Cái xe công – xe biển xanh có nhiều chuyện để bàn. Có những chuyện về xe công ... cười chảy nước mắt.
Xe công – xe biển xanh của một số quan chức chở vợ con, bè bạn, người thân đi lễ chùa, nhà báo chụp được đưa lên công luận; điện thoại thông minh vớ được đưa lên mạng xã hội, thế là toi (!). Rồi xe công của một sở nọ ở thành phố Hồ Chí Minh chở công chức trong cơ quan đi ăn đám dỗ nhà sếp ở một huyện ngoại thành, trong giờ hành chính; báo truyền thống, mạng xã hội “cóp” ngay lên facebook, dân oán than, lãnh đạo sở ngồi lại kiểm điểm trách nhiệm, nhận án kỷ luật. Rồi xe công – xe biển xanh, xe hộ đê, xe cứu thương hùn hạp nhau chở gỗ lậu, chở pháo nổ, thậm chí chở cả ma túy, bị bắt quả tang, toi đời. Xe biển xanh – xe công đậu vô tội vạ, chiếm vỉa hè người đi bộ, nhân viên công vụ niêm phong, lập biên bản xử phạt, dùng xe cẩu đưa về trụ sở công an quận (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh) xử phạt nặng. Cũng vì cái xe biển xanh mà sự mờ ám, khuất tất từ ông Trịnh Xuân Thanh bị lôi ra ánh sáng. Rồi xe xịn của doanh nghiệp nọ tặng quan chức cấp tỉnh, cấp thành phố trực thuộc Trung ương vướng tai tiếng, dư luận, công luận lùm xùm.
Quy định sử dụng xe công, từ các thông tư, nghị định, chỉ thị không thiếu, cả vài chục năm nay, nhưng việc quản lý sử dụng xe công vẫn buông lỏng, tùy tiện, không nghiêm minh. Một xe công, ngoài tiền lương tiền thưởng nuôi lái xe, nhà nước còn bỏ ra nhiều triệu đồng cung phụng xăng, dầu. Lại còn chuyện sửa xe, xe hư phải sửa mà xe không hư cũng bịa ra cho sửa để giải ngân, xà xẻo công quỹ. Quá lỏng lẻo, quá lãng phí ... tiền chùa. Có những đầu xe, mỗi năm “nuốt” tiền thuế của dân cả mấy tỷ đồng, hoặc gần như thế. Người được sử dụng xe công – các sếp thiếu gương mẫu, coi xe công như xe của riêng nhà mình, một thứ của chùa, dùng vô tội vạ. Trong khi đó cơ quan quản lý nể nang các sếp, chẳng hề để mắt tới, hoặc biết cả đấy mà vẫn làm lơ. Một số ít “bác tài” xe công – xe biển xanh – chở sếp quyền cao chức trọng, ỷ thế có sếp “chống lưng” cứ tỏ ra như vương tướng vậy. Thói thường, sếp hư thì lính cũng hư là vậy.
Từ sáng sớm ngày 1.3.2017, Thủ đô Hà Nội vừa có một đột phá bằng hành động “Niêm phong xe biển xanh, khoán xe công” đợt 1 cho 8 đơn vị đầu tiên. Nói đột phá là nói vậy thôi, thực ra việc này đã nói nhiều, bộ Tài Chính và các bộ ngành liên quan đã nhiều lần nêu phương án, nhưng chưa mấy ai hưởng ứng. Chính phủ cũng đã nhắc nhở, chỉ đạo các bộ ngành, địa phương, nhưng chưa mấy ai thực thi. Nay Hà Nội đột phá cho “Niêm phong xe biển xanh, khoán xe công” – việc làm rất được dư luận, nhân dân đồng tình. Từ ngày 1.3.2017, 8 đơn vị của thành phố Hà Nội: sở Lao động, Thương binh và xã hội; sở Tài Chính; sở Kế hoạch và Đầu tư, , sở Giao thông – Vận tải; Ủy ban nhân dân các quận, huyện Gia Lâm, Thanh Trì, Hà Đông, Long Biên thực hiện khoán xe công. Và hơn 40 xe biển xanh được niêm phong chờ điều chuyển, hoặc đấu giá, theo đó các lái xe biển xanh cũng được sắp xếp công việc khác. Mức khoán xe công 9,3 triệu đồng/ người/ tháng; hoặc áp đơn giá 13.000 đồng / km nhân với khoảng cách thực tế đi công tác hằng tháng của từng chức danh. Xe được khoán đúng quy định, đúng đối tượng.
Chỉ thị của lãnh đão thành phố Hà Nội quy định rõ ràng việc khoán xe công, niêm phong xe biển xanh phải được tổ chức thực hiện chặt chẽ, chu đáo, không làm ảnh hưởng đến công việc, nhiệm vụ chung, không làm xáo trộn tổ chức; vừa làm vừa tổ chức xem xét, rút kinh nghiệm kịp thời, để có sự điều chỉnh, khi thấy cần thiết. Điều có thể thấy ngay, việc khoán xe công – sau nhiều năm chuẩn bị, lựa chọn phương án, như thêm một luồng gió mới của sự đổi mới, góp phần không nhỏ tiết kiệm ngân sách, hạn chế - tiến tới chấm dứt các biểu hiện tiêu cực, phản cảm trong việc quan chức sử dụng xe công. Vụ xe công – xe biển xanh này, cả nước sẽ giảm được bao nhiêu là biên chế, sẽ tiết kiệm được khối tiền khủng cho ngân sách, chừng mực nào đó còn góp phần “lành mạnh hóa” một số cơ quan công quyền nào đó.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần nhắc nhở xây dựng Chính phủ liêm chính, Chính phủ hành động, nói đi đôi với làm. Thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội đang triển khai nhiều biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt “trả lại vỉa hè cho người đi bộ”, một việc làm rất được lòng dân. Chắc chắn, với việc khoán xe công, niêm phong xe biển xanh của Hà Nội (và sau này là cả nước) cũng sẽ được người dân đồng tình, ủng hộ. Một Chính phủ liêm chính, một chính phủ hành động – chính quyền hành động đã và đang hiện hữu sống động trong cuộc sống hôm nay – cuộc đổi mới đất nước lần thứ hai, sau 30 năm gặt hái rất thành công công cuộc đổi mới đất nước.
< Lùi | Tiếp theo > |
---|