Bên dòng ngàn sâu

Nhắc đến Hương Khê, Hà Tĩnh, không mấy ai không nhắc đến dòng sông Ngàn Sâu, làng bưởi & cây Dó trầm Phúc Trạch.

Phúc Trạch –  đất tâm phúc. Phúc Trạch đã trở thành  thương hiệu văn hóa, nổi tiếng trong và ngoài nước  vị ngọt quả Bưởi đường, đậm đà bát chè xanh, vang xa hương  Dó trầm ngào ngạt một vùng quê.

Mỗi độ Xuân về Tết đến, múa hát sắc bùa – tiếng trống tùm vinh rộn ràng thôn xóm. Sắc bùa tới đâu là niềm vui, sự may mắm tới đó. Quan niệm dân gian ngàn đời nay là vậy. Âu đó cũng là nét đẹp văn hóa truyền thống của người dân Phúc Trạch.

pham-quoc-toan-tram-huong-phuc-trach

Nhà báo Phạm Quốc Toàn cùng con gái và cháu ngoại bên đập thủy lợi Khe Trồi.

Hội hè, lễ lạt – kỷ niệm ngày truyền thống, đội văn nghệ xã, xóm, thôn múa hát  sôi động, nhà nhà vui tươi. Lời ca tiếng hát ngân vang: Phúc Trạch chè thơm – bưởi ngọt, Dó trầm vút cao, dòng Ngàn Sâu ngàn đời tắm mát, quê hương trĩu nặng ân tình !


Một ấm chè xanh lan tỏa mùi hương quen thuộc. Một tiếng ới ơi từ chủ nhà, bà con lối xóm, người nắm lạc, dăm miếng kẹo cu-đơ, kẻ rổ khoai lang luộc góp vào, cùng nhau tụ hội uống bát nước chè xanh, nồng ấm nghĩa đồng bào. Xóm làng đường sá khang trang, trẻ thơ ríu rít  tới trường, hoa dâm bụt đỏ tươi - rặng mùng tơi xanh biếc không ngăn cách. Câu thơ của ai đó như là lời hò hẹn nhân gian, mọi người đều thuộc. Và cả những người con Phúc Trạch xa quê, học tập, mưu sinh không ai không nhớ :


Mời về  Phúc Trạch quê em

Chè thơm, bưởi ngọt người quen đợi chờ ...

nb-tan-man-tram-huong-phuc-trach

Dưới tán cây bưởi Phúc Trạch trong 1 lần cùng các cháu ngoại về quê.


Một bữa nọ, nhân kỷ niệm ngày Xô viết Nghệ Tĩnh 12.9, Phó Giáo sư, tiến sĩ sử học Phan Xuân Biên, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ trước, dân Hòa Hải vùng hạ huyện Hương Khê, nhưng lại nằm lòng Văn hóa Phúc Trạch – vùng thượng huyện miền núi - trung du Hà Tĩnh. Ông nói: “Phúc Trạch đẹp lắm, Phúc Trạch hôm nay không lam lũ như xưa. Phúc Trạch văn hóa đến nao lòng, sự kết tinh của một vùng đất xứ Nghệ. Đêm hôm cửa nẻo không cài, chẳng lo mất trộm. Một tiếng à ơi, bà con tề tựu bên cái chõng tre nâng niu bát nước chè xanh cùng đĩa kẹo cu  đơ tự nấu vừa ra lò nóng hôi hổi. Nam thanh - nữ tú, ông già - bà lão trăm phần trăm hết tú tài. Thi lẩy Kiều, kể chuyện tiểu lâm nổ trời, đố vui Nguyễn Công Trứ, ngâm thơ Tố Hữu, luận bàn danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, cuộc sống Vua Hàm Nghi ở Sơn Phòng, nghĩa quân Phan Đình Phùng - Cao Thắng đúc súng luyện quân  trên núi Vụ Quang đánh Pháp ... Ngày vui, diễn kịch, tiểu phẩm vui, hát phường vải, múa sắc bùa rộn cảnh quê. Nét đẹp văn hóa Phúc Trạch là vậy”.

Người cảm tác bài viết này cùng học cấp Ba trường huyện với Phan Xuân Biên nhưng sau ông hai lớp, thời o Nguyễn Thị Kim Lai du kích  xã Phú Phong  bắt sống phi công Mỹ:

O du kích nhỏ giương cao súng; Thằng Mỹ lênh khênh bước cúi đầu. Ra thế to gan hơn béo bụng; Anh hùng đâu cứ phải mày râu 

(Tố Hữu, 1.1967)

Cảm ơn Phan Xuân Biên, không nghĩ ông lại thấu hiểu quê nhà nhường ấy. Mấy chục năm nay, dù bận công việc, năm nào ông cũng về thăm quê đôi ba lần. Cảm mến và cảm phục một trí thức chịu học, chịu chơi, sinh viên khoa sử chinh chiến đất phương Nam và mến mộ tình yêu quê hương ở ông!

Nhà báo Huyền Dân, nhà báo Nguyễn Luân, 2 cây bút đa tài – nhà báo chiến sĩ, dân gốc Phúc Trạch chính hiệu nói và viết về văn hóa Phúc Trạch: “Rốt cuộc vẫn là sự linh thiêng tâm phúc bắt nguồn từ dòng sông quê – con sông Ngàn Sâu  chảy ngược, không chảy từ Tây qua Đông để hòa vào đại dương bao la như nhiều con sông Việt khác mà  chở nặng phù sa đổ về hướng Bắc để đến bến Tam Soa. Người Phúc Trạch vẫn thường tâm niệm, sông đổ về hướng Bắc là hướng về Thăng Long -  Hà Nội, về với Bác Hồ. Lòng dân trung kiên một lòng theo Đảng, vững tay chèo. Văn hóa Phúc Trạch vào hàng nhất nhì huyện, sánh vai với những ngọn cờ văn hóa làng xã hàng tỉnh, cấp quốc gia. Mỗi người dân, mỗi xóm thôn là một biểu tượng văn hóa – tự nguyện, ăn sâu, bám rễ thấm đậm vào bên trong  như là máu thịt vậy”.

Bây giờ thì Huyền Dân đã đi xa qua ngã ... Khe Râu vĩnh viễn nằm lại đó, để mỗi đội xuân về, hè qua, thu đến, ông  lại hát lên xào xạc cùng ngọn thông, cùng trời đất, non sông như chính bài thơ Huyền Dân viết lúc ông tay súng tay máy ảnh tham gia một mũi chủ công đánh vào Thành Đại nội Huế, Tết Mậu thân năm 1968: “Huế thương, Phúc Trạch mình thương, Hà Tĩnh ơi mình nhớ, Hương Khê mãi trong tim!...”.

 

Nhà báo Nguyễn Luân – “người đưa tin” Thành nội nói với con gái: “Kháng chiến thành công, ba mẹ không về quê mà bám trụ ở Huế, nơi đong đầy kỷ niệm. Mà sao ba nhớ bác Huyền Dân, nhớ Phúc Trạch, nơi ba cất tiếng khóc chào đời – nhớ và mong  quá đỗi con ơi”. Nói buổi sáng, buổi chiều ông ra tàu lửa vút về ga Phúc Trạch, để rồi sau đó chưa đầy tháng ông đã vĩnh biệt thế giới này, chỉ trong một giấc ngủ sâu thanh thản ra đi. Ông  mãi mãi nằm lại nơi cố đô Huế mộng mơ, ngập tràn yêu thương. Hai người con Phúc Trạch – sống chết với văn chương, chữ nghĩa  đã ra đi trong sự tiếc thương vô hạn  của đồng chí, đồng nghiệp, bà con Phúc Trạch quê nhà.

 

Ở Phúc Trạch tỏa rạng văn hóa làng quê có một nhà thơ ... của dân làng. Ông Trần Đình Mậu, cán bộ tuyên huấn kỳ cựu của Ty Giao thông Vận tải Hà Tĩnh thời đánh Mỹ. Về già, sống ở quê hương ông vẫn làm thơ, sáng tác nhạc, viết kịch bản sân khấu, đạo diễn các vở ca kịch, tiểu phẩm vui. Ông còn là “sư tổ” những làn điệu múa sắc bùa xứ Phúc Trạch – Trạng Nẹo – Khe Râu. Bạn bè, đồng nghiệp  quý mến, mộc mạc tặng ông: 
“Phúc Trạch xứ sở quê hương; Có người Cộng sản làm gương sáng ngời. Chiến tranh dâng cả cuộc đời; Bàn chân vững bước khắp nơi chiến trường ... Bây giờ đất nước tiến nhanh; Hòa bình lập lại rạng danh trẻ già. Tuổi cao về với cụ bà; Vẫn yêu vẫn quý như là tuổi xuân ...

ngan_sau_1

Nồng ấm tình quê  - với Dì ruột & Cậu ruột - em của Mẹ, cùng các em, 7.2017

(Thái Văn Tú)
Ông Trần Đình Mậu tuổi cao mà chí càng cao, nêu tấm gương  ... nhân rộng văn hóa xóm làng. Sống vui, sống khỏe, sống có ích cho đời. Ít ai nghĩ, vào tuổi bát thập, ông vẫn lên sân khấu ngâm thơ – diễn ca mối tình già thủy chung trọn vẹn, làm gương cho lớp trẻ:


Ông bà ngủ chung một giường,Chăn ai nấy đắp không nhường cho ai.Không còn ấp má kề vai,Không còn động tác bò xoài lăn lê.Chăn bông đắp kín bốn bề,Vẫn nghe hơi thở bên kia lọt vào.Giá như son trẻ thuở nào,Cũng hăng máu trẻ lật nhào chăn lên!


Càng cuối đời, ông Trần Đình Mậu càng nâng niu chăm sóc sự nghiệp khuyến học, khuyến tài, không muốn để bất cứ ai dù trẻ dù già  thất học, không biết chữ. Một kỷ niệm cuộc đời ông đã dành trọn vẹn cho  “xã hội học tập”, học chữ, trồng người. Vui Hội nhà giáo, ngày  20 tháng 11 năm 2014, khi đã ngoài tuổi bát thập, ông mang những bông hoa đẹp nhất do chính ông chăm tưới mỗi ngày đến trường làng tặng thầy cô giáo. Trước lúc đến trường làng, ông gọi Thu Hồng, cô con gái lớn dặn dò đủ chuyện gia đình, cứ như là điềm báo trước. Dự ngày hội nhà giáo, ông phát biểu chúc mừng và đọc mấy vần thơ do chính ông viết. Và ông đã mãi mãi ra đi, vĩnh biệt mọi người, ngay lúc đó - trong ngày hội nhà giáo. Nhớ lại, ý thơ ông  vẫn tươi rói như ngày nào, tạo nên một nhân cách, một phong cách, một nét đẹp - tấm lòng văn hóa Phúc Trạch – Trần Đình Mậu:


Ngẫm suy lời dạy thánh hiền:  Để chữ hơn để bạc tiền cho con. Nuôi con chẳng có gì hơn; Cho con ăn học sớm khôn  thành người. Học, học nữa, học suốt đời; Học văn hóa, học làm người chính chuyên. Chữ rằng: có chí thì nên; Nhà bác học, vẫn học thêm - chẳng thừa.


Đám tang ông Trần Đình Mậu có cả ngàn người tới dự. Từ huyện, từ tỉnh, vùng lân cận và bà con xã nhà. Người Phúc Trạch nói: “Ông ấy là nhà văn hóa, một tấm gương sáng, là nhà thơ của dân, sống trong lòng dân, mãi mãi trong trái tim đất mẹ ...”
***
Nét đẹp văn hóa Phúc Trạch, bắt đầu từ dòng Ngàn Sâu.


Dòng sông quê không ai không nhớ. Con sông quê nào cũng đem đến những tình cảm dạt dào. Ai mà không cảm xúc: “Qua nửa đời phiêu dạt. Con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ. Chở che con qua chớp bể mưa nguồn ... Con cá dưới sông, cây trồng trên bãi. Lúa gặt rồi còn để lại rơm thơm ...” (Khúc hát sông quê, thơ Lê Huy Mậu). Trở về dòng sông tuổi thơ của nhạc sĩ  Hoàng Hiệp làm ta nao lòng, man mác nhớ quê, nhớ về tuổi thơ: “Quê tôi ai cũng có một dòng sông bên nhà. Con sông quê gắn với tuổi thơ đời tôi... Sông cũng như người ấy, có khi vui buồn, có khi hờn ghen, chỉ tình yêu tuổi thơ mới thấy ...”Ngàn Sâu ngàn đời nay bên lở bên bồi - đắp nên dải phù sa –  những cánh đồng ngô, lạc, đỗ, nương dâu, những vườn cam, bưởi ...  mượt mà xanh, trái chín vàng. Con sông Ngàn Sâu nước trong xanh suốt bốn mùa, tạo một nét đẹp văn hóa riêng, chỉ Phúc Trạch mới có.Nhạc sĩ An Thuyên sinh ngày 15.8.1949 tại Quỳnh Lưu, Nghệ An, qua đời ngày 3.7.2015. Ông là nhạc sĩ tài hoa với nhiều sáng tác về những con sông, vùng quê mượt mà, sâu lắng, đậm chất dân ca xứ Nghệ. Bài hát Sông Ngàn Sâu của ông là một trong những sáng tác như thế. Nhạc sĩ  An Thuyên  tâm sự, khi ông về với Ngàn Sâu:


-  Tôi ngược về nguồn, bắt đầu từ bến Tam Soa lên Chu lễ, Gia Phố. Một lãnh đạo huyện Hương Khê dẫn tôi theo đường bộ vào Tuyên Hóa, miền tây Quảng Bình rồi theo con sông Ngàn Sâu đi thuyền xuôi về Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô, Lộc Yên, Gia Phố ... Cảm xúc về dòng sông quê hương ngập tràn trong tôi !

ngan_sau_2

Nhà thờ chi họ Phạm, xóm 4, Phúc Trạch

Nhạc sĩ An Thuyên thổ lộ một nỗi lo:


-    Tôi đã sống với con sông Ngàn Sâu nhiều năm thời kỳ đánh Mỹ. Con người đã hủy diệt con sông quê hương. Con đập thủy điện Hố Hô – Tuyên Hóa, Quảng Bình  xây dựng gần chục năm nay đã chặn ngang dòng tích nước trên cao trình 72 mét, nên mùa nắng sông đã biến thành con suối nhỏ, chẳng còn nhiều nước. Nhiều khúc sông hạ lưu nước cạn kiệt, nước róc rách trơ đáy  chỉ còn sỏi đá.


Nhạc sĩ An Thuyên dừng lại giây lát như để lắng động hơn rồi tiếp tục mạch suy nghĩ của mình:


-  Mùa mưa lũ, hàng chục vạn dân  Hương Hóa  và cả vùng hạ lưu Ngàn Sâu ở các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Lộc Yên ... huyện Hương Khê như ngồi trên đống lửa. Xả lũ và vỡ đập Hố Hô, túi nước khổng lồ 38 triệu m3  đổ ập xuống, sẽ là một đại hồng thủy khủng khiếp. Năm 2010, suýt vỡ đập Hố Hô buộc phải xả lũ, nước cuồn cuộc chảy, vùng hạ lưu Ngàn Sâu trôi hết nhà cửa, ruộng vườn. Đâu còn  những ký ức xưa về dòng sông trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mà tôi đã nhiều dịp tắm gội trên bến Ngàn  Sâu.


Nhạc sĩ An Thuyên đi xa từ mùa lũ trước, ông không được chứng kiến mùa lũ muộn tháng 10 năm 2016, Hố Hô như một tiếng cười ma quái lại gầm lên xả lũ hết cỡ, với lưu lượng 500 – 1.800 m3/giây, hơn cả dội bom nước. Cuối giờ chiều 14.10, mưa tầm tã, điện tắt nước được xả vội từ Hố Hô đầu nguồn Ngàn Sâu cuồn cuộn đổ về hạ du. Sông Ngàn Sâu như hổ gầm, beo rú nhấn chìm tận nóc cả mấy ngàn nóc nhà. Thung lũng nước hai bên bờ Ngàn Sâu cuồn cuộn chảy. Chủ tịch huyện Hương Khê, Chủ tịch tỉnh Hà Tĩnh không hay biết vụ xả lũ thì dân làm sao biết mà chạy lũ. Duy nhất ông Phó Chủ tịch huyện được báo vắt tắt qua điện thoại khi hoàng hôn ngày 14.10 đã buông xuống: “Hố Hô chúng tôi xả lũ nhé”. Chiếc điện thoại thông minh hơn cùi bắp vô cảm tò le tò le. Giám đốc thủy điện Hố Hô báo cho có báo, lúc đó lũ đang cuộn chảy đổ về. Vô cảm, ngang ngược, coi thường mạng sống người dân đến thế là cùng. Khi dư luận chất vấn, ông Hố Hô tỉnh queo: “Chúng em làm đúng quy trình”. Trời ơi, sao dạo này người ta chuộng hai chữ “quy trình” đến thế. Bổ nhiệm cán bộ đúng quy trình, hội họp đúng quy trình, nay lại xả lũ đúng quy trình (!). Con sông Ngàn Sâu quê mẹ ơi, giá như trên đời này đừng sinh ra con sông mang tên Người, để cho con người đừng ham hố ... tư bản - lợi nhuận mà nhảy vào thủy điện thì bây giờ làm gì có thủy tinh hà bá giận dữ làm khổ muôn dân. Mà  trách cứ dòng sông cũng thật vô lý, oan cho nó quá. Muôn đời nay dòng sông mẹ đã tắm mát cho ta, nuôi dưỡng ta khôn lớn cơ mà. Nhân tai, nhân tai cả đấy, trời ơi ! hết mưa thì người ta tích nước, sông cạn kiệt nước trơ đáy. Mùa mưa thì người ta ... ngang ngược xả lũ bất chấp quy định.


Nhạc sĩ An Thuyên, lúc cảm hứng sáng tác Sông Ngàn Sâu thốt lên thành lời bài hát, như một tâm trạng nuối tiếc dù chất nhạc da diết trữ tình, da diết, sâu lắmg vẫn thấm đậm trong trái tim ông: “Sông chẳng sâu cứ gọi Ngàn Sâu, cũng buồm nâu  lững lờ bờ dâu -  mà sông nước mãi nặng câu ân tình. Tên Ngàn nào phải ngàn đâu, mà sâu vốn đã từ lâu quê mình. Anh về tắm gội năm nào. Anh đi sông còn xôn xao, để cho sông nước thêm xanh. Tình em son sắt với anh nơi chiến trường. Sông dài mộc mạc Ngàn Sâu. Chảy từ xanh mát trong câu ca em thương mình...”

ngan_sau_4

 

Góc vườn nhà - rặng chè xanh vườn nhà, sản phẩm tự sản tự tiêu!


An Thuyên và ta đều buồn cho một con sông quê khánh kiệt nước. Con người – nhân tai quá đỗi ... Vì cách nghĩ, cách nhìn của con người còn thiển cận mà ta đã không cứu được Người – sông ơi !


Vế lý thuyết, con sông  Ngàn Sâu dài 131 km, đoạn chảy qua Phúc Trạch dài gần 10 km, diện tích lưu vực 3.214 km2. Dòng chảy gần sát dãy núi Trà Sơn về phía đông, khu dân cư nằm phía tây khoảng 1 km, nên mùa lũ, các khu dân cư tránh được lũ dữ. Ngàn Sâu  là chi lưu chính của dòng sông La, bắt nguồn từ núi Ông Giao Thừa cao 1.100 mét và núi Cù Lân, cao 1.014 mét – nằm giữa ranh giới hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình chảy về hướng Bắc qua núi Vụ Quang, hợp lưu với dòng Ngàn Phố từ Hương Sơn đổ về tại bến Tam Soa –  ba  giải lụa đào, hợp thành sông La – Đức Thọ, Hà Tĩnh. Sông Tiêm và sông Ngàn Trươi là những phụ lưu của sông Ngàn Sâu.


Người Phúc Trạch yêu nước, thương nhà, yêu quê hương và rất kiên trung vì nghĩa lớn. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Phúc Trạch là một nút “chặn” trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại. Từ túi bom Ngã Ba Đồng Lộc, nơi giao thoa giữa 3 tuyến đường chiến lược. Theo quốc lộ 15 A đến Phúc Trạch chỉ hơn một giờ di chuyển bằng xe hơi. Những năm tháng diễn ra cuộc chiến tranh phá hoại đánh phá hậu phương  miền Bắc của đế quốc Mỹ, Quốc lộ 15 A và  đường mòn Hồ Chí Minh vượt các trọng điểm: Đồng Lộc, Khe Giao, Truông Bát, Động Bụt, phà Địa Lợi - nối đôi bờ Ngàn Sâu ngược Chu lễ, Gia Phố, Lộc Yên, Hương Đô là tới Phúc Trạch, Hương Trạch rồi tới miền Tây Quảng Bình khói lửa.


Hương Đô bên hữu ngạn dòng Ngàn Sâu ngày nay là những cánh đồng cam chanh mang thương hiệu Khe Mây trĩu quả. Nửa thế kỷ trước, đây  là đại bản doanh Bộ tư lệnh binh Đoàn 500 của Tướng Hồng Kỳ - bộ tư lệnh vùng nam Hà Tĩnh của Đoàn 559 – Binh đoàn Trường Sơn do Tướng huyền thoại Đồng Sĩ Nguyên làm tư lệnh. Ông rong ruổi dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh, thị sát các binh trạm, dừng chân khá lâu ở vùng hữu ngạn  Ngàn Sâu – xã Hương Đô và tả ngạn Ngàn Sâu – xã Phúc Trạch.

Tướng Đồng Sĩ Nguyên chỉ thị lập trạm giao liên tại Phúc Trạch, ngày đêm đón các tiểu đoàn, trung đoàn bộ binh hành quân ra trận. Ngày nghỉ đêm đi để che mắt máy bay trinh sát  Mỹ. Trước và sau chiến dịch Tết Mậu Thân – 1968, trước  chiến dịch Mùa Hè đỏ lửa thành cổ Quảng Trị - 1972 nườm nượp những binh đoàn bộ binh, công binh, thông tin ... từ trạm Bình Lộc – Hương Bình đến trạm Phúc Trạch. Ngày nghỉ dừng chân tại Phúc Trạch, đêm hành quân vượt qua trọng điểm địch đánh phá ở La Khê, Khe Nét hướng về Nam. Phúc Trạch trở thành  tên gọi quen thuộc, thân thương với bao kỷ niệm bên dòng Ngàn Sâu của nhiều anh bộ  đội cụ Hồ.


Hơn 40 năm sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, tác giả bài viết  này gặp nhà báo, nhà văn MC tại Hà Nội và thành phố Thái Bình. Ông dẫn tôi đến huyện Kiến Xương gặp lại Trần Bắc Đẩu và những người lính chiến đã có thời gian làm việc, phục vụ chiến đấu tại Phúc Trạch, chinh chiến  trên các cung đường, trận địa pháo Khe Ác, La Khê, Khe Nét, Cổng Trời, hang Tám Cô ... Anh bộ đội Cụ Hồ, cựu chiến binh Trần Bắc Đẩu  xúc động nhắc lại tên từng bà mẹ, ông bố, những gia đình đã cưu mang, chăm sóc,  đùm bọc bộ đội hành quân, dừng chân Phúc Trạch vì những cơn sốt rét rừng, tránh bom đạn trên các cung đường lửa. Các anh nhắc đến các  mẹ Duyên, mẹ Hường, mẹ Tuyến, mẹ Thanh, các o Miền, o Mận, o Quế, o Cầm  ... như là những kỷ niệm cuộc đời, mãi mãi không bao giờ quên.


Tướng Đồng Sĩ Nguyên có nhiều kỷ niệm đẹp, kỷ niệm đặc biệt  ở Hương Khê. Hương Khê như là quê hương thứ hai của ông vậy. Sau ngày đất nước thống nhất, trên cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông- Vận tải và  Phó Thủ tướng Chính phủ, ông đã cho làm lại nhiều tuyến đường, bắc cầu treo qua dòng Ngàn Sâu, nối bờ vui bên tả và bên hữu. Đường Goòng với tiểu thuyết Mùa Hoa Dẻ, thời kháng Pháp  của Văn Linh rồi  đường sắt Bắc – Nam vắt qua Phúc Trạch – Tàu anh qua núi với ga xe lửa Phúc Trạch có gần trăm nay nay đã nói lên nét đặc trưng văn hóa lâu đời của xứ Phúc Trạch bên dòng Ngàn Sâu. Ga Phúc Trạch – ga goòng, ga tàu tồn tại suốt mấy thập niên là vậy, như người con quê hương Phan Đức Toản cảm xúc ghi lại:


Dẫu rằng ga nhỏ quê hươngVẫn như cầu lớn trên đường vào raẤy là Phúc Trạch quê taCam thơm, bưởi ngọt, món quà cầm taySài Gòn, Hà Nội phải sayVị ngon hương thắm ga này không quên !


Đường Hồ Chí Minh thẳng băng chạy song song với dãy Trường Sơn, qua địa phận Phúc Trạch hơn 5 km, cách địa giới La Khê - Tân Ấp Quảng Bình 10 km, càng giúp cho nét đẹp văn hóa Phúc Trạch kết nối trăm miền, lung linh tỏa sáng!


Thị sát đường Hồ Chí Minh qua địa phận Hương Sơn, Hương Khê, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt căn dặn: “Vùng đất này chịu nhiều tổn thất, hy sinh trong chiến tranh. Nay có con đường chiến lược Bắc – Nam mang tên Bác Hồ đi qua, đó là lợi thế, là niềm vui lớn. Phải  bằng mọi cách để cho miền Tây đất nước đổi đời, cho cuộc sống nhân dân hạnh phúc, no ấm, cho đời sống văn hóa tinh thần của người dân không ngừng phát triển”.


Nét đẹp văn hóa Phúc Trạch tỏa sáng từ mong nguyện của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà lãnh đạo năng động, đổi mới, tài ba, dám nghĩ dám làm. Chính ông  là người quyết đoán cùng tập thể Bộ Chính trị  đưa ra dự án táo bạo xây dựng tuyến đường  truyền tải điện 500 KV Bắc - Nam, song hành  cùng đường Hồ Chí Minh.


***Nói đến nét đẹp văn hóa Phúc Trạch, không thể không nói đến địa chính trị, quá trình hình thành và phát triển của vùng đất này.

ngan_sau_3

Cây Dâu Da 50 năm tuổi, do Mẹ trồng ở vườn quê.

Làng Phúc Trạch có quá trình chia tách, sáp nhập mỗi thời  theo một quy chuẩn riêng. Điều ấy, về khách quan đã không tạo ra một sự cố kết bền vững lâu dài về văn hóa truyền thống cho một vùng quê nghèo.  Thế thời, thời phải thế. Mỗi thời kỳ có một đặc điểm kinh tế, xã hội, văn hóa, chính trị khác nhau nên việc chia tách, sáp nhập địa giới hành chính cũng là lẽ bình thường, tự nhiên.


Người Phúc Trạch ví làng mình như một cái nôi, một đầu mắc lên rú  Gối, ngọn cao nhất của dãy núi Trà Sơn, một đầu mắc lên động Tría, động cao nhất của dãy dãy Giăng Màn. Có người nhìn từ trên cao ví von Phúc Trạch – phía ngọn của vùng thung lũng giữa dãy Trà Sơn và dãy Trường Sơn như đôi  cánh chim ưng vỗ cánh tung trời bay ra biển lớn. Năm 1945, làng Phúc Trạch thuộc tổng Phúc Lộc. Thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 1945 đến 1954, Hương Khê bỏ đơn vị hành chính tổng thành 15 xã, làng Phúc trạch là xóm 4 thuộc xã Hương Lĩnh. Hương Lĩnh lúc đó  là một xã lớn, bao gồm La Khê, Phúc Hội, Phúc Trạch, Can Hợi, Đô Khê (nay  là các xã Hương Trạch, Phúc Trạch, Hương Đô). Sau cải cách ruộng đất – 1955 đến 1972, làng Phúc Trạch trở thành một xã gọi là xã Hương Lĩnh, bao gồm 7 xóm: Bạch, Hoàng, Hồng, Nam. Đông, Thanh, Huyền. Từ năm 1972 đến nay, xã Hương Lĩnh sáp nhập với xã Hương Lạc thành xã Phúc Trạch. Làng Phúc Trạch xưa là các xóm 1,2,3,4,5 của xã Phúc Trạch hiện nay.


Thuở xưa, bên cạnh làng Phúc Trạch còn có làng Can Hợi. Tuy nhiên 2 làng không có sự ngăn cách rõ ràng về điạ giới. Ranh giới làng chỉ là những thửa ruộng cạn, bên này bên kia chẳng rõ ràng. Dân làng 2 bên sống  hòa thuận như anh em thân thiết trong một nhà. Sau này, khi làng Phúc Trạch sáp nhập với làng Can Hợi thành xã Phúc Trạch như ngày nay, không có chuyện hiềm khích địa phương cục bộ làng anh, xóm tôi như nhiều nơi khác. Đấy cũng chính là nét đẹp văn hóa Phúc Trạch, tình làng nghĩa xóm sâu nặng, cả xã cùng một chí hướng, vai kề vai bên nhau. Văn hóa Phúc Trạch là văn hóa về sự cố kết tối lửa tắt đèn có nhau.


Một điều lạ, xã Phúc Trạch – dù Phúc Trạch hay Can Hợi, hơn trăm năm thực dân Pháp đô hộ, đạo Thiên chúa từ châu Âu du nhập khắp nơi, nhưng Phúc trạch không có ai theo đạo. Trong khi đó, Phúc Hội làng trên, Đô Khê làng dưới gần nửa số dân theo đạo Thiên Chúa, hình thành 3 - 4 nhà thờ uy nghi bề thế. Và cả ngàn năm Phật giáo du nhập vào Việt Nam, Phúc trạch vẫn không có ai là Hòa thượng hay phật tử. Người Phúc trạch không theo đạo, chỉ thờ thần – thờ cúng gia tiên, cha mẹ, ông bà, tổ tiên.


Nhiều lần, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng giải thích:     - Hơn ngàn năm Bắc thuộc, Việt Nam ta vẫn là ta. Văn hóa cộng đồng Việt trường tồn bất diệt, chẳng ai có thể đồng hóa. Sức mạnh văn hóa tạo nên sự vĩ đại của một dân tộc. Văn hóa bản địa vững bền tạo nên sự trường tồn của đất nước theo chiều dài lịch sử, kế nghiệp từ Văn Lang xưa

Văn hóa xứ Phúc Trạch trường tồn bên dòng Ngàn Sâu – dòng chảy nhân văn làng xã, hướng thiện, cội nguồn, bất diệt. Cả làng Phúc Trạch chỉ có 2 ngôi đền: đền Châm Lĩnh ở phía Đông, đền Cơn Sông ở phía Tây và nhà Thánh ở trung tâm làng. Việc tế lễ ở các đền, đình nhiều nơi khác ngày càng tăng tiến; ở Phúc Trạch thì ngược lại, ngày càng giảm dần, sau này thì bỏ hẳn. Đó cũng là điều lạ. Các đình, đền hoang phế theo thời gian. Có nhiều câu chuyện tâm linh chung quanh các đền, đình ở Phúc Trạch cũng lùi dần vào quá khứ. Cuộc sống thường ngày vẫn đi lên, không ngưng nghỉ. Phúc Trạch được tuyên dương luôn đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đời sống văn hóa mới. Ma chay, cưới xin, hiếu hỉ  ở Phúc Trạch diễn ra gọn nhẹ, không lê thê đêm ngày, không ăn uống linh đình bên cỗ quan tài, không vàng mã rải đầy đường, không hủ tục nhiêu khê, khác với nhiều địa phương khác.

ngan_sau_5

Em gái Út ít của Mẹ, giống Mẹ như tạc, lên lão 78, 7.2017

***Lòng yêu nước nồng nàn – “xe chưa qua nhà không tiếc” là nét đẹp văn hóa nổi trội  của làng quê Phúc Trạch.

Những năm cuối thế kỷ XIX, Kinh thành Huế thất thủ. Đêm 23 tháng 5 năm Ất Dậu – năm 1885, Vua Hàm Nghi đến Sơn Phòng, Phú Gia – Hương Khê hạ chiếu Cần Vương.  Cụ Phan Đình Phùng lập căn cứ ở Vụ Quang kháng Pháp. Người Phúc Trạch náo nức lên đường theo tiếng gọi của non sông. Ngày ấy, ông Phạm Văn Biếng, người làng Phúc Trạch, giỏi võ nghệ đứng ra tụ nghĩa nhiều thanh niên vào rừng tập luyện quyết chí theo phong trào Cần Vương. Trai làng dấy theo cờ nghĩa, chẳng ngại vất vả, hy sinh – phò vua - quyết trả thù nhà đền nợ nước.

Cuộc khởi nghĩa của cụ Phan Đình Phùng gặp khó khăn, quân Pháp tấn công lên căn cứ Vụ Quang, cụ Phan dời căn cứ vào Rú Quạt thuộc huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình cách phúc Trạch về phía Nam nửa ngày đường bộ. Người Phúc Trạch luyện tập võ nghệ đi theo cụ Phan đánh Pháp. Kẻ thù đàn áp phong trào yêu nước của cụ Phan. Lính Pháp truy lung bắt được 12  nghĩa quân ở động Cột Đèn. Chúng tàn sát các nghĩa quân hết sức dã man, chém đầu bêu chợ. Hiện nay, tại xã Phúc trạch vẫn còn dấu tích ngôi mộ chôn các nghĩa quân ven đường quốc lộ 15 A – di tích lịch sử minh chứng cho tấm lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm của người dân Phúc Trạch. Thực dân Pháp coi vùng thượng huyện Hương Khê, trong đó có  Phúc Trạch là vùng “loạn”. Ví thế, chúng cho lập đồn Phúc Trạch kiên cố, do sĩ quan Pháp chỉ huy, cạnh con sông Ngàn Sâu – chặn các con đường tiếp lương, chi viện cho nghĩa quân yêu nước. Ngày ấy, cả huyện Hương Khê chỉ có 3 đồn trú, 3 cứ điểm trừ “loạn”, đó là: Đồn Tri Bản, đồn Chu lễ, đồn Phúc Trạch. Sau này, khi đồn Phúc Trạch không còn, dân Phúc Trạch lập ra chợ Đồn,  mỗi tháng họp 6 phiên vào các ngày 5, 10, 15, 20, 25, 30 âm lịch. Dân tứ xứ, từ TP. Vinh, Đức Thọ, Hương Sơn, vùng hạ huyện Hương Khê  ... theo dòng Ngàn Sâu ngược lên chợ Đồn mang theo vải vóc, các loại hàng công nghệ phẩm, thức ăn miền biển ... buôn bán sầm uất. Cửa hàng bách hóa, bưu điện lần lượt mọc lên. Những chuyến đò dọc chở theo cây trái như cam, quýt, hồng, bưởi, hàng lâm sản từ chợ Đồn, theo dòng Ngàn Sâu về xuôi. Chợ là nơi hội họp, giao lưu, bán buôn cũng là môi trường thuận lợi cho các nghĩa quân yêu nước liên lạc, dễ b tiếp tế quân lương. Về sau, do cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ ngày càng ác liệt, chợ Đồn và khu buôn bán chung quanh phải sơ tán vào làng xã, khu dân cư. Chợ Đồn cũng mất dần, một phần  biến tướng thành khu chợ Ga – xe  lửa là vậy.


Tại Phúc Trạch, dân làng thường kể lại một giai thoại - truyền miệng thật mà vui, xen lẫn niểm tự hào. Ông Dương Đức Cơ, một người con của Phúc Trạch đi kháng chiến. Năm 1955, đội cải cách ruộing đất viết lệnh triệu ông về làng. Thời đó, Đội cải cách ruộng đất to lắm – hồi đó người ta nói “nhất Đội nhì Trời”. Một chiều nọ, chiếc xe comangca theo lệnh Đội đã đưa ông về làng. Chiếc xe chạy đến đầu làng, dân quân du kích theo lệnh Đội, súng ống nai nịt chờ sẵn. Một người tướng mạo oai phong từ trên xe mở cửa bước xuống: “Tất cả đứng im. Ai dám đụng vào Thủ trưởng của tôi, tôi nổ súng”. Biết chuyện chẳng lành, chiếc xe quay đầu 360 độ đi thẳng. Người “Thủ trưởng” đó chính là ông Dương Đức Cơ, một trong những người chỉ huy tiên phong trong cuộc cách mạng tháng Tám năm 1945 đi xe thùng vào huyện đường Chu Lễ cướp súng giặc, giành chính quyền về tay nhân nhân, 15 giờ chiều ngày 19.8.1945. Hàng ngàn quần chúng hò reo theo cách mạng, buộc trưởng đồn Chu Lễ nộp vũ khí quy hàng, tri huyện Nguyễn Xuân Lâm ngoan ngoãn giao sổ sách, ấn tín cho Ủy ban Khởi nghĩa tỉnh Hà Tĩnh. Ông Dương Đức Cơ là Phí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban hành chính huyện Hương Khê thời kỳ 1949 – 1951.  Người viết bài này  gặp anh Dương Đức Hoàn, con trai ông Dương Đức Cơ tại Hà Nội, Tiến sĩ thuộc Viện Khoa học Việt Nam hỏi chuyện này. Anh Dương Đức Hoàn vui vẻ: “Thời cải cách ruộng đất là vậy. Đội hiểu nhầm. Cụ có kể lại chuyện này và nhiều chuyện khác. Cụ  gia nhập Đảng cộng sản sớm, đi trận đánh giặc, vào sinh ra tử, một lòng một dạ theo Đảng đến cùng”.  
Thời kỳ chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, Phúc Trạch là trọng điểm đánh phá ác liệt của chúng. Quân và dân Phúc Trạch chiến đấu, phục vụ chiến đấu dũng cảm, hướng ra chiến trường, mau lẹ sức người sức của, được phong tặng đơn vị Anh hùng Lực lưiợng vũ trang nhân dân. Xe chưa qua, nhà không tiếc. Máy bay Mỹ đánh phá sập cầu cống, tàn phá đường giao thông. Bà con phá dỡ nhà cửa lấp hố bom. Hàng ngàn con em Phúc Trạch lên đường nhập ngũ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, lập nhiều chiến công xuất sắc. Hơn  1.000 thanh niên ra trận, tham gia các đơn vị bộ đội chủ lực, dân công hỏa tuyến, thanh niên xung phong. Một làng xã không lớn có gần 30  đại tá, thượng tá, trung tá, tướng lĩnh. Toàn xã có 138 liệt sĩ, 134 thương binh, 4 bà Mẹ Việt Nam anh hùng. Khe Bệ, khe Trồi, núi Trà, rú Gối, khe Sông, đồng Ông Đượm, đồng Lung ... là những địa danh nổi tiếng, gắn với bao chiến công trong các cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc.


Phúc Trạch còn là đất học – lòng hiếu học nổi tiếng. Học chữ, học lễ nghĩa, học chính chuyên, học làm người. Tham gia phong trào Cần Vương chính là lòng yêu nước nồng nàn, là việc đại nghĩa, chính chuyên  mà nhà vua đã sức. 
Làng Phúc Trạch bé nhỏ, diện tích tự nhiên chưa đến 5.000 héc-ta, dân số 5.531 người, 1.418 hộ - theo báo cáo thống kê năm 2003. Đến thời điểm này – năm 2016, dân cư xã Phúc Trạch vẫn ở mức dưới khoảng 8.000 người. Phúc Trạch có hơn 300 Phó giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ và cử nhân tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học, làm việc – có người giữ vị trí chủ chốt tại các trường đại học, viện nghiên cứu, cơ quan Đảng và Nhà nước. Phúc Trạch có không dưới 15  nhà báo, nhà văn, nhà thơ hoạt động trong và ngoài tỉnh, đóng vai Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập các tờ báo chính trị, chính trị - xã hội - nghề nghiệp Trung ương và địa phương.Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, cụ Đinh Văn Hòa là người tự bỏ tiền, của xây dựng trường tiểu học tư thục – trường tư thục đầu tiên ở Hương Khê. Càng về sau trường càng được mở rộng khang trang hơn, con em Phúc Trạch đến học đông đúc, nhiều người thành tài. 7 người con và nhiều cháu chắt của cụ đều tốt nghiệp đại học, trên đại học,  có nhiều cống hiến  cho xã hội.

ngan_sau_6

Rất yêu Cà Rốt- 2 ông cháu!

Ông Phạm Văn Thịnh là nhà nho yêu nước, tham gia phong trào Xô viết Nghệ tĩnh từ làng Phúc Trạch. Dân làng gọi ông là ”Đầu huyện Thịnh” vì cụ tham gia thi cử, kiến thức uyên thâm đỗ đứng đầu huyện Hương Khê; vài năm sau thi tỉnh đổ đầu tỉnh Hà Tĩnh. Đỗ đạt cao nhưng cụ không ra làm quan trường mà chọn nghề dạy học – dạy chữ, dạy làm người;  bốc thuốc bắc trị bệnh cứu người nơi làng xã, vui với cuộc sống đạm bạc thanh cao. Các con cháu của cụ  học hành tiến tới, đi theo cách mạng, phụng sự nhân dân. Ông Phạm Quốc Ngạn, con trai của cụ giỏi văn, hay chữ, thuộc thơ Hán Nôm và truyện Kiểu của đại thi hào Nguyễn Du như cháo chảy, là giáo viên bình dân học vụ, tham gia tích cực phong trào diệt “giặc dốt” ở Phúc Trạch, sau này là cán bộ dân vận uy tín của Đảng .


Nhân bàn chuyện hiếu học của dân Phúc Trạch, chị Trần Thị An Bình nhắc đến những người con Phúc Trạch xa quê học tập, làm ăn ở xứ người. Khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam và cả bên trời Âu, Mỹ nhiều người thành tài, doanh nhân thành đạt. Quê nội Trần Thị An Bình  bên con sông Trà Khúc, với các món đặc sản nổi tiếng như đường phèn, cá bổng sông Trà, tỏi Lý Sơn. An Bình  làm dâu Phúc Trạch, chị rất yêu quê bưởi. Mà cũng đúng thôi, yêu chồng thì yêu cả vùng quê, dù cho vùng quê đó trong buổi đầu với chị còn  xa lạ.


Sánh vai bên chồng và con gái bé Hạnh lên ga xe lửa Phúc Trạch, An Bình chợt nghĩ đến trận đánh phá trường học dã man của không quân Mỹ giết chết 33 em học sinh nhỏ  trường cấp 2 Hương Phúc, sát cạnh Phúc Trạch bên dòng Ngàn Sâu, ngôi trường có nhiều con em Phúc Trạch theo học. An Bình vẫn nhớ từng câu, từng chữ mà nhà thơ Xuân Diệu viết năm 1966:...


Mới xong bài giảng đoạn văn hay, Đang học sang giờ Trái Đất quay. Cướp Mỹ từ đâu lao bổ tới,Xé tan bàn ghế, bút chì bay!... Bưởi ngon Phúc Trạch vỏ còn the,Nợ máu mi vay phải trả về.Cả nước nắm đầu quân giặc Mỹ,Bắt đền em nhỏ ở Hương Khê                (Xuân Diệu, 3.3.1966)


Ngày nay Phúc Trạch – Hương Khê cùng cả nước sống trong độc lập tự do, cuộc sống an bình. Mối thù xưa “Nợ máu mi vay phải trả về” mà Xuân Diệu nhắc đến đã đòi lại. Phúc trạch ngày mới – những chuyến tàu vào ra trên tuyến đường sắt xuyên Việt – những đoàn xe vận tải trên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại - góp sức mình xây đời mới. Phúc Trạch hôm qua, hôm nay và ngày mai bừng sáng nét đẹp văn hóa – cuộc đời mới.


***Nói đến Phúc Trạch là nói đến 2 thứ đặc sản – thương hiệu – trường tồn mấy trăm năm nay. Chính nó đã tạo nên một nét đẹp văn hóa cho Phúc Trạch, của Phúc Trạch.


Bưởi Phúc Trạch có trước,  cùng thời, hay có sau  bưởi Năm Roi, bưởi Da Xanh, bưởi Biên Hòa trong Nam và cả giống bưởi Diễn, Đoan Hùng ... ngoài Bắc chẳng quan trọng. Mỗi vùng có một giống bưởi, do thời tiết, khí hậu, đặc biệt là do thổ nhưỡng vùng đó tạo ra. Vị ngọt nếm trải: thanh tao, ngọt đầm đà, ngọt và thơm thoang thảong nhẹ nhàng ... còn do khẩu vị, sở thích từng người.

ngan_sau_7

Hồng Vân đàn hát tặng cậu Toàn "Đi mô cũng nhớ về Hà Tĩnh", ngay cậu về quê (2.2017)

Bưởi Phúc Trạch quả tròn  trịa, vỏ mỏng, ít hạt, lúc chín vỏ màu vàng, tôm bưởi mịn màng, nước vừa phải, màu trắng hoặc hồng tươi. Bưởi Phúc trạch có vị ngọt đậm đà, thanh tao, không chua, không hề có vị đắng. Mỗi người có thể ăn cùng lúc 2 - 3 quả mà không chán. Bưởi Phúc Trạch chính hiệu mua bán tại gốc giá trên dưới 100 ngàn đồng một quả. Nếu mua bán tại Hà Nội hoặc thành phố Hồ Chí Minh, giá chót 200 ngàn đồng một quả. Bưởi Phúc Trạch đến mùa thu hoạch, hái nhẹ nhàng, không va đập, không dập vỏ ngoài bôi vôi vào cuống có thể để 3-4 tháng, đến tết nguyên đán đem ra ăn, vỏ teo khô lại, múi bưởi rất thơm, nhiều nước, vị ngọt đậm, giải khát rất tuyệt. Bưởi Phúc Trạch nổi tiếng từ thời thuộc Pháp. Theo nhiều tài liệu ghi lại, hàng năm, tri huyện Hương Khê, tri Phủ Hà Tĩnh vẫn mang bưởi Phúc Trạch vào Huế tiễn vua và các quan trong triều, tiễn quan toàn quyền Pháp. Bưởi Phúc Trạch đã giành giải cao tại hội chợ - bán đấu xảo ở Vinh, Hà Nội và Paris, thủ đô nước Pháp. Bưởi Phúc Trạch chỉ trồng ở Phúc Trạch, đưa qua làng khác, chất vị thay đổi, không ngon bằng. Các nhà khoa học giải thích sự thay đổi này là do đất trồng – thổ nhưỡng.  Mấy năm gần đây, do nhiều gia đình trồng xen cây Dó trầm vào vườn bưởi, rễ cây Dó trầm ăn lan ra vườn, chất đất bị tác động nên chất lượng bưởi có sút giảm. Rồi có ai đó cho thụ phấn, lai ghép các Loại bưởi khác nhau lên giống bưởi Phúc Trạch, quả sai hơn, năng suất cao hơn, nhưng chất lượng bưởi không ngon bằng bưởi Phúc Trạch thuần khiết.


Dăm bảy năm gần đây, nhiều gia đình tập trung trồng giống bưởi thuần chủng gốc Phúc Trạch thu  tiền tỉ. Mùa bưởi chín năm 2017, một nữ nhà báo quê Phúc Trạch làm báo ở Việt Bắc – Thủ đô gió ngàn chở cả một xe bưởi Phúc Trạch về thủ đô ... biếu tặng & cả bán lấy vốn cho  bạn bè, đồng nghiệp. Thưởng thức giống bưởi đã thành thương hiệu, ai cũng khen o nhà báo làm vậy mà hay, góp phần đưa bưởi Phúc Trạch đi xa, vươn tới các thương trường tiềm năng. Phát huy mặt tích cực của mạng xã hội, Bưởi Phúc Trạch được tung hô trên FB, lan tỏa hương vị mọi vùng miền, vui đáo để (!).


Tại Phúc Trạch còn có loại cây “đặc chủng” Dó trầm.  Dó trầm mọc thẳng vút cao, gỗ mềm, 5 - 7 năm tuổi bắt đầu cho trầm, mỗi cây giá bán vài ba chục triệu đồng. Cây càng lâu năm, khả năng cho trầm càng cao. Có những cây Dó trầm vài chục năm tuổi, giá bán trăm triệu đồng mỗi cây. Tinh dầu trầm chiết từ cây là loại hương liệu, dược liệu cực kỳ quý hiếm, có giá trị hơn vàng.


Bột cây Dó dùng làm nhang trầm rất được thị trường ưa chuộng. Nhang làm từ Dó trầm mùi thơm thoang thoảng dịu dàng, không độc hại, có sức cuốn hút đặc biệt. Dó trầm Phúc Trạch có từ hàng trăm năm nay nhưng trước đây người địa phương chưa am hiểu loại cây này quý hiếm và có giá trị kinh tế cao. Thương lái khi ngửi ra mùi trầm họ gạ mua luôn bộ kèo Dó trên mái nhà, gỗ Dó đã cưa xẻ thành ván ép quanh nhà dăm ba trăm triệu đồng, đủ tiền xây thêm cái nhà mới. Khoảng vài chục năm trở lại đây, khi nhiều thương lái từ nơi khác đến săn tìm cây Dó trầm thì xứ Phúc Trạch trở nên nhộn nhịp và  giàu có dần lên. Nhà nhà trồng Dó trầm, người người trồng Dó trầm,  chích  hóa chất vào cây Dó để kích thích cây Dó mau  cho trầm.


Một nhóm sinh viên, cử nhận, thạc sĩ, tiến sĩ về quê  khởi nghiệp  ở  làng Phúc Trạch lập xưởng sản xuất  nhang trầm – từ chất liệu trăm phần trăm  Dó trầm, thảo dược nơi vùng bưởi tung ra thị trường. Các đại lý nhang trầm ở Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An bắt đầu có tiếng vang xa. Sản phẩm thử nghiệm bước đầu gia nhập thương trường Thái Lan, lên tận vùng Đông Bắc, tỏa dọc dòng Me Kong, nơi có đông bà con Việt kiều lập nghiệp, nơi có di tích lịch sử lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh hoạt động thời kỳ dựng Đảng (1928 – 1929). Bà con kiều bào khen lắm: “Nhang trầm Phúc Trạch, không có hóa chất, thơm nhẹ nhàng, thoảng thoảng, rất tuyệt vời” ... Được vậy là thành công, dù chỉ mới là sự khởi đầu.


Báo Tiền Phong, cơ quan ngôn luận của Trung ương Đoàn thanh niên đã có phóng sự dài, giới thiệu cây Dó trầm Phúc Trạch, phác họa chân dung “tỷ phủ trầm” Đặng Hữu Liên, lúc đó là giám đốc Lâm trường Hà Đông, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ Ngàn Sâu. Ông Đặng Hữu Liên, sinh ra và lớn lên ở Phúc Trạch, kỹ sư lâm nghiệp, có gần 43 năm trong ngành, am hiểu cây Dó trầm. Ông nói, bài viết về ông lúc đó có phần “tô” lên, nhưng cái chất “kinh tế học” cây Dó trầm thì trúng phóc. Ông Đặng Hữu Liên nhân rộng cây giống Dó trầm, lập xưởng tinh chiết tinh dầu trầm từ cây Dó, tính chuyện xuất khẩu tinh dầu trầm qua châu Âu, Ấn Độ, Trung Đông.

ngan_sau_8

ngan_sau_9

Tình cậu cháu Kiều Vân & Kiều Phương- 2.2017


Tầm nhìn của vị cựu giám đốc lâm trường quá hay, nhưng về sau do một số lý do khách quan và chủ quan, ý tưởng của ông tạm ngừng lại, chờ vận hội mới. Mới đây lại nghe chuyện ông gặp xui xẻo, có kẻ nào đó tiếp tay cho lâm tặc phá rừng phòng hộ, chặt trụi hàng trăm héc - ta rừng để lấy gỗ và chiếm đất, trong đó hàng chục héc – ta  cây Dó trầm gần đến thời kỳ cho trầm. Cựu giám đốc lâm trường không vui bởi sự tàn phá rừng của lâm tặc mà không được xử lý. Lâm tặc cứ nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Hương Khê & Phúc Trạch quê hương yêu dấu của ông đong đầy bao kỷ niệm của một thời trai trẻ, nhưng nỗi buồn rừng bị đốn hạ, vẫn  day dứt trong lòng, chẳng xua đi được...  
Làng ven con sông Ngàn Sâu đổi đời. Cây Dó trầm Phúc Trạch vẫn rất có giá. Cuộc sống sung túc, nhà cửa khang trang, đường sá được nâng cấp ... Bộ mặt nông thôn Phúc Trạch khác hẳn xưa. Đời sống tinh thần người dân Phúc Trạch luôn tươi mới. Rất cảm ơn trời đất đã ban tặng cho Phúc Trạch yêu dấu một báu vật quý báu: Dó trầm & cây bưởi ngọt một thời dùng để tiến Vua. Mỗi độ Xuân về Tết đến, hoa bưởi nở trắng vườn, mái tóc em mùi hoa bưởi tỏa thơm đầy quyến rũ.

***Nơi có cây bưởi đặc sản, cây Dó trầm “đặc chủng” tạo nên nét đẹp văn hóa cho làng quê Phúc Trạch. Tuy vậy, cuộc đời chẳng có gì thật sự hoàn hảo. Văn hóa làng xã Phúc Trạch vẫn còn đó những chuyện chưa đẹp, chưa hay. Tình làng nghĩa xóm đôi lúc còn va đập, từ những chuyện nhỏ nhặt chẳng đâu vào đâu.


Xây dựng nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là nền tảng, vừa là động lực để phát triển. Làm kinh tế nhưng chớ quên văn hóa. Dù là đô thị hay thôn quê, dù là miền xuôi hay miền ngược, dù là ven biển hay đồng bằng, đâu đâu cũng phải coi trọng văn hóa, lấy văn hóa làm thước đo để không ngừng nâng cao gía trị và chất lượng cuộc sống.


Chuyện văn hóa làng quê, Phúc Trạch hay bất cứ vùng quê nào, cũng là chuyện thường ngày ở huyện. Tỷ như, hai hộ dân ở sát bờ dậu của  nhau, con gà con lợn chui qua, thế là to tiếng cãi vã. Bờ dậu, bờ tường thời cha ông để lại nguyên gốc thẳng băng đẹp như kẻ chỉ, nay do cái lợi từ cây Dó trầm, cây bưởi ngọt mà sinh lòng tham, bên kia lấn chiếm nên “biên cương” lại uốn lượn hình cái lưỡi liềm cứa vào cổ, kỳ cục hết chỗ nói. Anh lấn vườn tôi vài thước đất, có giàu có thêm được bao nhiêu, nhưng chục kẻ nhìn qua, trăm người nhìn lại, thói ích kỷ  lộ tẩy như ban ngày, không thể ngửi được. Chỉ là những chuyện nhỏ nhặt như thế,  tham lam như thế để mà làm gì. Nhân nào quả đó. Cha mẹ hư thì con cái hư, cha mẹ ích kỷ thì con cái cũng theo gương xấu của bậc bề trên mà ích kỷ. Ích kỷ nhỏ thành ích kỷ, gương xấu có khi làm hư con cháu mà không hay biết!


Ở đời chẳng gì có thể che dấu được. Chuyện tốt, chuyện xấu có trời biết, đất biết, cõi dương và cõi âm đều biết. Lộ. Tình làng nghĩa xóm hãy đặt lên hàng đầu bốn  chữ hy sinh và nhường nhịn.  Một việc sai, nhưng nếu biết hy sinh và nhường nhịn, chín bỏ làm mười, đừng tham lam thì sẽ có sự sẻ chia và hòa thuận. Nếu ăn thua, ăn đủ mặt nặng, mày nhẹ, vụ lợi thì sinh chuyện lôi thôi. Chuyện bé đừng xé ra to. Tốt nhất là to nhỏ  bảo ban nhau, lấy cái đức, cái tâm, cái nghĩa, cái tình làm trọng. Ấy cũng là tình làng nghĩa xóm, bán chị em xa mua láng giềng gần.


Nét đẹp văn hóa Phúc Trạch. Bài học văn hóa từ làng quê Phúc Trạch. Bề dày lịch sử và truyền  thống to lớn lắm thay.


Làng ven con sông Ngàn Sâu đẹp, nồng ấm nghĩa tình. Ông Bùi Ngọc Bích, thầy giáo yêu nghề dạy cấp 3 trường huyện, rồi gần chục năm  đóng vai Trưởng phòng văn hóa huyện  Hương Khê. Ông có nhiều bài thơ, bài viết, khảo luận nghiên cứu về các làng quê cổ thượng Ngàn Sâu. Đó là một con người tâm huyết, nghĩa tình, sống hết mình cho quê hương. Gần đây, tuổi ngoài thất thập, sức khỏe ông Bùi Ngọc Bích không được như xưa, nhưng lòng yêu quê hương – yêu dòng sông Ngàn vẫn cuộn chảy, đau đáu trong ông. Ông nói: “Phúc Trạch, Hương Trạch, Hương Đô, Lộc Yên ... đẹp lắm, đáng yêu vô cùng, bởi dòng Ngàn Sâu trong xanh, yên ả bao đời, bởi nét đẹp văn hóa được bồi đắp từ bao thế hệ những con người nghĩa hiệp, chí khí, cần cù thông minh – một nắng hai sương bên dòng sông quê hương ”.


Huyện nhà  kỷ niệm 150 năm mang tên Hương Khê. Phúc Trạch, tên gọi thân thương một thành viên trong lòng Mẹ Hương Khê ngàn lần yêu dấu với truyền thống mấy trăm năm có lẻ.   Nét đẹp văn hóa, một tầm nhìn văn hóa trân trọng và đáng yêu biết nhường nào ...


TP. Hồ Chí Minh – Phúc Trạch, mùa Thu 2017
PHẠM  QUỐC TOÀN

Nhà báo Phạm Quốc Toàn cùng con gái và cháu ngoại bên đập thủy lợi Khe Trồi.

Chia sẻ liên kết này...