Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức nằm trên vùng lãnh thổ Trung Âu. Diện tích 357.021 km2, số dân 82,3 triệu người, rong đó có 53 triệu người theo đạo Thiên chúa. CHLBĐức tiếp giáp với các nước Đan Mạch, Ba Lan, Sec, Áo, Thụy Sĩ, Pháp, Luxembourg, Bỉ, Hà Lan.
CHLB Đức là quốc gia phát triển, là cường quốc kinh tế, cường quốc du lịch, có vị thế và tiếng nói quan trọng trong EU, thu nhập bình quân đầu người đạt 39.614 USD, là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu, chiếm 19 % hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào EU (bằng cả Anh và Pháp cộng lại). Hiện nay có nhiều tập đoàn kinh tế lớn mạnh của Đức có mặt đầu tư tại việt Nam như tập đoàn Siemens, Metro, Mercedes – Benz, Deutsche Bannk …
Tại CHLB Đức có 100.000 người Việt sinh sống, số đông có cuộc sống ổn định, có nhiều đóng góp tích cực, hướng về Tổ quốc, xây dựng quê hương đất nước; 20 % đã nhập quốc tịch Đức. Nhiều trí thức và doanh nhân thành đạt tại Đức, có vị trí tương xứng trong guồng máy xã hội – chính trị nước Đức.
Trân trọng vốn cổ
Nước Đức vào hè. Nhiệt độ ngoài trời vào hôm nắng nhạt, chỉ trên dưới 20 độ C. Sau những ngày đông tuyết phủ, cây cối lại lên xanh. Giữa lòng các thành phố Berlin, Bonn, Munich, Frankfurt…là những thảm rừng mượt mà, các loài chim đổ về xây tổ ấm, ríu rít tiếng chim non. Hoa cúc vàng, hoa hồng đỏ, lan, hướng dương, tulip…nở rộ trên các công viên, hè phố, bờ lan can nhà cao tầng.
Trên các sân bay, ga xe lửa tốc hành, hàng trăm ngàn du khách châu Âu, châu Mỹ, châu Phi, châu Á…đổ về đất nước của “những thiên tài” thế giới, nghỉ mát, tham quan. Tôi tham gia đoàn các nhà báo châu Á, bao gồm Ấn Độ, Bangladest, Neepan, Indonexia, Philippin, Thái Lan, Việt Nam đến CHLB Đức dự hội thảo báo chí “Hợp tác kinh tế với các nước đang phát triển”. Xen kẽ những ngày hội thảo là những cuộc tham quan, dã ngoại, giao lưu đồng nghiệp đầy lý thú.
Tiến sĩ Greiff, đại diện Bộ Hợp Tác Kinh Tế CHLB Đức, trong cuộc trò chuyện thân mật với đoàn nhà báo châu Á đã thông tin đôi nét về sự phát triển của ngành du lịch nước Đức. Ở châu Âu, Đức là một cường quốc du lịch. Với hơn 80 triệu dân, nước Đức có hơn 10.000 điểm du lịch được xếp hạng. Hàng năm, số du khách quốc tế vào CHLB Đức không dưới 20 triệu lượt người. Bình quân, hằng năm người Đức chi 5 tỷ Mac đi du lịch ở nước ngoài.
Hơn 20 năm nay, năm nào nước Đức cũng tổ chức Hội chợ triễn lãm du lịch, thu hút hàng vạn du khách quốc tế tham dự. Du lịch trên sông, ở các khu rừng lớn, trên núi cao, các hang động, tham quan các thành cổ, phố cổ, đền đài thành quách xa xưa trở thành phổ biến, rất được người Đức coi trọng.
Chúng tôi đến Heidelberg, thành phố cổ cách xa Frankfurt một giờ xe hơi. Mới đầu giờ làm việc buổi sáng, khách du lịch các nơi đổ về chật các lối đi vào khu lâu đài. Thành phố cổ Heidelberg đã có quá trình lịch sử phát triển ngàn năm nay. Năm 1907, các nhà khảo cổ đã khai quật được từ đây bộ hàm dưới người tiền sử sống ở Heidelberg vào năm 550 trước Công nguyên. Năm 769 đã xuất hiện ở đây các khu dân cư, làng xã, điền trại, phố cổ. Năm 1155, 1196, 1214 (thế kỷ 12 – 13) các triều đại phong kiến Friedrich I, Friedrich II đã xây thành đắp luỹ, xây dựng các cung điện nguy nga ở Heidelberg, trị vì dân chúng.
Bà Gisele Linz, người bạn đồng nghiệp Đức rất tận tình và mến khách, hướng dẫn và giới thiệu chi tiết với chúng tôi khu du lịch cổ này. Thành phố - lâu đài cổ Heidelberg chỉ có 130.000 dân nhưng hàng năm đã đón 3 triệu du khách thế giới đến tham quan. Số du khách ngủ lại qua đêm mỗi năm là 500.000 người. Bên cạnh các khách sạn cao tầng hiện đại là các “nhà trọ” cổ. Ở đây có hơn 300 nhà hàng, ăn uống và nơi nghỉ trọ qua đêm; có nhiều quán trọ, nhà hàng được xây dựng trăm năm nay, vẫn giữ nguyên vẻ cổ kính xa xưa, từ giường ngủ đến bàn ăn và lễ nghi đón khách.
Heidelberg có nhiều hồ bơi rộng, 8 khu công viên, nhà hát cùng mang dáng dấp cổ. Trường Đại học Tổng hợp Heidelberg là trường đại học cổ nhất của nước Đức, đã đào tạo 27.000 nhân tài cho Cộng hoà liên bang. Thư viện tổng hợp thành phố có 2,2 triệu bản sách cổ và quý.
Một thành phố cổ, bao quanh là rừng cây rậm rạp và những công viên đầy hoa. Tháp cao, lâu đài, thành quách cổ nằm giữa thung lũng núi, nước suối chảy róc rách. Quả là một trung tâm du lịch quyện chặt với thiên nhiên, cây cỏ, quá khứ, hiện tại và tương lai hấp dẫn.
Ở CHLB Đức có gần 200 điểm du lịch, đưa du khách về với thời kỳ cổ, đưa du khách sống lại một thời xa xưa, cách cuộc sống hiện tại sôi động cả ngàn năm, người Đức coi du lịch là quốc sách, dành khoản đầu tư lớn cho công việc xây dựng, tôn tạo các khu du lịch; để rồi du lịch lại tạo ra nguồn lãi lớn, phục vụ con người.
Nhìn người mà ngẫm đến ta!
Sau bốn ngày dự hội thảo tại thủ đô Bonn, 19 giờ 25 phút, đoàn các nhà báo châu Á đáp chuyến bay LH-936 của hãng hàng không Lufthana đến thành phố Munich, phía Nam nước Đức. Ngày hôm sau chúng tôi được hướng dẫn đến thăm khu du lịch Linderhof, cách trung tâm thành phố Munich 80 km.
So với trung tâm du lịch Heidelberg ở ngoại ô Frankfurt, Linderhof “trẻ” hơn. Gọi là “trẻ”, nhưng Linderhof đã tồn tại và phát triển 300 năm nay. Ông Jorge Das Neves, người bạn đồng nghiệp Đức, giới thiệu với chúng tôi quá trình hình thành khu du lịch Linderhof:
Linderhof vốn là thủ phủ của hoàng đế Ludwig II (vua Bavaria). Tháng 8-1866, vua Ludwig II (lúc đó mới 21 tuổi), nối nghiệp vua cha, đã dời đô về Linderhof. Năm 1869, ông đã đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng lâu đài Neuschwanstein xây dựng theo kiểu trung cổ, cả dáng dấp, bề ngoài và nội thất bên trong. Năm 1872, lâu đài “trung cổ” được xây dựng xong, với tổng chi phí tương đương 5 tấn vàng.
Từ năm 1872 đến 1878, vua Ludwig II với cuộc sống vương giả cực lạc, đã cho xây dựng vùng phụ cận khu nhà hát Hoàng gia, công viên Hoàng gia, bể bơi và khu rừng săn bắn Hoàng gia. Vua Ludwig II còn cho đào đường hầm xuyên núi để Vua đi giải trí lúc nhàn rỗi. Ngày nay tất cả những những gì của các Vua chúa được xây dựng từ trước ở Linderhof vẫn được giữ lại nguyên vẹn. Linderhof trở thành khu du lịch cổ nổi tiếng.
Tham quan phòng “khánh tiết” của Vua Ludwig II, tôi gặp ông Gudryn Eusoner, cùng 2 chuyên viên du lịch người Đức. Ông Gudryn Eusoner đã một lần đến Hà Nội, Huế và Hội An. Cuộc trao đổi chung quanh đề tài du lịch “cổ” trở nên cởi mở, ông nói:
- Rất coi trọng du lịch cổ, nên chúng tôi đã đầu tư nhiều công sức để bảo tồn, tôn tạo lâu đài, cung điện kiểu trung cổ cho Linderhof. Ở Việt Nam có không ít các di tích cổ, nhưng hình như các bạn chưa có sự đầu tư đúng mức.
Ông Gudryn Eusoner nói tiếp:
- Chúng tôi rất mê thành phố Huế và phố cổ Hội An của các bạn. Đó là hai trung tâm du lịch cổ rất quý. Điện Biên Phủ của các bạn nếu được tôn tạo cùng sẽ là một khu du lịch cổ. Một hai trăm năm sau du khách nước Pháp và châu Âu và thế giới vẫn cứ “mê ly” nếu được đến chiêm ngưỡng nơi mà tại đó tướng Đờ-cát và nước Pháp bại trận.
Ông Gudryn Eusoner nhắc Điện Biên Phủ làm tôi sực nhớ đến bộ phim mang tựa đề “Điện Biên Phủ” quay ở Việt Nam năm 1991 đang được chiếu rộng rãi ở Bonn, Munich, Frankfurt. Thật dễ hiểu khi bộ phim này đàng là một bộ phim ăn khách ở Đức.
Cuộc trò chuyện đầy lý thú trên đây với người bạn Đức diễn ra ngay trung tâm đại bản doanh của Vua Ludwig II – ông vua xứ Bavaria – nơi mà ngày nay đã trở thành một điểm du lịch cổ nổi tiếng, đã để lại trong tôi một ấn tượng khó quên, gợi lên cho chúng ta những suy nghĩ bổ ích về chiến lược du lịch.
Nhìn người mà nghĩ đến ta. Đúng là ở Việt Nam còn thiếu vốn đầu tư để tôn tạo, xây dựng các khu du lịch cổ như cố đô Huế, phố cổ Hội An và một số nới khác. Nhưng cái chính là tư duy, tầm nhìn làm du lịch. Ý thức người làm du lịch, các cơ quan có trách nhiệm về tôn tạo, bảo tồn các điểm du lịch cổ chưa phải lúc nào cũng thông đồng bén giọt. Không thể không thừa nhận một sự thật: Sự xuống cấp nghiêm trọng các trung tâm du lịch cổ ở ta, ngoài sự thiếu tiền đầu tư, còn có cả nguyên nhân chủ quan – tầm nhìn chưa xa, sự hiểu biết chưa đầy đủ về giá trị du lịch cổ.
Tại thành phố Bonn, thủ đô một thời của Tây Đức, trong cuộc tiếp xúc với đại diện Bộ hợp tác kinh tế Cộng hoà Liên bang Đức, tiến sĩ Greif chỉ lên tấm bản đồ tự ông mang từ Hà Nội, treo trang trọng trong phòng làm việc của ông.
- Tôi đã đén Hà Nôi, thành phố Hồ Chí Minh và cao nguyên Buôn Ma Thuột bạt ngàn rừng cà phê, cao su. Thiên nhiên Việt Nam tuyệt đẹp, rất có lợi thế cho việc phát triển du lịch.
Ông Greiff là người đang phác thảo dự án hợp tác giữa CHLB Đức và Việt Nam về một số lĩnh vực kinh tế, trong đó ông nhấn mạnh sự hợp tác về du lịch. Khi trao đổi về sự hợp tác, tôi đã có đôi lời nhận xét về các trung tâm du lịch cổ của Đức, thông tin cho ông Greiff về giá trị lịch sử - du lịch cố đô Huế, Hội An và sự xuống cấp của nó. Tôi gợi ý với ông, nên chăng có một hình thức hợp tác nào đó để khai thác, đưa đón du khách Đức và châu Âu đến các điểm du lịch Việt Nam.
Đến CHLB Đức tôi được biết từ năm 1985 đến nay, năm nào Việt Nam cũng có mặt tại hội chợ triễn lãm du lịch quốc tế Berlin, một cuộc triễn lãm về ngành du lịch được xem là quan trọng hàng đầu trên thế giới. Gian hàng Việt Nam tại hội chợ triễn làm du lịch Berlin được nhiều du khách và bạn hàng quan tâm. Ông Eberhard Diepgen, thị trưởng thành phố Berlin sau khi đến thăm gian hàng Việt Nam đã thốt lên “Trong tương lai, Việt Nam cũng là một cường quốc du lịch”. Giám đốc gian hàng Việt Nam tại hội chợ du lịch Berlin và giám đốc Văn phòng du lịch Việt Nam tại Hambourg (miền bắc nước Đức) cho biết sự có mặt của Việt Nam tại hội chợ Berlin nhằm mục đích chính là đi tìm thêm thị trường và giới thiệu cho du khách châu Âu biết tiềm năng lớn của Việt Nam trên lĩnh vực du lịch. Hiện nay, số du khách nước Đức đến du lịch ở Việt Nam chưa nhiều, nhưng Việt Nam đã trở nên một trong những vùng du lịch được một số hãng du lịch lớn của Đức chú ý đến. Có một điều quan trọng đáng ghi nhận: số du khách Đức đến Việt Nam đã gia tăng nhanh chóng trong những năm qua. Trong các bảng thống kê các du khách đến Việt Nam, du khách Đức đứng vào hàng thứ năm, sau Nhật Bản, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan.
Phút thư giãn ở thủ đô Berlin
Tại Franfurk, CHLB Đức
Hợp tác con đường đi đến phồn vinh
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí tại Viện phát triển Đức (GDI) ở thành phố Berlin, ông Detief Radke nhấn mạnh: “Ngày nay cùng với sự phát triển kỹ thuật tiên tiến, đời sống của các quốc gia càng không thể tách biệt. Hợp tác là con đường tất yếu để đi tới phồn thịnh.
Quá trình ra đời, phát triển của Viện phát triển Đức đã chứng minh nhận định đó. Viện này nằm trên đại lộ Fraunhoter thuộc Bộ hợp tác kinh tế, của CHDC Đức trước đây, được thành lập ngày 2-3-1964. GDI có các ban theo dõi sự hợp tác phát triển với các khu vực: Trung Cận Đông, Nam Á và Đông Á, Châu Phi, Châu Mỹ La Tinh, Châu Âu – Địa Trung Hải. GDI có đề án nghiên cứu sự hợp tác phát triển với 25 nước đang phát triển. Từ nhiều năm nay GDI có chương trình bồi dưỡng (20 tuần) một số kiến thức cơ bản về hợp tác kinh tế trên các lĩnh vực thương mại, tiền tệ, nông nghiệp…cho sinh viên, chuyên gia các nước châu Á, châu Phi, châu Mỹ Latinh, học viên được cấp học bổng 1.200 mark một tháng.
Tại Berlin, chúng tôi đến thăm Uỷ Ban Tình nguyện Đức (DED) tồn tại song song với Viện phát triển Đức. DED đã gửi nhiều chuyên gia làm việc “Tình nguyện” ở 35 nước thuộc thế giới thứ ba – mỗi nhiệm kỳ “Tình nguyện”, DED tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực giáo dục (xoá mù chữ), y tế (chống sốt rét và các dịch bệnh), nông nghiệp.
Không chỉ ở Berlin, tại Bonn, Munich, Frankfurt đều có các cơ quan Hợp tác và phát triển. Cơ quan phát triển quốc tế tại Munich (Bavaria), có trung tâm rau quả và trung tâm thực phẩm, bề thế khang trang nằm trên khu đất rộng 10 hecta. Các chuyên gia – kỹ sư nông nghiệp từ hai trung tâm này được cử đến một số nước đang phát triển để giúp đỡ họ. Đồng thời nhiều chuyên gia các nước đang phát triển được mời đến Bavaria nghiên cứu kỹ thuật phát triển nông nghiệp tiên tiến.
Tại trung tâm rau quả, cà chua, cải bắp, cải hoa, dưa chuột, hành tây, khoai tây…được trồng thí nghiệm phục vụ cho việc tạo giống, nghiên cứu khoa học trong 4 khu nhà kính rộng 4.000 m2. Bên cạnh nhà kính là các cánh đồng trồng đại trà các loại rau quả. Vườn dưa chuột và những cây cà chua trĩu quả trông thậy thích mắt.
Trung tâm nuôi bò thịt, bò sữa, heo gà, thỏ…được chia thành từng khu riêng biệt. Cơ sở nuôi bò có hơn 100 con đực giống lai tạo từ giống bò Ấn Độ nặng 400-500 kg. Heo thịt, heo cái mỗi con nặng trên dưới 150kg. ông Zimmermann, giám đốc Trung tâm cho biết: Bavaria là một vùng nông nghiệp lớn của Đức. Chúng tôi rất coi trọng việc nghiên cứu các cây con, vừa để phục vụ cho chính nhu cầu lương thực, thực phẩm của đất nước, đồng thời cũng là để tạo điều kiện hợp tác phát triển với các nước nông nghiệp thuộc thế giới thứ ba.
Quan điểm “hợp tác – con đường đi tới phồn thịnh” được thể hiện khá đậm nét trong hội chợ Bạn Hàng Tiến Bộ. Hội chợ Bạn hàng tiến bộ chủ yếu dành cho các nước đang phát triển dường như đã trở thành một hội chợ truyền thống của nước Đức, theo sáng kiến của nước CHDC Đức trước đây. Hội chợ được tổ chức từ năm 1962 đến nay. Tại hội chợ này thường có khoảng một nửa gian hàng thuộc các nước châu Á, số còn lại là các gian hàng thuộc các nước châu Phi và châu Mỹ Latinh.
Nước Đức có 7,3 triệu người nước ngoài định cư, trong đó có khoảng 100.000 người Việt, 20 % trong số này mang quốc tịch Đức, nhiều người là trí thức, doanh nhâh thành đạt. Thế hệ người Việt thứ 2 được đào tạo, học hành bài bản, dân tộc và hiện đại. Cộng đồng người Việt ở Đức tương đối thuần nhất, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng có bài bản, nền nếp. Đó là vốn quý, cầu nối quan trọng, tạo lập nhiều mối quan hệ, hướng về Tổ quốc, xây dựng quê hương.
Hơn 200 doanh nghiệp Đức, trong đó có những tập đoàn mạnh như Siemens, Metro, Mercedes – Benz, Deutsche Bannk … đã có mặt đầu tư tại Việt Nam. Hội chợ Bạn hàng tiến bộ Berlin là thêm một nhịp cầu, một dấu gạch ngang kết nối giữa các doanh nhân Việt Nam và CHLB Đức, hứa hẹn nhiều bước phát triển mởi của quá trình hợp tác kinh tế - con đường dẫn đến phồn vinh, thịnh vượng.
< Lùi |
---|