Sau hơn 1 giờ bay từ sân bay Tân Sơn Nhất, TP. Hồ Chí Minh, chúng tôi tới thủ đô Bangkok của Thái Lan rồi làm thủ tục nối chuyến, bay tiếp 9 giờ nữa thì đến Cairo, thủ đô Ai Cập (Egypt), đất nước của một trong bảy kỳ quan thế giới - Kim Tự Tháp, nền văn minh cổ đại Ai Cập phát triển rực rỡ, huy hoàng. Ai Cập có dòng sông Nile huyền bí, có Kim tự tháp, kỳ quan nổi tiếng, có bình nguyên và sa mạc, có kênh đào Suez biểu tượng về sức lao động sáng tạo của con người...
Bình minh từ sa mạc Xahara.
5 giờ 30 phút sáng - giờ địa phương - ngày 25.10.2017, máy bay hạ cánh sân bay quốc tế Cairo. Theo múi giờ Cairo, chậm hơn múi giờ Hà Nội 5 tiếng, nếu Cairo là 5 giờ 30 thì Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh đã là 10 giờ 30 phút. Dọc hai bờ sông Nile đang bước dần vào mùa đông, thời tiết se lạnh. Tiếp viên trưởng chuyến bay MS.961 hãng hàng không Thai Airways thông báo, nhiệt độ Cairo thời điểm máy bay hạ cánh là 20 độ C. Gió nhẹ thổi từ Địa Trung Hải, qua vùng sa mạc phủ cát trắng, những rặng cây chà là trái mùa chung quanh sân bay trĩu quả, rung rinh trước gió. Bầu trời trong xanh, những ngôi sao đêm thức muộn lung linh trên nền trời màu nước biển biếc.
Cây chà là Trung Đông 15 năm tuổi.
Với 9 giờ bay, nối liền 2 lục địa Á - Phi, vượt Địa Trung Hải, khác múi giờ, quả là một chuyến bay dài khá mệt, nhất là những vị khách lớn tuổi. Chuyến bay MS. 961 khởi hành từ Bangkok đến Ai Cập không đủ khách, nhiều ghế trống, chúng tôi 1 người chiếm 2 ghế, hoặc 3 ghế, thậm chí 4 ghế đánh một giấc ngon lành. Máy bay hạ cánh, thủ tục nhận hành lý và nhập cảnh đơn giản, chóng vánh, không rườm rà. Nhóm nhà báo TP. Hồ Chí Minh đi cùng đoàn du khách nhận xét, nhân viên mặt đất chẳng cần soi xét, kiểm chứng hành lý như ở sân bay Tân Sơn Nhất, hay sân bay quốc tế Nội Bài - Hà Nội. Trong chúng tôi, có vài ba người đã từng đi và đến trên dưới 30 sân bay quốc tế khắp các châu lục, ít có sân bay nào thủ tục nhập cảnh làm nhanh gọn như sân bay Cairo, dù đây là đất nước lấy đạo Hồi làm quốc đạo. Ngay cả sân bay quốc tế ở Bangkok, đô thị của những nụ cười, thủ tục kiểm soát, nhập cảnh có lúc kéo dài cả giờ đồng hồ.
Dòng người rồng rắn vào Kim Tự Tháp.
Thành phố Kim tự tháp
Ai Cập có chung biên giới với Li Bi ở phía Tây, Sudan ở phía Nam, Israel ở phía Đông Bắc. Ai Cập là quốc gia liên lục địa - châu Á và châu Phi, sở hữu cầu nối lục địa là eo đất Suez giữa châu Phi và châu Á và một cầu nối đường thủy kênh Suez, nối liền Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương. Thủ đô Cairo có hơn 10 triệu dân, kể cả dân vãng lai, số dân đông khoảng 12 triệu, được coi là đô thị lớn hàng đầu của châu Phi. Dòng sông Nile huyền thoại mà hiền hòa, dài 6.695km - dài thứ 2 so với các con sông hàng đầu của thế giới, hơn 3.000km chảy qua lãnh thổ Ai Cập, làm nên kỳ tích nền văn hóa - văn minh phát triển rực rỡ của Ai Cập cổ đại, uốn lượn trong lòng các thành phố ven sông, ven đập nước. Sông Nile nước trong xanh dòng chảy lững lờ, nhiều đoạn rộng vài ba trăm mét, nơi hoạt động của hơn 1.000 con tàu du lịch cỡ 5 sao, 4 sao. Hai bên bờ là những đô thị, làng mạc trù phú, cây trái xanh tươi, những cánh đồng chuối, xoài, chà là ngút ngàn bốn mùa trĩu quả. Xa xa khoảng dăm bảy ngàn mét là những bãi cát bỏng rát kiểu sa mạc; những dãy núi đá cao sừng sững.
Sông Nile nhìn từ độ cao 600m.
Kỳ quan thế giới - Kim tự tháp Ai Cập như chiếc nón lá khổng lồ úp mặt vào lòng đất mẹ, nằm cách bờ sông Nile chỉ mấy km, cách trung tâm thủ đô Cairo hơn một giờ xe hơi, được xây đắp khoảng 2.500 năm trước công nguyên. Cạnh Kim tự tháp Giza hằng đêm có show trình diễn Sound & Light độc đáo - giới thiệu về văn hóa và lịch sử Ai Cập cổ xưa bằng công nghệ hiện đại chiếu sáng tia lade trực tiếp lên các Kim tự tháp, phối hợp cùng âm thanh độc đáo, kèm lời bình đậm chất sử thi rất ấn tượng. Buổi tối 28.10. 2017, đúng 19 giờ - giờ Cairo, khi chúng tôi đến dự đêm hội Sound & Light, các hàng ghế không còn chỗ trống. Ước đoán có vài ngàn du khách tham dự, bầu không khí trang nghiêm - các hoạt cảnh hướng về cội nguồn, miêu tả nét đặc trưng nổi bật - tiếng Anh & tiếng Arab của nền văn minh Ai Cập cổ đại lừng danh.
3 Kim Tự Tháp - kỳ quan của thế giới, điểm nhấn của nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Quần thể Kim tự tháp Giza với Kim tự tháp đồ sộ Cheops được xây dựng bằng sức lao động phi thường của con người, là kim tự tháp lớn nhất trong 3 kim tự tháp chính, công trình duy nhất thuộc 7 kỳ quan thế giới cổ đại còn tồn tại đến ngày nay. Kim tự tháp Cheops được bảo tồn tốt nhất. Bên cạnh Kim tự tháp Mycerinus là tượng nhân sư Sphinx, tượng đầu người mình sư tử - dài 45m, chân dài 16m được tạc từ một tảng đá nguyên khối, thể hiện sức mạnh và quyền lực thánh thần của các vị Pharaoh. Tham quan viện Papyrus nổi tiếng thế giới, ta có thể xem được quy trình làm giấy Papyrus của người Ai Cập cổ xưa; giấy Papyrus được ép chế từ cây cói ven bờ sông Nile, dùng vẽ tranh, miêu tả các kỳ quan từ cây cọ dầu rất bền, có thể cất giữ hàng thế kỷ.
Trung tâm khai thác đá, nơi tập kết vật liệu xây dựng Kim tự tháp.
Xin kể thêm một chuyện vui, cũng là sản phẩm du lịch khá độc đáo của vùng sa mạc Ai Cập. Trên bãi cát trải dài, hàng trăm chú lạc đà xếp hàng chờ sẵn. Mỗi du khách, chỉ cần bỏ ra 15 - 20 đô la là có thể leo lên lưng các chú lạc đà. Lạc đà chở bạn đi vào sa mạc, xa thì cả ngàn met, gần thì 500 mét. Tha hồ chụp ảnh, trải nghiệm các cuộc hành quân… lạc đà xuyên sa mạc của người Ai cập cổ đại, trung đại, hiện đại. Xin méc nhỏ, bạn đã cưỡi lạc đà khi muốn lạc đà quỳ xuống cho ta xuống, nếu bạn không đưa ra mấy tờ đô la, thì miễn nhé. Hình như lạc đà cũng đã được con người huấn luyện… đã cưỡi là phải trả tiền, nếu không tiền, miễn bàn!
Chào ngày mới, chào Xahaea huyền bí!
Hai bờ sông Nile & đô thị của những đập cổ
Không có sông Nile sẽ không có Ai cập, càng không thể có nền văn minh cổ đại Ai Cập phát triển rực rỡ hàng ngàn năm nay, từ trước công nguyên. Vùng Ai Cập nắng cháy da cháy thịt gần như quanh năm, vùng sa mạc rộng lớn, cát cháy bỏng. Dọc ven bờ sông Nile là những bình nguyên trù phú, phì nhiêu, cây cối xanh tốt. Lúa, ngô, tôm cá, bờ dâu, những rừng cây chà là, nho, cam, bưởi, chuối, táo… xum xuê; chà là đặc sản nổi tiếng của Bắc Phi và Ai Cập, sản lượng đạt 50.000 tấn/năm. So với chà là Angieri, chà là Ai Cập quả to, màu sậm, mùi thơm ngọt dịu dàng. Tinh dầu chà còn được coi là thứ dược liệu quý.
Cánh đồng chuối bên bờ sông Nile huyền thoại.
Kiến trúc nhà hộp của cư dân đạo Hồi.
Từ Cairo chúng tôi bay xuôi về hướng Nam, gần hai giờ bay là thành phố Aswan, cách Xudan khoảng 50km. Nơi đây có con đập cổ - hàng ngàn năm nay & một con đập mới mang tên High Dam xây dựng trong 10 năm, 1960 - 1970, tích chứa dòng nước sông Nile, trữ lượng hơn 1 triệu m3. Đập nước High Dam có ý nghĩa lớn với nền kinh tế nông nghiệp vùng phía nam Ai Cập, cung cấp nước tưới cho những cánh đồng phì nhiêu trồng cam, quýt, bưởi, nho táo, ngô, lúa, trồng dâu, nuôi tằm dệt vải… & bên bờ sông Nile. Thị trưởng thành phố Aswan thông báo: “Nếu không có nước tưới từ đập High Dam - từ sông Nile, chỉ vài ba thập niên, các cánh đồng trù phú này sẽ biến thành sa mạc, bởi nắng hạn vùng này rất khủng khiếp”.
Tuyến đường đi bộ bên sông Nile.
Từ thành phố Aswan, dọc sông Nile hướng về phía Bắc hơn 100 km, bên bờ sông Nile là thành phố Luxorx - bờ Tây. Tại đây, chúng tôi được dịp chiêm ngưỡng thung lũng các vị vua. Bắt đầu từ khoảng năm 1550 năm trước công nguyên, do lo ngại nạn cướp mộ, các vị Pharaoh thuộc triều đại đỉnh cao của Ai Cập chọn “Thung lũng các vị vua” làm nơi yên nghỉ ngàn thu hơn là các Kim tự tháp có cấu trúc phức tạp. Các nhà khảo cổ đã khám phá ra 62 ngôi một trong nghĩa trang Hoàng gia rất độc đáo này.
Đường vào khu phố cổ Cairo.
Dưới cái nắng gay gắt của đầu đông xứ sa mạc, chúng tôi tận mắt chứng kiến, đi dọc các hành lang hẹp, dài để đến các phòng mai táng. Các chi tiết trang trí trong từng ngôi mộ rất khác nhau, bởi mỗi thời đại, mỗi vị vua có một quan niệm văn hóa, một phong cách nghệ thuật khác nhau.
Trước cổng khu tượng đài đền Karnak.
Chúng tôi có dịp quan sát toàn cảnh đền thờ Nữ hoàng Hatshepsut - Nữ hoàng đầu tiên trên thế giới, cũng là Nữ hoàng rất hiếm hoi trong thế giới A rập. Cách đền thờ Nữ hoàng Hatshepsut không xa là hai tượng đài đá khổng lồ Colossi of Memnon mô phỏng hình ảnh Pharaoh Amenhotep đệ tam trên ngai vàng. Nhiệm vụ của Colossi được thuật lại là để canh gác cho lối vào của đền thờ, nơi chôn cất Amenhotep. Từng là những đền thờ hoành tráng nhất thế giới Ai Cập cổ đại, nhưng ngày nay, gần như tất cả đã bị cát bụi thời gian cuốn mất, chỉ còn hai bức tượng khổng lồ là còn mãi với thời gian.
Đền Karnak, cách tượng đài Colossi không xa bị hư hại nhiều, nhưng vẫn là điểm đến đầy ấn tượng trong quần thể các tượng đài Ai Cập cổ đại. Đặc biệt nổi bật là sảnh Hypostyle rộng 3.000m2 với 134 cột đá lớn chia thành 16 hàng, vô cùng kỳ thú, minh chứng sự vĩ đại, xuất chúng của người Ai cập cổ đại trong xây dựng các cột đá cổ - ngang hàng thẳng lối, không thể chê vào đâu được.
Một góc sảnh Hypostyle - 134 cột đá cổ.
Đến thành phố Luxorx trù phú, sầm uất, nhóm nhà báo chúng tôi lại nhớ đến đất nước Thổ Nhĩ kỳ, lục địa kết nối Á - Âu, có cùng biên giới với đất nước Syria, nhiều năm nay chìm đắm trong nội chiến, từ cuộc mặc cả bởi chiến lược “quả đấm sức mạnh” của các cường quốc thế giới, bằng cuộc “hành hương” khám phá sự kỳ vĩ hai bờ sông Nile qua khinh khí cầu. Khác với khinh khí cầu Thổ Nhĩ Kỳ, khinh khí cầu Luxorx - Ai cập có sức chứa gấp rưỡi, cùng lúc 20 người có thể bay cao lên không trung 600m, cao hơn khinh khí cầu Thổ Nhĩ kỳ 100m. Trong một khoảng thời gian, chỉ cần cách nhau 5 phút, cả chục khinh khí cầu có thể lần lượt cất cánh, đưa 200 du khách lên không trung. Chỉ cần 2 người điều khiển, khinh khí cầu bay lượn trên bầu trời thành phố ít nhất 60 phút. Tùy theo chiều gió, khinh khí cầu có thể bay lượn dọc ngang đôi bờ sông Nile và hạ cáng khinh khí cầu đúng theo ý nguyện. Có thể coi đây là sản phẩm du lịch rất độc đáo, du khách tha hồ chiêm ngưỡng, quay phim, chụp ảnh toàn cảnh thành phố Luxorx xinh đẹp và mến khách.
Trước giờ bay lên bầu trời ngắm bình minh trên sông Nile.
Đốt lửa chuẩn bị cho khinh khi cầu bay lên bầu trời.
Một góc thành phố Luxor, nhìn từ khinh khí cầu.
Một tuần khám phá sự kỳ vĩ đất nước Ai Cập. Nhóm nhà báo chúng tôi chỉ biết thốt lên hai tiếng; Trên cả tuyệt vời, bởi các cuộc du thuyền dọc ngang trên dòng sông Nile huyền bí; bởi cuộc khám phá sa mạc bằng phương tiện cưỡi lạc đà; bởi ngắm nhìn, chiêm ngưỡng thành phố dọc sông Nile từ trên cao bằng khinh khí cầu. Và trên hết là được khám phá, chiêm ngưỡng các Kim tự tháp, chuỗi đền thờ, tượng đài - sự phát tích vĩ đại của nền văn minh cổ đại Ai Cập, có một không hai.
Một góc phố phường ở Thủ đô Cairo.
Khu chung cư bên bờ sông Nile.
Lẽ đương nhiên đất nước đạo Hồi này vẫn còn khối chuyện chưa hay của thời hiện tại. Còn nhớ cách đây chưa lâu, do tác động không thể cưỡng lại của cuộc “cách mạng hoa nhài - mùa Xuân A-rập” bắt đầu từ quốc gia bắc Phi Tuynidi mà cả đế chế cường quyền Mubarac trị vì Ai Cập ngót nửa thế kỷ sụp đổ. Đế chế cường quyền kéo lùi sự phát triển của đất nước có nền văn minh cổ đại rực rỡ này nhiều thập kỷ. Ai Cập ngày nay vẫn là quốc gia nghèo, so với không ít các quốc gia khác; so với quá khứ vĩ đại, huy hoàng của nền văn minh kỳ quan thế giới; so với tiềm năng, thế mạnh, tài nguyên phong phú - dọc bờ sông Nile. Các đô thị mà nhóm nhà báo chúng tôi đi qua vẫn thường trực mỗi ngày nạn kẹt xe, nhà cửa lụp xụp, ô nhiễm môi trường, nhìn vẻ bề ngoài, phố phường khá nhếch nhác. Và có lẽ điều người ta khó chịu nhất là nạn xin tiền “bo” - xin từ bất cứ cái gì và bất cứ nơi nào. Người ta thường đứng chờ sẵn, mở lời để xin 1 - 2 - 3 USD/ lần - tùy việc, tùy nơi, khi họ phục vụ du khách một cái gì đó nho nhỏ, mà việc đó người ta chẳng cần đến. Ví dụ, tại một tiệm ăn sang trọng, khách ăn xong, tranh thủ “giải tỏa”, khi bước vào khu vực này, một anh hay một chị đã chờ sẵn mở cửa. Và thế là, khi khách trở ra: “dạ, cho em xin”. Hoặc ví như, nơi công cộng, khi ta nhờ một ai đó bấm giúp 1 kiểu ảnh, y như rằng đã có người chờ sẵn, chụp ảnh giúp. Chỉ nhẹ nhàng vậy thôi, nhưng khi họ chụp xong tấm ảnh bằng chiếc điện thoại thông minh, ta cảm ơn họ và chính họ lại mở lời: “Cho em xin (tiền bo)”. Cứ như người Việt ta, người Á Đông, xin tiền “bo” kiểu đó, không chừng chỉ tạo ra sự khó chịu cho du khách mà thôi. Cũng có thể do sự khác biệt về văn hóa, do quan niệm, nhưng với xứ ta, văn hóa du lịch kiểu này, coi bộ không ổn(?)…
Cairo - TP. Hồ Chí Minh, 11.2017
Bài, ảnh: PHẠM QUỐC TOÀN
< Lùi | Tiếp theo > |
---|