Từ bến sông quê ra biển lớn

Tôi có “duyên” quen biết với tác giả Phạm Quốc Toàn (PQT) và nhà báo-nhà văn lão thành Phan Quang (PQ) - “nguyên mẫu” nhân vật chính của tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” (TBSN). Không ngại ngần nói điều đó vì nhân vật Phan Hoàng trong tiểu thuyết và “nguyên mẫu” Phan Quang có “biên niên sử” hầu như trùng khớp nhau nhiều điều và đều là những dấu ấn tốt đẹp. TBSN với gần 400 trang sách, là một tư liệu quý, cung cấp cho bạn đọc, cho cả những nhà nghiên cứu rất nhiều chi tiết, sự kiện quan trọng, không chỉ của một nhà nhà báo-nhà văn nổi tiếng mà cả của Hội Nhà báo và các cơ quan báo chí hàng đầu. Cũng dễ hiểu, vì PQ từng là “sếp” một số đơn vị báo chí đó trong nhiều năm. Điều đáng nói hơn là qua hàng loạt chi tiết sự kiện trong cuộc đời làm báo 7 thập ky của PQ, thế hệ các nhà báo trẻ hôm nay có thể thu lượm được rất nhiều kinh nghiệm quý cũng như những bài học về đạo đức nghề báo. Tác giả đã dành hẳn một chương cho vấn đề quan trọng này - chương 7: “Đạo đức nghề nghiệp”. Cái quý giá, sự đóng góp của TBSN rất đáng ghi nhận.

IMG_6780

Với một “nguyên mẫu” như PQ – người vừa được các đồng nghiệp tổ chức lễ mừng thượng-thượng thọ 90 tuổi và 70 năm tuổi nghề; bản thân PQ đã tự thể hiện mình qua hàng vạn trang sách, nếu chỉ để giới thiệu quá trình và “thành tích” của ông thì không có gì khó khăn. Nhưng để viết thành tiểu thuyết thì bên cạnh thuận lợi về tư liệu, lại là sự thách đố tác giả làm sao để tác phẩm tạo ra được cảm hứng cho người đọc trước những điều mới lạ. Nói theo thuật ngữ văn học là tác giả phải “hư cấu” để tạo ra một “thế giới nghệ thuật” đặc sắc, không lẫn với ai. PQT là một nhà báo năng nổ, có nhiều kinh nghiệm, trước TBSN đã xuất bản 11 cuốn sách, nhưng phần nhiều là bút ký, ghi chép, tiểu phẩm, tiểu luận… nên có lẽ không nên đòi hỏi quá nhiều ở một tiểu thuyết đầu tay, nhất là khi tác giả cũng đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Đó là chưa nói đến khó khăn của người viết tiểu thuyết trước một “nguyên mẫu” từng là chính khách có uy tín, là người được công chúng mến mộ, không thể “hư cấu” một cách tùy hứng. “Hư cấu” với một nhân vật như Chí Phèo, hay thầy giáo Thứ, nhà văn Nam Cao không có phải e ngại, cân nhắc cả, nhưng với một lãnh tụ, hoặc chỉ là bộ trưởng đang tại thế, nếu “hư cấu” khác sự thật ngoài đời rất dễ “sinh chuyện”, nhất là nếu tình tiết “hư cấu” không phải là chuyện tốt đẹp theo quan niệm thông thường của xã hội.

IMG_6637IMG_6637

Chỉ xin nêu một khía cạnh của vấn đề: Đã nói tiểu thuyết là có chuyện tình yêu nam nữ, cuộc đời nhân vật lắm thác ghềnh, thậm chí là tai họa; hầu hết những tiểu thuyết hay, nhân vật chính đều như thế và họ trải qua những mối tình đẫm nước mắt cả trước và sau hôn nhân. Với một PQ gần như toàn bích, quả là PQT đã không thể phóng trí tưởng tượng “hư cấu” khi dựng nhân vật Phan Hoàng. Cho dù vậy, nhờ công phu nghiên cứu kỹ cuộc đời PQ, tác giả đã tránh lối trần thuật đơn giản sự nghiệp của nhân vật chính theo trình tự thời gian mà kết cấu tiểu thuyết xoay quanh Lễ mừng thọ Phan Hoàng - sự kiện đó là cái cớ, là tâm điểm để tỏa ra các nhánh làm sáng tỏ nhân cách và dần đậm nét một nhà báo-chính khách có bản lĩnh và những nét riêng thú vị, sinh động.

77e142b5456ba735fe7a77e142b5456ba735fe7a

Lại dẫn trước hết “chuyện tình” trong TBSN: Tác phẩm không có chuyện ngoại tình gay cấn hay đẫm nước mắt, bù lại là mối tình thật đẹp giữa Phan Hoàng và Lệ Kiều, cuộc tình đẹp suốt hơn nửa thế kỷ cho đến nay, khi ông 90 và bà 85 tuổi. Tác giả hé lộ một người tài giỏi và đẹp trai như Phan Hoàng, đã có không ít người đẹp theo đuổi qua câu hỏi một nhà báo với Phan Hoàng: “Em hỏi bác điều này khí không phải, trước một Phan Hoàng đẹp trai, nho nhã, bác có phải “tự vệ” với phái đẹp không ạ?” Thay cho lời đáp, tác giả viết: “Phan Hoàng đã kể về tình bạn một thời của những đồng nghiệp cùng trang lứa, trọng nhân cách, có điểm dừng và ứng xử đúng tình, đúng nghĩa.” Trong số đồng nghiệp ấy, có Bạch Diệp, từng là phóng viên báo từ ngày giải phóng Thủ đô, về sau chuyển ngành điện ảnh, trở nên đạo diễn - nghệ sĩ nhân dân và cuối đời là phu nhân của nhà văn Nguyễn Đình Thi. Trước đó nữa, người đẹp này đã “lên xe hoa” với một “ông vua” thơ tình Việt Nam, mà chính Phan Hoàng cùng đồng nghiệp lo tổ chức “lễ cưới tại biệt thự cạnh cây đa cổ thụ Hàng Trống bên Hồ Gươm”, để rồi sau đó, “đêm nào cô ấy cũng ra ngồi khóc một mình ở vườn hoa canh nông”…

IMG_6791IMG_6791

Trong cuộc đời 90 năm của PQ, đây chỉ là một chuyện nhỏ, nhưng tôi dẫn ra để chứng tỏ “chất tiểu thuyết” của TBSN và cuốn sách này không chỉ có chuyện đời của PQ mà còn nhiều số phận khác, trong đó có Lệ Kiều. Bà xuất thân từ một gia đình danh giá ở đất Quảng. Trong chương “Mái ấm” cuối sách, có đoạn tác giả viết: “Mỗi dịp ghé nhà Phan Hoàng, trước mặt ông bà, Tổng biên tập Hoàng Bách vẫn nói với Lệ Kiều: “Phan Hoàng là nhất, viết sách có Lệ Kiều thẩm định trước. Lệ Kiều là bóng dáng, là bệ đỡ cho sức sáng tạo thanh xuân của Phan Hoàng. Ông “mối” Nguyễn Bổng mà còn, chắc sẽ vui cháy trời luôn”. “Nguyễn Bổng” - là nhà văn Nguyễn Văn Bổng; vợ ông đã hy sinh từ thời chống Pháp và Lệ Kiều chính là em gái của bà… Chất tiểu thuyết của TBSN còn có thể thấy ở những trang văn PQT tả cảnh Hà Nội và nhiều nơi khác sống động, cuốn hút, gắn với nội tâm nhân vật; đặc biệt “Cây đa cổ thụ Hàng Trống” trong khuôn viên tòa báo đã thành một “số phận” được PQT đặc tả hay, rất dụng ý, làm toát lên vẻ đẹp của nhân vật Phan Hoàng

IMG_6780IMG_6780

TBSN còn dành không ít trang về chuyện PQ “đi mây về gió” đến nhiều đất nước trên thế giới, gặp gỡ bạn bè quốc tế. Nhưng dù bay xa đến đâu, dù mùa thu Hà Nội đẹp đến say lòng du khách năm châu, trong lòng PQ luôn nhớ về miền “Gió Lào cát trắng, nắng chát chúa, mưa xối xả, bão gió cuồng điên và chiến tranh tàn khốc”. “Gió Lào cát trắng” là tên chương 2 tác phẩm TBSN. Miền đất ấy có làng Thượng Xá, có bến sông Nhùng “trong ký ức tuổi thơ của Phan Hoàng thật đẹp, yêu nước, yêu bộ đội, tiếp tế cho căn cứ kháng chiến, tuyệt nhiên không bao giờ đo đếm vơi đầy, nhiều ít, thiệt hơn…Những câu hò “bắt chuyện” nằm lòng, để rồi các cô nàng, anh chàng bén duyên… rồi hò hẹn ra bến sông Nhùng, lên chiếc cầu Trắng bắc qua sông gửi mối tình quê theo gió…” Miền quê ấy, từ thời Cần Vương là nơi dừng chân của vua Hàm Nghi trên đường ra lập căn cứ kháng chiến ở vùng núi cao Quảng Bình-Hà Tĩnh và chính nhà vua đã nghỉ lại trong căn nhà ông nội PQ. Cụ từng đỗ cử nhân, “vào Huế làm quan trong triều, ai cũng nể trọng. Cụ nổi tiếng cương trực. Ba lần bị giáng chức vì tội can vua… ba lần được phục chức về kinh…” Quen biết PQ đã lâu, nhưng đọc TBSN, tôi mới biết PQ và tướng Cao Văn Khánh lừng danh là anh em cô-cậu ruột…

4108311129cfcb9192de4108311129cfcb9192de

Từ vùng quê ấy, từ bến sông ấy, PQ cũng như nhiều tên tuổi miền “Gió Lào cát trắng” đã bay cao, bay xa… TBSN, khi gập lại trang sách cuối cùng, người đọc man mác nhớ, man mác về nét đẹp văn hóa - xã hội và đời sống báo chí đương đại… Cái đẹp của TBSN càng thêm ý nghĩa.

(Đọc “Từ bến sông Nhùng” – tiểu thuyết của Phạm Quốc Toàn, NXB Văn hoá-văn nghệ, 2019)

Nhà văn NGUYỄN KHẮC PHÊ

------------------

Linh mua sách

Tiki:
Fahasa:
Nhà sách Phương Nam:
Minh Khai:

 


Chia sẻ liên kết này...

Add comment