rẻ, chưa lên xe đã biết số tiền minh cần trả, biết rõ tên và số điện thoại của “bác tài”, số hiệu xe, loại xe. Tại một số đô thị lớn như Hà Nội & TP. Hồ Chí Minh, chỉ cần vài ba phút đặt xe qua điện thoại thông minh, lập tức xe Uber, hoặc Grab có mặt, có đủ các thông tin cần thiết. Với khách hàng, vốn được thời cơ chế thị trường coi là thượng đế , cái gì tốt, chất lượng, giá rẻ, tiện ích thì họ ok, rất vui vẻ đón nhận. Rõ ràng, nếu hiện nay các hãng xe taxi truyền thống không thay đổi, không cải tiến phương thức phục vụ - nói thẳng ra là không coi khách hàng là thượng đế, đương nhiên sẽ bị tẩy chay. Với taxi Uber, Grab - sự vượt trội chất lượng phục vụ, khách hàng sẽ lựa chọn, coi đó như là một tất yếu. Cuộc canh tranh khá nghiệt ngã này, buộc lòng taxi truyền thống phải tự thay đổi chính mình, để tồn tại và phát triển. Nhà quàn lý không thể quản lý kiểu hành chính, mệnh lệnh, bởi nó trái hẳn với phương thức quản lý của nền kinh tế thị trường.

cay_xang

Ông Hiroaki Honjo, Tổng giám đốc Công ty Xăng dầu IQ8, đứng giữa mưa hàng tiếng đồng hồ, cúi chào khách vào đổ xăng tại trạm xăng dầu Thăng Long. Ảnh: Tuổi trẻ

Từ ngày 10.10.2017, người ta nói nhiều cách bán xăng dầu kiểu Nhật Bản, trái hẳn cung cách phục vụ kiểu Việt Nam của mấy cây xăng coi thường khách hàng. Sự thể là, công ty TNHH dầu khí Idemitsu Q8 - IQ8 vừa khai trương cây xăng mang thương hiệu IQ8 tại khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội - trạm xăng đầu tiên của một doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Trước đây, IQ8 đã góp vốn cùng Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đầu tư nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, Thanh Hóa. IQ8 có quyền tham gia phân phối xăng dầu của Nghi Sơn tại thị trường trong nước.

Thông tin về trạm xăng IQ8, mạng xã hội gây “bão lớn”, “bão cấp mười hai” - phơi bày ra hai cách phục vụ khác biệt, hai lối bán hàng khác biệt. Đó là hình ảnh ông giám đốc và nhân viên bán xăng tại cây xăng IQ8 ở thủ đô Hà Nội, đứng dưới trời mưa cúi gập người chào khách mua xăng. Với công nghệ vượt trội, hệ thống phần mềm quản lý tự động, thanh toán bằng thẻ… lượng xăng mà khách hàng mua chính xác đến 0,01 lít, chất lượng lại rất bảo đảm. Đối nghịch với kiểu bán xăng IQ8 kiểu Nhật Bản là cung cách bán xăng của mấy trạm xăng Việt Nam - coi thường khách hàng, gian lận tiền & số lượng xăng bán ra, có khi xăng pha trộn nước lã. Bạn và tôi, nếu là người đi mua xăng sẽ chọn loại hình nào đây? Không một giây suy nghĩ, đích thị cả bạn và tôi sẽ chọn cây xăng Nhật Bản IQ8. Là khách hàng mua xăng, nơi đâu coi khách hàng là thượng đế, đo lường chính xác, hàng không dởm, khách hàng sẽ chọn lựa và lao tới ngay. Với cách bán xăng IQ8, người Nhật đang đem đến cho khách hàng Việt Nam sự minh bạch và một chữ TÍN viết hoa.

Thời hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, cuộc chơi mang tính cạnh tranh khốc liệt, trên bình diện toàn cầu, rất sòng phẳng. Không chỉ xăng dầu mà tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khác - sản xuất kinh doanh và hoạt động dịch vụ cũng vậy. Nếu cứ khư khư ôm lấy sự độc quyền, không chịu thay đổi, trì trệ, bảo thủ để kiếm chác, chắc chắn sẽ rơi vào ngõ cụt, không trừ bất cứ ai, sớm muộn cũng rơi xuống vực thẳm và bị loại khỏi cuộc chơi.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment