Dạo này, chuyện bên Tây mà nhiều người bên ta “chiến” dữ dằn thế, thiếu chút nữa là bươu đầu mẻ trán. Ví như vụ ba ông rất to, thượng đỉnh luôn cãi nhau bên Mỹ, nhưng bên ta nhiều người hùng hổ “chiến” bàn luận rôm rả, phe này đánh phe kia, loạn cả lên. Trên một trang mạng, chủ trang có lời phàn nàn: “Khổ lắm, mấy hôm nay nhà em bị ném đá tới số, cho ăn bò đỏ rồi cà chua và trứng thối, nặng lời nói nhà em là đồ me Tây, chỉ vì em đã chỉ trích việc A đánh B”.
Một trang mạng khác, sau chuyến thăm và cuộc gặp gỡ được coi là “thảm họa” (tranh cãi nẩy lửa) tại Phòng Bầu dục - Nhà Trắng, chủ trang cứ như bị cho ăn trứng thối tới tấp chỉ vì đã bênh vực và khen nhà lãnh đạo nước nhỏ “bản lĩnh”, chí khí như một “Anh hùng dân tộc”, chịu chơi (!).
Trên một trang mạng tiếp theo đăng thư ngỏ về một nhóm bạn già trải mấy cuộc kháng chiến, sau một chầu nhậu những người bạn một thời sống chết bên nhau đã chia ra phe này phe kia, xung đột lên đỉnh điểm đã thượng cẳng tay, hạ cẳng chân rồi tuyên bố từ mặt nhau. Ông bạn viết thư ngỏ lên facebook than thở: “Thân nhau là vậy mà nay bạn già tăng máu khuân đi cấp cứu, bạn rủ bạn vào bệnh viện thăm nhau, có 2 ông từ chối thẳng thừng: “Nó thuộc phe Đại đế, thăm với chả viếng”. Tình cảm bạn bè do cãi vã nhau từ mạng xã hội mà nay căng hơn dây đàn!
Thế mới biết việc bày tỏ chính kiến của nhau về sự kiện này, sự kiện kia mà thiếu sự cân nhắc, không thận trọng, sẽ bị nâng thành quan điểm, kình địch nhau, mất hết tình nghĩa, nguy hại. Một nhóm cà phê sáng và bơi biển chiều đều là cựu quan chức hưu trí, bình thường thì bù khú vui nổ trời, nhưng chỉ vài ba sự kiện ở tận đẩu tận đâu, có khi cách nửa vòng trái đất mà lên tiếng luận bàn, khi không hợp cạ là mày tao chí tớ khích bác, chọc ngoáy trên facebook, zalo, messenger… quá đà là cạch mặt nhau.
Một hiện tượng xã hội – vào lúc thời cuộc diễn biến mau lẹ khó lường ở nơi xa và cả chung quanh ta, của chính chúng ta, theo tư vấn của chuyên gia các trang mạng, xin có vài điều ngắn gọn tỏ bày :
Một là: “Biết thì thưa thốt không biết thì dựa cột mà nghe” là câu tục ngữ rất hay, ẩn chứa sau đó bao vấn đề về sự học hành, trui rèn kiến thức đúng và trúng về kiến thức xã hội, tự nhiên, lịch sử, địa lý … phẩm hạnh chuẩn mực, có văn hóa, mỗi khi nào đó cần lên tiếng, phải đăng đàn công khai.
Chính khách, nhà hoạt động xã hội Hà Đăng, Phan Quang, Tạ Ngọc Tấn, Nguyễn Hồng Vinh … là những bậc thầy am tường mạng xã hội. Theo dõi sát thời cuộc, xem thông tin mạng xã hội để cho rộng đường dư luận nhưng họ ít tương tác, cần lắm mới tham gia diễn đàn mạng xã hội về những điều có tính kỹ năng, kiến thức, nghề nghiệp. Những vấn đề mà họ bàn luận lắm thông tin, nhiều kiến thức, nhẹ nhàng, không nhằm chĩa vào ai. Chính khách Tạ Ngọc Tấn đã nói khi được một trò hỏi về tương tác mạng mạng xã hội: “Lên mạng tối kỵ nói về những điều chưa hiểu, chưa biết, suy đoán. Phải làm theo điều mà ông bà ta đã tổng kết: Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe”.Ở đời sợ nhất là sự phán xét trật lức, lấy được.
Hai là: Động cơ đưa tin hot, tin bịa nhằm tăng view để câu khách, chạy quảng cáo, bán hàng qua mạng tự nó đã làm méo mó thông tin mạng xã hội. Cha ông răn dạy, làm người là phải “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Ngày nay – trên mạng xã hội, không ít người đã quên những sự HỌC như vừa nêu. Thêm vào đó là cách ứng xử vô văn hóa, xoi móc, châm biếm, đả kích cá nhân, thiếu chuẩn mực “Ăn không xem nồi, ngồi không xem hướng”. Cứ mở miệng là chửi thề, châm chọc, ném đá lẫn nhau, sinh chuyện ồn ào, chuyện bé xé ra to.
Bài học tổng kết về văn hóa mạng xã hội chính là sự học suốt đời, hãy tạo nên một xã hội học tập, học không ngưng nghỉ. Vào trường để học và mỗi người phải tự học cho mình, học ngoài đời, học trong cuộc sống, học văn hóa, nâng cao kiến thức; Học về đạo đức, phẩm hạnh, những điều tốt đẹp chung quanh ta. Và chỉ bằng sự học mới tạo ra một phong nền văn hóa mạng xã hội phủ bóng mát cuộc đời!
Ngày 5-3-2025
PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|