CHUYỆN PHIẾM: ỨNG XỬ, KHÓ LẮM THAY !
QUỐC TOÀN
Ứng xử sao cho thể hiện sự tôn trọng lẫn nhau, am tường công việc, suy cho cùng là ứng xử có văn hóa, đâu phải dẽ.
Địa phương nọ, chuẩn bị tổ chức đại hội toàn thể hội viên Hiệp hội du lịch tỉnh. Một lãnh đạo sở du lịch phán, cũng có thể coi là ý kiến chỉ đạo về nhân sự:
- Yêu cầu Hiệp hội chuẩn bị nhân sự để tôi có ý kiến, theo tinh thần trẻ hóa, càng trẻ càng tốt. Ai lớn tuổi không nên tái cử.
Dư luận râm ran về chuyện vị lãnh đạo này đã có lần phán một câu xanh rờn: “Hiệp hội có cũng được, không có cũng chẳng sao, đôi khi thêm rách việc (!)”
Hiệp hội du lịch địa phương trên họp bàn nhân sự. Khi nhắc lại ý kiến của lãnh đạo sở du lịch cần sự “trẻ hóa” hiệp hội, chẳng ai nói gì, mấy bác tuổi ngoài sáu chục đều xin cáo từ: “Trẻ hóa, chúng em xin rút về nhà, dành thời gian vi vu ... cái cuộc đời !”
Ô hay, nhân sự các Hội nghề nghiệp có ai quy định tuổi tác, điều cốt yếu là họ có uy tín, kiến thức, tâm huyết, giàu kinh nghiệm. Mà sao cơ quan quản lý nhà nước về nghề nghiệp lại phán xét như vậy. Việc đó, chỉ nên để sở Nội Vụ - được Chính phủ giao quản lý nhà nước các Hiệp hội - có ý kiến mới đúng. Cách ứng xử như vị lãnh đạo sở Du Lịch vừa thiếu sự tôn trọng con người, không am hiểu công việc, huỵch toẹt ra là kém văn hóa.
Mà thực ra cũng chẳng trách được các quan chức cấp tỉnh. Đến như cấp Trung ương, Bộ Văn hóa – Thể thao & Du lịch còn đánh công văn hỏa tốc xuống tỉnh “bịt miệng” ông Chủ tịch Huỳnh Tấn Vinh– Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng – to gan dám phát biểu trong cuộc hội thảo về quy hoạch bán đảo Sơn Trà, chĩa vào một việc đã quyết từ lâu, làm mất uy tín ngành. Dư luận bất bình, lãnh đạo bộ đã phải ngay lập tức – hỏa tốc - ban hành văn bản thu hồi ý kiến chỉ đạo “xử lý” ông chủ tịch họ Huỳnh - Hiệp hội du lịch TP. Đà Nẵng.
Đấy cũng là bài học ứng xử cho các doanh nhân. Rõ là ứng xử chuyện đời, chuyện nghề, nói thì dễ mà làm thì khó lắm thay.
CHÍ QUÂN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|