GIAN NAN CON ĐƯỜNG TÌM TRẦM

Phúc Trạch, Hương Khê, Hà Tĩnh được coi là vùng Trầm hương nổi tiếng, với những rừng cây Dó Trầm trồng trong các vướn nhà, trồng ngoài nương rẫy, ngoài rừng, đem lại nguồn lợi lớn cho nhân dân Phúc Trạch. Vào các cánh rừng đại ngàn tỉnh Quảng Nam và Trung Trung bộ, những cánh rừng cây Dó Trầm hương tồn tại hàng chục, hàng trăm năm cho ta loại đặc sản TRẦM HƯƠNG - KỲ NAM vô giá. Các cánh rừng này đang bị khai thác, thậm chí triệt hạ. Đời phu tìm trầm gian nan vô cùng, ẩn chứa bao nỗi hiểm nguy. Phóng sự "Gian nan con đường tìm trầm" của Vũ Cao đã nói lên phần nào ... đặc sản quý hiếm TRẦM HƯƠNG ...

TR1

Một cây dó hương trong rừng huyện Vạn Ninh.

Trầm hoặc kỳ nam là ước mơ lớn nhất của những người đi “điệu” (đi tìm trầm). Thông tin về nhóm này, nhóm kia ở Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa…  tìm được hàng chục kg báu vật, bán được cả chục tỉ đồng như những liều thuốc kích thích nhiều người đổ xô vào rừng với ước mơ đổi đời.

Tuy nhiên, đi “điệu”  không phải là một cuộc dạo chơi, tìm thấy trầm cũng khó như mò kim đáy bể. Nhiều người đã phải bỏ mạng nơi thâm sơn cùng cốc vì nhiều lý do: lũ cuốn, rắn độc cắn, sốt rét, cây đè, lạc đường, chết đói… Chưa kể, những mâu thuẫn, xích mích xảy ra, dẫn đến thù oán vì ăn chia không đều khi tìm được trầm.

 MỘT CHUYẾN ĐI “ĐIỆU”

Khởi hành từ thị trấn Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa khi trời chưa sáng tỏ, nhóm “đi điệu” gồm 5 người là các thanh niên: Hùng, Khoa, Tâm, Đực, Lịnh, tất cả đều chưa quá 30 tuổi - và tôi - ngồi bệt trên sàn chiếc xe “be” sơn màu vàng - loại xe cải tiến từ xe vận tải quân sự GMC của Mỹ, được hàn thêm những khung sắt hình chữ V, chuyên dùng để kéo những thân gỗ lớn từ rừng ra bãi tập kết.

Sàn xe đầy những mảnh vỏ cây nham nhở, tất cả dựa lưng vào những chiếc ba lô căng phồng gạo, mắm, võng, nylon che mưa. Theo kế hoạch, chiếc xe sẽ đưa chúng tôi đến một khu rừng nằm ở phía tây huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa rồi từ đó chúng tôi sẽ đi bộ, len lỏi qua những triền núi giáp ranh giữa tỉnh Khánh Hòa và tỉnh ĐăkLăk, nơi có cây “dó” - loại cây cho trầm hương hoặc kỳ nam - vẫn thường mọc. Anh Hùng, người được coi như trưởng nhóm nói: “Dân đi “điệu” kiêng cữ nhiều thứ lắm. Chẳng hạn như nếu có người hỏi thăm thì không bao giờ nói là đi tìm trầm. 3 ngày trước lúc lên đường, ai có vợ thì không được ngủ với vợ. Vào tới cửa rừng thì phải hương khói khấn bái. Đang đi mà thấy con kỳ đà thì quay về ngay vì “kỳ đà cản mũi”. Lỡ nấu cơm sống thì không được đổ bỏ mà phải ăn cho bằng hết chứ không nấu lại…”.

Còn “ngậm ngải tìm trầm” ư? Anh Hùng giải thích: “Đó là truyền thuyết từ hồi xưa, ngậm củ ngải để nhớ đường về vì có người mải mê tìm kiếm nên lạc lối. Lương thực hết, họ ăn rau hoang củ dại, nhai ốc, nuốt cá, riết rồi hóa thành… người rừng, lấy lá cây, vỏ cây che thân, quên cả tiếng nói. Nếu tìm được lối ra khỏi rừng, gặp lại cha mẹ vợ con, có người cũng chẳng nhớ họ là ai”. Anh Đực kể thêm là có lần, trong một chuyến đi “điệu”, anh cùng mấy người bạn thấy một bộ xương khô, quần áo đã mủn hết, nằm trên một cái võng giăng ngang hai thân cây. Căn cứ vào những thứ để cạnh võng như dao, rựa, nồi nấu cơm, bình đựng nước, anh đoán đó là một người đi “điệu” bị lạc rồi chết đói vì anh không thấy bất kỳ một loại thức ăn nào. Anh nói: “Chúng tôi đào huyệt chôn người xấu xố rồi làm dấu ngôi mộ cẩn thận. Sau đó, về đến nhà, chúng tôi báo chính quyền địa phương để địa phương thông báo rộng rãi cho ai là thân nhân thì biết mà vào nhận…”.

Đồ nghề không thể thiếu của dân đi “điệu” là bộ “dũm” gồm 3 cái, kích thước lớn nhỏ khác nhau, hình dạng như chiếc máng xối mà người ta thường đặt dưới mái nhà để hứng nước mưa, một đầu bén ngót, dùng để móc đất, một cây rựa dài khoảng 1,2m cả cán để chặt cây. Nếu chuyến đi kéo dài 10 ngày thì mỗi người mang theo khoảng 7kg gạo, chục gói mì cùng mấy cái hũ nhỏ bằng nhựa, hũ đựng thịt heo bằm rang với muối, sả, ớt, hũ đựng đường, trà, cà phê, hũ đựng những thứ linh tinh như thuốc chống sốt rét, tiêu chảy, thuốc gia truyền trị rắn cắn. Dụng cụ nấu ăn thì chia nhau ra, như nhóm anh Hùng chẳng hạn, họ mang theo 1 cái nồi lớn để nấu cơm, 1 nồi nhỏ nấu canh, luộc rau, đồng thời cũng để nấu nước uống. Đồ ngủ thì ai cũng mang theo võng. Anh Đực cho biết võng may 2 lớp bằng loại vải dày để tránh muỗi đốt, ban đêm khi ngủ lật lớp thứ hai lên là thành tấm mền, đắp vào đỡ lạnh. Thời điểm tốt nhất để đi “điệu” là từ sau tết âm lịch đến cuối tháng 7, vì khi đó chưa tới mùa mưa, vừa tránh được khí hậu ẩm ướt, dễ sốt rét, lại vừa tránh được những trận lũ ống, lũ quét. Khu vực đi “điệu” là những cánh rừng mà thời chiến tranh, hứng chịu nhiều bom đạn. Những mảnh bom, mảnh đạn găm vào thân cây “dó” sau một thời gian sẽ cho ra trầm, kỳ…

TRẦM, KỲ NAM LÀ GÌ?

Trầm, kỳ nam là một loài thực vật thuộc họ Dó, tên khoa học là Aquilaria agallocha Roxb, xuất hiện ở các quốc gia Đông Nam Á và đảo New Guinea. Riêng tại Việt Nam, cây dó được tìm thấy từ tỉnh Hà Giang đến đảo Phú Quốc. Tuy nhiên, chỉ có loài dó bầu mới cho ra trầm hoặc kỳ nam nên nó còn được gọi là cây dó trầm. Theo những người Hoa chuyên mua bán trầm ở khu vực quận 5, quận 6, TP.Hồ Chí Minh, những cây dó có tuổi từ 30 năm trở lên mới cho ra loại trầm tốt nhất. Ông Hàn Vĩnh Sanh, một nhà sản xuất nhang trầm ở đường Phạm Văn Chí, quận 6 nói: “Khi bị tác động từ thiên nhiên như sét đánh, bị cây mọc gần đó ngã đổ, đè vào, sâu bọ sống ký sinh, mối làm tổ, hoặc các tác động nhân tạo như mảnh bom đạn, người đi rừng dùng dao, rựa, chặt lên thân cây, các “vết thương” trên thân cây dó sẽ tiết ra một chất nhựa nhằm ngăn chặn những loại côn trùng đục khoét. Trải qua thời gian, nhựa kết hợp với một số vi sinh vật và khoáng chất trong đất, sinh ra trầm. Quá trình từ chất nhựa đến khi thành trầm phải mất 10 năm hoặc lâu hơn…”.

Đặc điểm nổi bật của trầm là mùi thơm đặc biệt, nhất là lúc đốt. Khi hàm lượng tinh dầu lớn hơn 40%, trầm chìm trong nước thay vì nổi lên. Riêng với kỳ nam, đây là loại trầm tốt nhất, hàm lượng tinh dầu lên đến 60 hoặc 80%. Và vì lượng tinh dầu rất lớn nên kỳ nam không cứng như trầm mà dẻo, có vị cay, đắng, ngọt, không cần đốt vẫn ngửi thấy mùi thơm. Ông Hàn Vĩnh Sanh nói tiếp: “Những cây dó có trầm thì chưa chắc đã có kỳ nam. Nhưng những cây dó có kỳ nam thì trầm luôn bao xung quanh hoặc ở ngay bên cạnh”.

Trm_hng_l_phn_g_ca_cy_d_bu_b_nhim_du

Trầm hương là phần gỗ của cây dó bầu bị nhiễm dầu.

Kỳ nam được chia thành 4 loại, đứng đầu là bạch kỳ, màu xám nhạt, giá thị trường mỗi kg hiện nay khoảng 15 tỉ đồng. Thứ hai là thanh kỳ, màu xanh xám, ánh lục, giá mỗi kg khoảng 10 - 12 tỉ đồng. Thứ ba là huỳnh kỳ, màu nâu sẫm hoặc vàng nâu và thứ thứ tư là hắc kỳ, màu đen. Hai loại này giá dao động từ 6 - 8 tỉ đồng/kg.

Vẫn theo ông Sanh, trầm cũng được chia thành 6 loại, xếp theo thứ hạng từ 1 đến 6, cao nhất là trầm sáp (hay còn gọi là trầm mắt kiến), giá khoảng 3-4 tỉ đồng/kg còn thấp nhất là “tốc”, có rất ít tinh dầu, thường chỉ dùng làm nhang. Những hãng mỹ phẩm danh tiếng trên thế giới đều sử dụng trầm để chế tạo ra những loại nước hoa cao cấp vì nó có mùi thơm đặc trưng và giữ mùi rất lâu. Trầm cũng là loại không thể thiếu ở các nghi lễ tại các đến thờ Hồi giáo, Ấn Độ giáo. Trong Đông y, trầm được dùng làm thuốc chữa bệnh. Ngoài ra, trầm còn được dùng làm vòng trang sức với lời đồn rằng đeo nó sẽ tránh được tai ương, bệnh tật.

Chính vì hiếm và đắt nên theo anh Hùng, trưởng nhóm đi “điệu”, một số người đã làm giả các loại vòng đeo tay bằng trầm. Anh Hùng nói: “Họ lấy thân cây dó, loại không có trầm rồi xay vụn ra, trộn lẫn với tinh dầu trầm - nhưng không phải là tinh dầu thiên nhiên mà là tinh dầu tổng hợp bằng phương pháp hóa học (giá mỗi lít chỉ khoảng 5 - 6 triệu đồng). Sau đó, họ bỏ thêm chất kết dính và cho vào khuôn, ép dưới áp lực cao để hình thành những khối hình tròn. Tiếp theo, họ đục lỗ xuyên tâm, xỏ dây rồi bán mỗi chiếc vòng từ 2 - 3 triệu đồng. Loại vòng ấy vẫn có mùi thơm của trầm nhưng nồng hơn, gắt hơn. Đeo chừng vài tháng, tinh dầu bay hơi, mùi thơm giảm dần trong lúc nếu là vòng thật, làm từ trầm thật, đeo cả đời mùi thơm vẫn còn…”.

NHỮNG NGUY HIỂM CHỰC CHỜ

Khoảng 9 giờ sáng, chiếc xe “be” chở nhóm chúng tôi dừng lại trước cửa rừng. Trước mặt chúng tôi là những ngọn núi nối tiếp nhau trùng điệp, tuyền một màu xanh thẫm. Cả nhóm đeo ba lô lên vai, dao, rựa cầm tay, lầm lũi bước theo lối mòn do những người đi làm rẫy, lấy củi và cả của bọn lâm tặc tạo ra. Anh Lịnh cho biết, đoạn đường này vẫn còn tương đối bằng phẳng chứ trên kia - anh đưa tay chỉ vào một ngọn núi - có những con dốc được gọi là “dốc 2 bi đông, 3 bi đông” vì phải uống hết 2 hoặc bi đông nước mới lên được tới đỉnh.

Con đường mòn quanh co uốn lượn, lúc lên lúc xuống giữa đám rừng phần lớn là những bụi cây tạp và những đám cỏ tranh cao ngút đầu người. Đi được hơn 1 tiếng, trước mắt chúng tôi là một khoảng đất trống bằng phẳng và sạch sẽ vì bên trên, người ta đã giăng một tấm lưới lớn để ngăn lá cây rơi xuống. Sát rìa mảnh đất, có một căn nhà không vách, mái lợp tranh, trong nhà là cái sạp bằng gỗ, trên bày la liệt dao, rựa, gạo, mắm, mì gói, đường, trà, cà phê…, còn người bán là một người đàn ông tuổi trạc 50, ở trần, da đen bóng. Cạnh đó, dựng hàng chục chiếc xe gắn máy. Anh Hùng nói: “Đây là trạm dừng chân trước khi vào rừng. Để qua mặt kiểm lâm, những người đốn gỗ lậu chỉ chạy xe máy chứ không mang theo đồ nghề, vật dụng. Vào tới đây họ mới mua lương thực còn cưa, nêm, búa…, họ giấu ở bãi gỗ. Đến ngày về, họ lấy xe ra thị trấn như những người bình thường. Riêng gỗ thì sau khi xẻ, có những nhóm khác lo việc vận chuyển bằng những con đường khác”.

TR4

Điểm dừng chân giữa rừng, nơi cung cấp thực phẩm cho dân đi “điệu” và cho cả lâm tặc.

Nghỉ ngơi vài phút, hút xong điếu thuốc và uống hết ấm trà, nhóm chúng tôi tiếp tục lên đường. Lội qua một con suối nước lạnh buốt, đá cục đá hòn lổn nhổn, anh Hùng đột ngột rẽ ngang. Từ lúc này, nhóm đi “điệu” bắt đầu cắt rừng vì không còn đường nữa. Anh Đực đi sau lưng tôi dặn: “Chưa tới mùa mưa nhưng nhiều chỗ vẫn có vắt. Lát nữa qua đoạn rừng tre, vắt nhiều lắm. Nếu bị nó bám thì đừng dừng lại gỡ vì dừng lại, nó sẽ bu bám nhiều hơn. Cứ việc đi, nó hút no máu sẽ tự động nhả ra, tới chỗ nghỉ rồi tính”.

Chỗ nghỉ cách cửa rừng khoảng 7km, cạnh một con suối mà dấu tích của một trận lũ vẫn còn để lại trên dải đất dọc theo 2 bên bờ với những hòn đá lớn nhỏ cùng những cành cây khô, gỗ mục. Nghe nói trận lũ ấy đã cướp đi sinh mạng của 2 người đi “điệu” từ Phú Yên vào vì lũ ập đến lúc nửa đêm nên họ không chạy kịp. Để ý kỹ, tôi thấy sát mép suối vẫn còn hàng chục cọng chân nhang, có lẽ do những nhóm đi trước đã thắp viếng người xấu số. Anh Đực cho biết 2 ngày sau mới tìm thấy xác họ, bị nước cuốn trôi xuống, cách nơi này gần 3km.

Là chỗ nghỉ qua đêm nên chỉ vài phút sau đó, khi đã hạ ba lô xuống, những người trong nhóm anh Hùng kẻ đi múc nước, kẻ giăng võng, người nổi lửa nấu cơm. Một lát, anh Hùng lấy ra một cái túi nylon nhỏ rồi lần lượt, ai cũng đổ vào đó 1 lon sữa bò gạo. Cuối cùng, anh gấp đôi miệng túi lại, buộc thật chặt rồi treo lên một nhánh cây nằm ở một góc khuất. Trước lúc treo, anh móc ra một cái lọ nhỏ, cho ngón tay út vào rồi bôi chất màu trắng đục trong lọ lên sợi dây. Thấy tôi thắc mắc, anh giải thích: “Gạo này dùng dự trữ để lúc về nếu hết lương thực, hoặc gặp lũ phải nằm lại nhiều ngày thì vẫn có cái ăn, không lo chết đói”. Sau này tôi mới biết suốt quãng đường đi “điệu” nhóm nào cũng có 2, 3 điểm cất giấu lương thực như thế, và thường thì không nhóm nào xâm phạm đến lương thực của nhóm nào -  ngoại trừ những trường hợp bất khả kháng. Anh Lịnh kể: “Có lần, tui đi với nhóm ông Thành, gặp trận lũ lớn bít hết đường ra, nằm chịu trận suốt 3 ngày. Lúc mưa tạnh, nước rút thì hết gạo. Lội rừng từ sáng tới chiều may sao thấy được cái “kho”, không biết của ai. Tụi tui lấy gạo nấu cơm rồi anh Thành dùng than viết lên vỏ bao thuốc lá, nhét vô túi gạo: “Thành mượn gạo”, chuyến sau vô trả đủ, không thiếu một hột”. Tôi hỏi: “Hồi nãy thấy anh Hùng bôi cái gì lên sợi dây buộc túi gạo vậy?”. Anh Lịnh cười: “Thuốc DEP chữa ghẻ, để ngăn chuột và kiến”.

LÀM GIÀU TRONG NHÁY MẮT

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở Việt Nam, cây dó mọc nhiều nhất tại các vùng núi thuộc các tỉnh ven biển miền Trung, chủ yếu từ Quảng Nam và kéo dài đến Khánh Hòa. Cũng tại Việt Nam, người ta đã phát hiện 7 loại dó trong tổng số 25 loài trên toàn thế giới, nhưng chỉ 3 loài cho ra trầm hoặc kỳ nam là cây dó đen, dó trắng và dó hương, còn dó giây, dó me, dó liệt, dó cát thì không có trầm. Anh Hùng cho biết, từ ngày hòa bình đến nay, các nhóm đi “điệu” đã khai thác gần như cạn kiệt nên bây giờ tìm được cây dó có trầm còn khó hơn tìm kim đáy biển. Nếu có, chỉ còn vùng núi phía tây Trường Sơn, trên đất Lào, nơi cả trăm năm nay không dấu chân người. Chính vì vậy, chuyện về những nhóm đi “điệu” tìm được trầm, kỳ nam, bán cả chục tỉ đồng thỉnh thoảng vẫn rộ lên ở nơi này, nơi kia, đã như những liều thuốc kích thích dân đi “điệu”, bất kể bao nỗi nguy hiểm chỉ vì mơ ước một phút đổi đời.

TR3

Một đoạn cây dó hương đã kết trầm.

Cơm tối xong, anh Lịnh cho vào bếp lửa mớ củi lớn rồi mỗi người một võng, người phì phéo hút thuốc, người mở điện thoại di động nghe nhạc hoặc coi những bộ phim đã tải về từ trước. Anh Đực nằm cạnh tôi, kể câu chuyện ở Vạn Ninh, Khánh Hòa, có người làm nghề đánh bẫy thú. Một hôm trời mưa, khi đi ngang qua một khúc quanh giữa rừng thì bất ngờ anh ta trượt chân ngã xuống, tay chống vào một gốc cây mục. Tới hồi gượng dậy, rút tay lên, anh ta ngửi thấy mùi thơm ngát. Biết là trầm, anh ta đào lên và thu được 2kg kỳ nam cùng gần 5kg trầm. Anh Được nói: “Đó là “Cậu (Cậu là thần giữ rừng, theo cách gọi của dân đi “điệu”) cho vì ngày nào cũng có vài chục người qua lại khúc quanh đó mà có ai thấy gì đâu”.

Cũng ở Hòn Hèo, huyện Vạn Ninh, năm 1956, một người tên Nghĩa khi đi rừng đã phát hiện một cây dó hương khá lớn nên dùng dao chặt vào gốc cây mấy nhát để tạo vết thương. Khoảng 15 năm sau, lúc ốm gần chết, ông gọi con cái lại, chỉ rõ vị trí cây dó rồi bảo họ vào đó tìm kiếm, may ra có trầm. Tuy nhiên, do chiến tranh lúc ấy đang diễn ra khốc liệt, những đứa con ông phiêu bạt tứ tán nên “cây dó ông Nghĩa” đi vào quên lãng. Mãi đến năm 2004, một người đi “điệu” bất ngờ nhìn thấy cây dó này, lấy được kỳ nam và trầm nhưng không rõ số lượng vì họ giấu kín, chỉ biết bán được khoảng 11 tỉ đồng. Ở Quảng Nam, một nhóm đi “điệu” tìm được gần 100kg kỳ nam và số tiền bán được lớn đến nỗi tất cả đều bỏ trốn để bảo đảm an toàn tính mạng. Gần đây nhất, một nhóm đi “điệu” ở Vạn Ninh cũng đã tìm thấy 1,6kg kỳ nam, bán được hơn 14 tỉ đồng.

5 giờ sáng, anh Lịnh thức dậy sớm nhất để nấu nước pha trà, nấu mì gói, chuẩn bị ăn uống rồi tiếp tục lên đường. Theo Đông y, trầm, kỳ nam có tính bổ dương, ngăn tiêu hao nguyên khí, trị hen suyễn và đặc biệt là rất hiệu quả trong việc kéo dài đời sống tình dục mà theo dân đi “điệu” thì “Viagra cũng phải gọi bằng cụ”. Với Tây y, một số hoạt chất trong trầm là thành phần không thể thiếu khi bào chế thuốc điều trị ung thư bàng quang. Ngoài ra, trầm còn được dùng để làm ra những loại mỹ phầm siêu cao cấp như nước hoa Chanel No5, Imortal 7, tạo mùi cho những loại rượu đắt tiền như Louis XIII hoặc những đồ thủ công mỹ nghệ, khi bán tính từng trăm gam. Ở nước Anh, hãng Bristol sản xuất ra loại giấy viết thư có mùi trầm, để hàng chục năm vẫn thơm ngát, với giá mỗi tờ khoảng… 1 triệu đồng tiền Việt! Ở một số chợ tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước, vẫn thường thấy bán loại xà bông trầm do Trung Quốc sản xuất, giá mỗi cục chỉ 15 ngàn, hoặc những bó nhang được gọi là “nhang trầm”, giá mỗi bó 100 thẻ chỉ 20 ngàn, nhưng thực chất đó là hương trầm, được điều chế bằng phương pháp hóa học. Ông Hàn Vĩnh Sanh, người chuyên nghề làm nhang ở quận 6, TP.Hồ Chí Minh cho biết, nếu là nhang làm từ trầm nguyên chất - dù chỉ là trầm loại 6 thì một bó 50 thẻ, cũng có giá 250 ngàn đồng…

THẬT GIẢ KHÓ LƯỜNG

 Sáng hôm sau, lúc tôi ra khỏi võng thì cơm nước đã nấu xong. Cố nuốt 2 lưng chén với muối sả ớt vừa cay, vừa mặn xé lưỡi, tôi lại khoác ba lô lên vai, cùng nhóm đi “điệu” tiến sâu vào rừng, lòng cầu mong “Cậu” cho tìm được… vài kg! Theo anh Hùng, những người chuyên mua bán trầm mà dân trong nghề gọi là “tào kê” thử trầm bằng 2 cách. Một là thả vào nước. Nếu là trầm loại 1, nó chìm thẳng xuống nước vì hầu như toàn bộ khối trầm không còn chất gỗ. Loại 2 thì chìm đến gần đáy còn những loại sau càng ít trầm thì càng nổi lên trên. Đưa tôi xem một mẩu trầm loại 6, anh Hùng giải thích: “Tất cả chỉ là gỗ, còn những sợi màu nâu đen nằm rải rác giữa những sớ gỗ là trầm nhưng vì quá ít nên nó rẻ”.

Cách thứ hai là đốt rồi ngửi khói nhưng cách này chỉ những “tào kê” lão luyện trong nghề mới phân biệt được vì cũng như những chiếc vòng đeo tay giả trầm, với công nghệ hiện đại người ta hoàn toàn có thể làm ra những khối “trầm” xù xì, y như mới lấy từ cây dó hương ra. Bằng cách xay nhuyễn gỗ dó, trộn lẫn tinh dầu điều chế bằng phương pháp hóa học rồi ép định hình, nhưng kẻ làm giả đã cho ra lò hàng chục kg trầm loại 1 và người mua - kể cả những người tự hào rằng mình có kinh nghiệm về trầm, cũng dễ dàng dính bẫy. Anh Lịnh kể: “2 năm trước, rộ lên tin đồn là ông Sơn ở huyện miền núi Khánh Vĩnh tìm được khối trầm loại 1, nặng gần 3kg. Khách Trung Quốc vào trả 12 tỉ đồng nhưng ông không bán. Một “đại gia” bất động sản ở TP.Hồ Chí Minh nghe tin, bay ra. Sau nhiều lần thương lượng, ông Sơn bán cho đại gia này với giá 12,5 tỉ đồng. Điều lạ lùng là nhóm khách Trung Quốc dù không mua được nhưng vẫn rất vui vẻ, lại còn mời ông Sơn ra Nha Trang ăn nhậu tưng bừng. Dân đi “điệu” đồn rằng khối trầm ấy “made in China”, và việc trả giá 12 tỉ đồng chỉ là một màn kịch nhằm đưa ông “đại gia” nọ vào bẫy”.

Đường đi càng lúc càng gian nan, cây rừng chằng chịt từng tầng đan vào nhau, 10 giờ sáng mà vẫn không thấy ánh mặt trời. Dù mới theo nhóm anh Hùng 2 ngày nhưng tôi vẫn cảm nhận được những nguy hiểm luôn chực chờ dân đi “điệu”. Anh Đực nói có người bị sốt rét ác tính, lúc vào rừng thì “vào bằng chân” nhưng lúc ra thì “ra bằng đầu” - nghĩa là phải có người khiêng. Lại có người bị rắn độc cắn, “vô” thuốc không kịp, sau vài tiếng co giật thì chết. Chả thế mà khi tìm được trầm, họ thường ăn chơi xả láng. Anh Đực nói người ta gọi tụi tôi là “ăn xịn, chơi sộp nhưng… mau xẹp”.

Ăn xịn là khi tìm được trầm, dân đi “điệu” kéo nhau vào quán nhậu, gọi các món sơn hào hải vị mà chẳng cần quan tâm đến giá cả, hoặc mua sắm đồ dùng trong nhà không đắn đo tính toán. Chơi sộp là họ sẵn sàng vung tiền trong những cuộc vui. Theo anh Đực, anh đã từng cùng mấy người bạn đi hát karaoke chỉ trong 4 tiếng nhưng chi tới gần 60 triệu đồng, trong đó riêng tiền “boa” cho các em phục vụ là 52 triệu đồng! Anh Đưc nói: “Còn một chuyện “chơi sộp” nữa, đó là trên đường đi tìm trầm, nếu có người tình cờ gặp tụi tôi đúng vào lúc tụi tôi thấy trầm thì người đó cũng được chia phần, dù họ không nằm trong nhóm. Còn mau xẹp là ăn chơi như vậy, cả dãy Trường Sơn cũng xẹp chứ nói chi đến vài ba ký trầm”. Anh Hùng nói: “Đọc báo thấy người ta nói tụi tôi góp phần phá rừng là nói oan. Người đi tìm trầm chỉ tìm cây dó, hạ cây dó. Mà trong rừng, hàng ngàn - thậm chí hàng chục ngàn cây mới có một cây dó nên chẳng ai dại gì chặt cây khác làm chi, vì vừa tốn công tốn sức, chưa kể chặt rồi làm sao mang ra được…”.

TR5

Một trang trại trồng cây dó hương ở rừng Vạn Ninh

Xế trưa, nhóm anh Hùng gặp cây dó hương đầu tiên, đường kính khoảng 20cm. Sau khi quan sát kỹ và biết nó không có trầm, anh Lịnh cầm cây rựa, chặt vào gốc vài nhát. Anh giải thích đó là “mở miệng cây” rồi chừng 1 năm sau, nhóm anh sẽ trở lại để xem những chỗ “mở miệng” có kết trầm hay không. Nếu có, họ sẽ dựng một cái chòi rồi thay nhau canh giữ, khoảng 5 năm thì thu hoạch. Tôi hỏi sao không để lâu hơn, giá trị lớn hơn thì anh Lịnh cười: “Nếu cây dó đó kết trầm, mình chỉ cần sơ sẩy chút xíu là có kẻ khác chặt liền. Thôi thì ăn non cho chắc”.

LÀM TRẦM NHÂN TẠO

Đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi trầm, kỳ nam ngày càng khan hiếm, một số người bắt đầu trồng dó để lấy trầm. Theo thống kê của Hội Trầm hương Việt Nam, cả nước có 22 tỉnh, thành trồng cây dó với tổng diện tích khoảng 8.000ha nhưng con số này vẫn chưa dừng lại. Mặc dù thời gian để một cây dó cho ra trầm rất dài - từ 10 đến 15 năm nhưng nếu có trầm thì lợi nhuận rất lớn. Theo tính toán, từ khi bắt đầu trồng đến lúc có trầm, 1ha với 1.000 cây dó, chi phí là 400 triệu đồng nhưng khi thu hoạch, có thể kiếm được 4,5 tỉ đồng.

Nhưng làm cách nào để cây dó cho ra trầm? Theo ông Lê Văn Tới, Hội trưởng Hội Trầm hương huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, một số hộ dân trồng cây dó đã mời người Đài Loan, người Nhật đến đây, khoan lỗ vào thân cây rồi bơm hóa chất nhưng vẫn không có kết quả mà nguyên nhân là người trồng không nắm vững về đặc tính sinh học của cây dó, cũng như điều kiện đất đai, thổ nhưỡng. Ông Nguyễn Hữu Khanh, cựu giảng viên Đại học Tổng hợp Huế, cựu giảng viên Đại học Bách khoa TP.Hồ Chí Minh và cũng là chuyên gia trong việc xử lý cây dó cho biết, để tạo trầm, ưu tiên số 1 phải là cây dó hương, sau đó mới đến bầu trắng, dó bầu đen và phải mọc trên 15 năm. Ông Khanh nói: “Nếu chỉ “mở miệng cây” rồi để đó chờ… sung rụng thì tỉ lệ kết trầm rất thấp, mà phải dùng một hóa chất xúc tác vào vết thương trên thân cây khiến nó không lành được thì mới cho ra trầm”. Vẫn theo ông Khanh, chất xúc tác ấy gồm những chủng loại nấm như Aspergillius phoenicis Thom, Penicillinumcitrinum Thom và Penicilliumsp nhưng công thức pha chế thế nào thì đó là… bí mật!

Xế chiều hôm sau, nhóm anh Hùng đến “lán ông Kê”. Đây là trang trại của một người tên Kê, nhà ở huyện Vạn Ninh, khai phá để trồng cây dó. Ở đây có dịch vụ xe ôm đưa người xuyên rừng ra quốc lộ 1. Buổi tối, bên bếp lửa, tôi được nghe những người trong nhóm kể về nguồn gốc trầm hương. Theo họ thì từ hàng ngàn năm trước, nữ thần Thiên Y Ana - là một vị thần theo tín ngưỡng của người Chăm, khi dạo chơi trong rừng, hương thơm từ người nữ thần toát ra, quyện vào cây dó, tạo thành trầm. Anh Đực nói đi rừng mà thấy cây dó hương nào cao từ 20 đến 30m, lá vàng và nhỏ, trên thân, gốc có nhiều u, nần, hoặc có tổ kiến, tổ mối thì có thể có trầm hoặc kỳ nam. Khi đó, dân đi “điệu” sẽ đào tróc gốc vì kỳ nam thường nằm ở dưới gốc. Riêng thân, cành, họ chặt sạch vì bán cũng được vài chục triệu đồng.

Sáng hôm sau, khi nhóm anh Hùng chuẩn bị ba lô để lên đường thì tôi cũng thu xếp hành lý - không phải đi theo họ vì họ còn vào sâu hơn nữa - mà để thuê xe ôm quay về. Đọc báo thấy người này, nhóm kia “trúng” vài chục ký trầm, kỳ nam, kiếm vài chục tỉ, cứ ngỡ chuyện tìm trầm dễ dàng lắm nhưng có đi mới biết, chưa ăn được của rừng mà nước mắt đã rưng rưng…

(Theo Vungtauchunhat online)

Chia sẻ liên kết này...