Sản vật Phúc Trạch

Nhắc đến Phúc Trạch là nói đến 2 loại cây đặc sản trưng là bưởi và dó trầm

Bưởi Phúc Trạch có trước,  cùng thời, hay có sau  bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, bưởi Biên Hòa, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng ... chẳng quan trọng. Mỗi vùng có một giống bưởi ngon đặc trưng do thời tiết, khí hậu, đặc biệt là do thổ nhưỡng vùng đó tạo ra. Bưởi Phúc Trạch quả tròn  trịa hình cầu tròn, cuống không lồi, đế quả hơi lõm, vỏ mỏng không trơn, không ráp, lúc chín  màu vàng hương, tép không dính, mịn màng,  màu trắng hoặc hồng tươi. Mỗi cây bưởi cho ra  50-70 quả, có cây cho trên dưới 100 quả. Sau khi trồng 10 -12 năm, cây bưởi bắt đầu thoái hóa, phải trồng cây mới thay thế. Bưởi Phúc Trạch có vị ngọt thanh đậm đà, tự nhiên không có vị đắng. Mỗi người có thể ăn cùng lúc 2 quả mà không chán. Tùy mùa, theo loại  mua tại gốc giá từ 50 - 100 ngàn đồng một quả. Bưởi Phúc Trạch đến mùa thu hoạch tháng 7 và tháng 8 âm lịch, hái nhẹ nhàng, không va đập, không dập vỏ ngoài, bôi vôi vào cuống có thể để dành 3-4 tháng, đến tết nguyên đán đem ra ăn, vỏ teo khô lại, múi bưởi rất thơm, nhiều nước,  ngọt đậm tự nhiên, giải khát rất tuyệt.

tram_huong_phuc_trach
Bưởi Phúc Trạch nổi tiếng từ thời thuộc Pháp, theo nhiều tài liệu ghi lại, hàng năm, bưởi Phúc Trạch được đưa vào Huế tiễn vua, tiễn quan toàn quyền Pháp. Bưởi vùng này giành giải cao tại hội chợ - bán đấu xảo ở TP. Vinh, Hà Nội và Paris, thủ đô nước Pháp. Năm 2001, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xếp bưởi Phúc Trạch vào nhóm 1 trong 7 loại trái cây Việt Nam quý hiếm. Năm 2004, Cục Sở hữu Trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký độc quyền nhãn hàng hóa cho bưởi Phúc Trạch.

Bưởi Phúc Trạch chỉ trồng ở xã Phúc Trạch mới có hương vị đặc biệt, đưa qua vùng khác, chất vị thay đổi, không ngon bằng. Các nhà khoa học giải thích sự thay đổi này là do khí hậu, đất trồng – thổ nhưỡng. Mấy năm gần đây, do lai tạo, chọn giống, nhiều gia đình trồng xen cây gió trầm vào vườn bưởi, rễ cây gió trầm ăn lan ra vườn, chất đất bị tác động nên chất lượng bưởi có sút giảm. Năm 2014, 2015 tại Phúc Trạch, nhiều gia đình tập trung đầu tư, coi trọng khâu chọn  giống  cho ra quả chất lượng, có gia đình thu về tiền tỉ mỗi vụ bưởi.

buoi-phuc-trach

Tại Phúc Trạch còn có loại cây “đặc chủng” dó trầm. Loài cây này có ở Phúc Trạch hàng trăm năm nay nhưng ít ai để ý. Khoảng vài chục năm trở lại đây, sau khi vài ba người dân Phúc Trạch theo hội săn tìm  trầm từ rừng  Đà Nẵng, Quảng Nam, phát hiện  gió trầm là loại cây quý hiếm, gió trầm Phúc Trạch bắt đầu lên hương.

Gió trầm là loại cây gỗ to cao 30-40 mét, đường kính 70-80 cm, vỏ xám, lá mọc so le, phiến mỏng, hình thuốn dài 8-10 cm, rộng 3,5-5,5 cm, nhọn ở phía cuống, mặt trên màu xanh bóng, mặt dưới màu xanh nhạt, có lông. Cây dó trầm có 2 loại chính, loại dó bầu và loại dó giấy. Dó bầu mới là loại sản sinh ra trầm hương. Theo nguyên lí, cây dó bầu bị bệnh, bị sâu đục thân, cây dó tự tiết ra tinh dầu tự nhiên của chính mình để “tự vệ”, trảm nơi thân cây bị đục. Cây dó bầu nếu bị “vết thương cơ giới” do gãy cành, do bị đục các lỗ thẳng vào thân cây, cây dó cũng tiết ra tinh dầu để “trám” vết thương, tinh dầu đó lâu ngày sinh ra trầm. Sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, Nhà Xuất bản Khoa học & Kỹ thuật, ấn hành năm 1995, Giáo sư Tiến sĩ Đỗ Tất Lợi giới thiệu trầm hương là loại biệt dược trong đông y, hiếm và đắt, có vị cay, tính hơi ôn, chủ yếu chữa các bệnh đau ngực,  bụng, nôn mửa, hen suyễn, bí tiểu tiện, bổ dạ dày, có tác dụng giảm đau. Thế kỷ XVI, theo một du khách Bồ Đào Nha ghi lưu lại tại chợ Hội An, tỉnh Quảng Nam, miền Trung Việt Nam, giá một gói hàng gỗ trầm nặng 500 gam lên gần 8 kg vàng. Năm 1956- tại Nha Trang- giá 1 kg trầm hương xấp xỉ 20 lạng vàng. Theo Giáo sư Tiến sị Đỗ Tất Lợi, cây dó bầu 10-20 năm hoặc lâu hơn, gỗ cây bị sâu đục, bị bệnh, tinh dầu tiết ra và  biến thành một chất bóng như đá sỏi có những nếp nhăn gồ ghề;  có những mẩu gỗ không có những đặc điểm như vừa nêu mà chỉ có một màu nâu đỏ đều;  có những mẩu gỗ chỉ có những điểm màu lam nhạt, đó chính là trầm hương.

Ngoài tác dụng chữa bệnh theo toa thuốc đông y còn là loại hương liệu, sử dụng trong công nghệ chế biến hóa mỹ phẩm cao cấp. Nước hoa, hoặc các loại hóa mỹ phẩm khác rất cần tinh dầu trầm để làm chất định hương giúp cho sản phẩm có mùi thơm đặc biệt, loại trừ các loại dị ứng da, nhiễm trùng khi sử dụng. Người Hồi giáo, trong tín ngưỡng thờ cúng, trầm hương là thứ đặc biệt, dùng đốt tỏa mùi hương và đó yếu tố tâm linh không thể thiếu.

Dó trầm, đặc biệt là cây gió bầu có ở nhiều nơi thuộc miền tây Nghệ An, Hương Khê - Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam – Đà Nẵng, một số nơi ở Nam Bộ. Tuy nhiên, qua nghiên cứu thực tế của nhiều nhà khoa học, chỉ cây gió bầu vùng Phúc Trạch là dễ cho trầm hương tự nhiên nhất. Cây càng lâu năm, khả năng cho trầm tự nhiên càng lớn. Có những cây dó bầu 35–50  năm tuổi, nếu có trầm, giá bán hàng trăm triệu đồng mỗi cây, tùy loại. Cũng như cây bưởi, cây gió trầm trồng ở Phúc Trạch khác hẳn trồng các vùng khác, cho nhiều trầm tự nhiên. Từ bưởi đến dó trầm, thế mạnh và sự giàu có của Phúc Trạch là quà tặng trời cho.

Bột cây dó bầu dùng làm nhang trầm rất được thị trường ưa chuộng. Nhang làm từ dó bầu mùi thơm thoang thoảng, dịu dàng, không độc hại, có sức cuốn hút đặc biệt. Thương lái khi đến Phúc Trạch có khi họ phát hiện ra trầm ở trong các gian nhà gỗ của dân, họ gạ mua luôn bộ kèo dó cũ kỹ trên mái nhà, gỗ dó đã cưa xẻ thành ván ép quanh nhà vài ba trăm triệu đồng, đủ tiền xây thêm cái nhà mới.

Trích “ Lốc xoáy thời cuộc”- Phạm Quốc Toàn,

Nhà xuất bản- Hội nhà văn- 11/2016

Chia sẻ liên kết này...