Cá chép hóa Rồng, cuốn sách thứ 13 của nhà báo Phạm Quốc Toàn mang dấu ấn thời cuộc rõ nét, tính thời sự nóng hổi. Tôi vẫn nói vui, tếu táo rằng: Phạm Quốc Toàn là “ông Trạng thời @” của làng báo Việt, quê làng Phúc Trạch (Hà Tĩnh). Đúng Vu Lan - báo hiếu - Rằm tháng Bảy Kỷ Hợi - 2019, người viết mấy dòng này nhận được bản thảo cuốn sách mới của Phạm Quốc Toàn, tôi đọc ngay, đọc một mạch và có đôi điều cảm nhận.
1. Lại thêm một cuốn sách được viết ra, xuất bản, đúng dịp Vu Lan. Anh nói, đây là món quà quý để dâng tặng bố mẹ, khi các cụ nếu còn tại vị, tuổi tròn một trăm. Một tổng hợp, tổng hòa về đời sống xã hội đương đại đi cùng nghề báo, nghiệp văn được tác giả trình bày, chắt lọc, tạo điểm nhấn đậm đặc có đôi lúc chỉ lướt qua như gió thoảng, nhưng đó là ý đồ của người viết khi lăng xê bức tranh xã hội Việt Nam thời Đổi mới ở năm thứ 33 và năm thứ 3 của “Quốc gia khởi nghiệp”, được đề cập từ một số nhân vật: Bộ trưởng, lãnh đạo địa phương hay nhà báo, nhà văn, chính khách, nhà văn hóa, nhà xã hội học…
2. Đây là một góc nhìn mở, tầm bao quát rộng về bức tranh toàn cảnh của xã hội đương đại từ chính trị đến kinh tế, từ văn hóa đến xã hội, từ trong nước ra ngoài nước.Và đôi khi là cả chuyện đời tư đẹp, chưa đẹp, được trình bày rõ, sáng, đậm tình, đậm nghĩa, đậm hướng đi lên nhưng đan xen những khoảng tối - đậm, nhạt khác nhau của thời kinh tế thị trường định hướng XHCN. Người đọc sẽ thấy cái đẹp chưa thật hoàn chỉnh, nhưng ắp đầy xu hướng của Chân Thiện Mỹ. Và đó cũng chính là những bức xúc của đời sống xã hội hôm nay, hình như đang đứng ở phía sau cánh gà của sân khấu mà tác giả bỏ lửng, để người đọc tự cảm, tự suy, tự luận bàn. Đó cũng là cái hay, nếu không nói là nghệ thuật… báo và văn tải đạo cho đời của Phạm Quốc Toàn, kiểu “Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà” của cụ Đồ Chiểu xưa.
3. Với hơn 300 trang sách, khuôn khổ sách vừa phải, thật đẹp. Phạm Quốc Toàn dẫn dắt, thủ thỉ, thì thầm chuyện trò theo cách của du khách đi phượt, pha chút bụi trần, châm chích nhẹ nhàng, dí dỏm, nhân văn, hợp thời, hợp hướng, gây hứng thú cho người đọc ở những độ tuổi khác nhau. Hợp hướng chính là “phong thủy”, là định hướng tư duy cho người đọc, trong một thế giới cái hay là dòng chảy chủ đạo, nhưng đây đó đã xuất hiện không ít sự bát nháo, “bố láo - bố lếu” - tên một bài viết trong sách. Đây là sự dũng cảm nhìn thẳng sự thật, một trong những sứ mệnh cao đẹp, lung linh của người cầm bút. Cần lắm thay!
Nội dung cuốn sách gồm 2 phần, như chính tác giả đã phân định: Phần tiểu luận gồm 9 bài viết hàm súc, luận bàn sắc sảo - hợp hướng của nghề Tổng biên tập, định danh cho nghề chủ bút, chủ báo; hợp hướng cho Ngọn lửa nghề - làm nghề báo mà không đắm say, không có Lửa, coi như bỏ nghề. Phần tiểu phẩm gồm 40 bài viết ngắn gọn, mỗi bài là một bức tranh VH-XH, châm chích nhẹ nhàng mà xây dựng bao vấn đề của cuộc sống hôm nay. Phạm Quốc Toàn thực hiện điều mà Bác Hồ - Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã nêu “Nay ở trong thơ nên có thép…” (Cảm tưởng đọc Thiên gia thi). Tác giả sách họ Phạm có thế mạnh viết tiểu phẩm & chính luận. Anh từng làm “chủ chòm” chuyên mục tiểu phẩm Ong Vò Vẽ, Tư Mã Tấu và bình luận ngắn trên Nhật báo Quân đội Nhân dân, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tạp chí Nguời Làm Báo Việt Nam. Ngòi bút tiểu phẩm của Phạm Quốc Toàn thật có duyên, mềm mại mà sâu cay. “Đả” thói hư tật xấu của thời hiện đại, thế giới phẳng tới nơi tới chốn, nhưng đậm tính xây dựng, không nện một búa cho chết ngay; không chọc thẳng mũi dao vào tim cho tim ngừng đập. Tính nhân văn của ngòi bút Phạm Quốc Toàn từ các cuốn sách đã xuất bản trước như Tôi nói bằng mồm tôi (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2014; Con voi chui lọt lỗ kim (Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ, 2018); Đời và nghề (Nhà Xuất bản Văn học, 2013)… và đến lượt Cá chép hóa Rồng là nhất quán, theo trục nhân văn trên, cùng sợi chỉ đỏ lấy trị bệnh cứu người làm trọng, như Bác Hồ đã dạy…
Cách đây không lâu, Phạm Quốc Toàn ra mắt tập bút ký & tiểu luận Lốc xoáy thời cuộc (Nhà Xuất bản Hội Nhà văn, 2017) - đạt Giải cao giải Báo chí quốc gia và tập bút ký chân dung với tựa sách Ký Giả (Nhà Xuất bản Thanh Niên, 2015), một tập hợp 50 chân dung nhà báo đương đại. Lốc xoáy thời cuộc và Ký Giả đang được yêu cầu tái bản. Đường đi, nước bước khi dựng chân dung nhân vật trong tác phẩm báo chí - văn học của Phạm Quốc Toàn có nhiều thú vị, đáo để, dung dị mà sâu sắc, không kể lể nhàm chán, nội tâm sâu lắng, đọc là cảm ngay. Phần tiểu luận trong sách, Phạm Quốc Toàn tiếp tục đi theo hướng đó, khi anh viết về các lão làng: Phan Quang, Nguyễn Hồng Vinh, Trần Bá Lạn, Nguyễn Xuân Lương, Trần Văn Hiền...
Có người gọi Phạm Quốc Toàn là nhà báo “Lão”. Cũng đúng thôi, bởi anh cất tiếng chào đờì vào mùa Thu năm Kỷ Sửu, cầm tinh con trâu. Năm Kỷ Hợi - 2019, anh qua ngưỡng “Thất thập cổ lai hy” có lẻ. Cứ coi Phạm Quốc Toàn là “Lão” báo, lão văn như ai đó đã nói, nhưng tôi xin dám chắc bút lực Phạm Quốc Toàn đang vào lúc sung mãn, anh vẫn đi, vẫn đọc, vẫn nghĩ và vẫn viết hằng ngày. Sự cuốn hút, tính hữu ích, mẫn cán, thông tuệ khi đọc sách của Phạm Quốc Toàn tựa như thủ pháp của Đường thi, hễ mở cửa là thấy núi. Đã đọc trang đầu không thể không đọc hết cả bài, cả cuốn.
Tiểu thuyết Từ bến sông Nhùng (Nhà Xuất bản Văn hóa - Văn nghệ) độ dày 400 trang vừa in xong tháng 3-2019, nay anh ra tiếp Cá chép hóa Rồng. Xin chúc mừng nhà báo Phạm Quốc Toàn, lai láng tình báo, tình văn, tình đời, tình đồng nghiệp tiếp tục trình làng những tác phẩm hay, góp mặt với đời, với nghề./.
Hà Nội, 2.9.2019
Nhà báo NGUYỄN XUÂN LƯƠNG
< Lùi | Tiếp theo > |
---|