Anh Chử Hồng Minh, sinh năm 1980 được đào tạo bài bản về “Ngành công nghiệp không khói” tại Liên bang Thụy Sĩ. Đào tạo là một chuyện, đam mê – sống chết với nghề lại là câu chuyện khác. Chử Hồng Minh – bố mẹ đều là nhà giáo - nhưng anh mê du lịch, trăn trở, sống chết với nó – hiểu và rất mê ẩm thực– sự đam mê đến lạ. Chử Hồng Minh nói ẨM THỰC và DU LỊCH gắn bó với nhau như cặp bài trùng, thúc đẩy nhau phát triển, thăng hoa. Chử Hồng Minh đang là Chủ tịch Chi hội nhà hàng Việt Nam (RAV); Chủ tịch Liên minh Hiệp hội Nhà hàng Đông Nam Á - ASEAN (ARAA); Đại sứ Hiệp hội Du lịch Ẩm thực Thế giới tại Việt Nam (WFTA); Chủ tịch Hội đồng chuyên môn TTS – GROUP.
Lấy cảm hứng từ bông lúa, 1 trong 5 cây lương thực chính của thế giới cùng triết lý âm dương từ câu chuyện cây lúa và Văn hoá ẩm thực Việt…
Một buổi chiều mưa bên biển Vũng Tàu, giọt cà phê biển từng giọt nhỏ tí tách, Chử Hồng Minh kể cho tôi nghe dự định tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế tại Tp. HCM vào dịp cuối năm, với chủ đề “Việt Nam trong tiến trình tiến đến Kinh đô Ẩm thực thế giới”. Nghe nói đến dự định, tôi đã “choáng” bởi quen biết Chử Hồng Minh và gia đình anh đã lâu, nhưng khi nghe anh nói về chủ đề, quy mô, cuộc tập hợp mang tình toàn cầu tới Việt Nam để bàn về ẩm thực Việt Nam thì quả là tôi chưa nghĩ tới. Anh chính thức đề nghị tôi tham gia ban Tư vấn để xuất bản cuốn đặc san khoảng trên dưới 100 trang in, tiếng Việt và tiếng Anh “Việt Nam – Tiến trình đi tới Kinh đô Ẩm thực”. Tôi vui vẻ nhận lời và bắt đầu theo sát cuộc hành trình “Việt Nam - Kinh đô ẩm thực” mà chàng trai quê lúa Thái Bình Chữ Hồng Minh theo đuổi suốt mấy năm nay.
Doanh nhân Chử Hồng Minh (bên trái) người đam mê cùng các cộng sự, hết lòng cống hiến cho sự lan toả của ẩm thực Việt.
RAV – ARAA phối hợp với trường Đại học Kinh tế Tp. HCM và các đơn vị liên quan tổ chức các tọa đàm “Lộ trình Việt Nam tiền tới Kinh đô Ẩm thực”, “Vai trò của Văn hóa trong hành trình hướng tới Kinh đô Ẩm thực” ... Các cuộc tọa đàm gắn với 6 chù đề, 5 trụ cột: Văn hóa ẩm thực, chiến lược và lộ trình, hệ thống đánh giá – xếp hạng nhà hàng, cộng đồng và hệ sinh thái, vận hành xuất sắc và nâng cao năng suất. Nhiều chuyên gia hàng đầu về Văn hóa - Du lịch – Thương mai và Ẩm thực đã có mặt cùng luận bàn…
1. Diện mạo ẩm thực Việt
Ẩm thực Việt Nam với hơn 3.000 món ăn đặc sắc, hơn 1.000 món đã thu thập đủ dữ liệu, rất được thế giới ngưỡng mộ. Du khách đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia đang hướng tới, kinh đô ẩm thực của thế giới. Một chuyên gia hàng đầu về nhà hàng khách sạn nhận xét: “Việt Nam có đầy dủ các tiêu chí tiến tới được thừa nhận là kinh đô ẩm thực. Nền tảng cơ bản đã có, cuộc hành trình để đi tới đó không còn xa”. Ẩm thực Việt cần coi trọng 5 yếu tố: Bổ, lành, ngon, rẻ, đậm đà văn hóa truyền thống Việt.
Các giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý dự tọa đàm “Việt Nam hướng tới là kinh đô ẩm thực thế giới”.
Ẩm thực ngon, lạ, độc đáo, phong phú, mang đậm dấu ấn văn hóa; cách chế biến ẩm thực tài hoa, ngon và sạch, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm; cách phục vụ, cách thưởng thức ẩm thực đặc sắc, mang tính cộng đồng rộng rãi. Đó chính là những đặc trưng cơ bản của ẩm thực gắn với phát triển du lịch. Trên thực tế đang có một nền văn hóa ẩm thực Việt Nam tồn tại, thăng hoa. Điều gì làm nên sự vượt trội của ẩm thực Việt Nam? Ẩm thực góp phần thu hút du khách, thúc đẩy sự tăng trưởng của du lịch. Và đã đến lúc ngành du lịch, Chính phủ cần có một chiến lược quốc gia về ẩm thực Việt Nam.
Báo chí nước ngoài nhận xét Việt Nam và con đường đi tới kinh đô ẩm thực không chỉ mang đậm dấu ấn dân tộc mà còn mang tính phổ quát chung của ẩm thực nhân loại, ẩm thực Đông – Tây, kinh đô của ẩm thực thế giới. Tạp chí Ẩm Thực thuộc Hiệp hội Ẩm thực thế giới, tháng 9 năm 2023 viết: “Ẩm thực là văn hóa, ẩm thực là tinh hoa của một đất nước, một dân tộc. Ảm thực Việt Nam xứng tầm với sự tinh hoa đó”.
Tấm bánh chưng Việt có từ thời Hùng Vương dựng nước, đến nay vẫn không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam khi xuân về tết đến. Người Việt và kiều bào ở nước ngoài, trên mâm quả ngày tết cúng gia tiên, bánh chưng đặt ở vị trí trang trọng. Trải qua hàng ngàn năm, phong tục gói bánh chưng ngày Tết dâng cúng tổ tiên không hề mai một trong tâm thức mỗi người dân đất Việt, thể hiện trời đất giao hòa, nhà nhà đón năm mới sung túc, an lành. Bánh chưng là món ăn truyền thống, nét văn hóa ẩm thực đặc trưng của Việt Nam.
Quang cảnh tọa đàm “Văn hoá ẩm thực”, tại trường Đại học Kinh tế TP.Hồ Chí Minh, ngày 25/5/2024.
Cố đô Huế thể hiện dấu ấn ẩm thực cung đình cả trăm năm nay. Món ăn cũng lắm công phu. Ở đó có những món ăn phục vụ vua chúa, phục vụ giới thượng lưu, nhưng lại rất thuần khiết - dân dã kiểu Huế. Có những món ăn, chỉ riêng nước chấm, các loại gia vị, rau thơm đã là một kỳ công. Rau thơm - gia vị, quả ớt thiêng trồng trên loại đất nào, bón loại phù sa - loại phân hữu cơ nào, trong các món ẩm thực cung đình đều ghi rõ, thực thi với loại đầu bếp nào, đun bếp loại củi gì? Đó là cả một sự kỳ công văn hóa, sự tích lũy và tôi luyện của người cố đô Huế.
Tại tỉnh Hà Nam, về làng Vũ Đại xưa của nhà văn Nam Cao, nơi có mối tình giữa Chí Phèo và nàng Thị Nở yêu nhau bên cái lò gạch, chỉ riêng cá trắm kho nồi đất ủ rơm đã có mấy chục món. Khách thập phương đi ngược về xuôi, vào Nam ra Bắc chỉ muốn ghé làng Vũ Đại để ăn cá kho nồi đất được đun bằng củi cây nhãn lồng trồng ven bãi bồi sông Hồng. Món thịt chim trời ngon, thơm, bổ dưỡng nhưng không được khuyến khích vì gây tổn hại môi trường, dù rằng ẩm thực “Chim to dần” tại Hà Nam là món độc nhất vô nhị. Xôi chim – xôi hấp thịt chim ở Hà Nam ngon và thơm lựng hơn xôi chim Bắc Ninh, do củi đun, do tẩm ướp gia vị, thật lắm công phu!
Làng Vũ Đại - tỉnh Hà Nam, nơi có các “Món ngon quê anh Chí”, đặc biệt là món cá đồng kho tộ nồi đất - đun củi nhãn, du khách nườm nượp đến thưởng thức!
Bộ trưởng du lịch Thái Lan thời ông Thaksin Shnawatra làm Thủ tướng, trong vai lữ khách khi tới Đà Nẵng đứng bên núi Ngũ Hành Sơn đã phát biểu với nhà báo Thái, đăng trên chuyên san du lịch Bangkok Post: “Đến Việt Nam là phải thưởng thức các món ngon, không thể bỏ qua ẩm thực cung đình Huế, mỳ Quảng, bánh tráng cuốn thịt heo Đà Nẵng. Nếu không thưởng thức ẩm thực, chuyến du lích chỉ thành công một nửa”.
Nói tới ẩm thực Việt Nam không thể không nhắc đến phở: Quốc hồn, quốc túy của người Việt. Việt Nam chọn ngày 12 tháng 12 hằng năm làm ngày Phở Việt Nam. Phở Việt khiến thực khách ngất ngây gọi là “thức ăn của Thượng Đế!”. Trong 2 ngày 7, 8 tháng 10 năm 2023 tại công viên Yoyogi, thủ đô Tokyo của Nhận Bản, ngày hội Phở Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân Nhật Bản, du khách nước ngoài và cộng đồng người Việt tại đất nước Phù Tang. Chính khách Nhật, ông Yamaguchi Natsuo, Chủ tịch Đảng Công Minh (Komei) nhận xét: “Thật là đặc biệt bởi niềm tự hào ẩm thực Việt Nam được lan tỏa tử ngày hội PHỞ”. Còn nhớ trên báo Văn, tiền thân của Tuần báo Văn Nghệ Việt Nam ngày nay, từ năm 1957, nhà văn Nguyên Tuân đã tùy bút khi ông đến dự một sự kiện tại quốc gia Phần Lan: “ Ngay bây giờ, bên hồ Otaniemi lạnh giá mà có một tô phở Hà Nội bốc khói nghi ngút thì còn gì bằng, xin đả ngay 6 bát luôn. Phở có hàng trăm năm nay, đi đâu, đến đâu cũng nhớ về Phở - món ăn kỳ diệu của của những người Việt Nam chân chính”.
Cùng với Phở, bún đậu mắm tôm xuất xứ từ Hà Nội ngàn năm văn hiến đã lan tỏa sang bên kia Thái Bình Dương. Năm 2023, phố Chinatown - Manhattan đã xuất hiện nhà hàng ẩm thực bún đậu mắm tôm thu hút hàng ngàn lượt khách Mỹ mỗi tuần. Một cô gái Hà Nội lấy chồng Mỹ đã mang ẩm thực Việt đến bên kia Thái Bình Dương - bún đậu mắm tôm làm đắm say, ngất ngây bao người, cả tây và ta! Cô gái Việt làm dâu xứ người dự định sẽ tiếp tục lan tỏa món ăn độc và lạ này đến các bang khác của Hoa Kỳ, nét tinh hoa ẩm thực Việt.
Nhiều nguyên thủ quốc gia khi đến Việt Nam họ đều muốn được trải nghiệm Văn hóa ẩm thực Việt. Các nguyên thủ chạy bộ, đi xe đạp bên Hồ Gươm, thưởng thức bún chả, bánh tôm, nhâm nhi ly cà phê Việt, vịnh Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Tháng 5 năm 2016, Tổng thống Mỹ Barakk Obama thăm chính thức Việt Nam. Ông đã tới quán bún chả Hương Liên nằm trên phố Lê Văn Hưu ăn bún chả đặc sản Tràng An, sau này mỗi khi du khách có dịp nếm món bún chả, ở bất cứ đâu đều gọi vui, đáng yêu “Bún chả Obama”. Thủ tướng Australia Malcolm Tumbull trước khi tham dự các hoạt động tại tuần lễ Cấp cao APEC do Việt Nam đăng cai năm 2017 bên bờ con song Hàn đã thưởng thức bánh mỳ Quảng kẹp thịt, tại quán bánh mỳ trên đường Trần Văn Thành, Tp. Đà Nẵng.
Du khách tham gia tour xuyên Việt thích thú với đặc sản địa phương: Nem rán và chả cá Lã Vọng Hà Nội, chả mực Quảng Ninh, bún cá và rươi Hải Dương, mì Quảng, cao lầu Hội An,, cơm gà Tam Kỳ, bánh canh Quy Nhơn, bún cá Châu Đốc - An Giang, hủ tiếu Mỹ Tho, bánh mướt An Nhất, bánh khọt, bánh bèo cô Ba Vũng Tàu. Cố Đô Huế vừa có ẩm thực cung đình, vừa có ẩm thực bình dân.
Sức hấp dẫn của ẩm thực Việt Nam trước hết, trên hết là do đất nước này có lợi thế về địa lý trải dài 3.200km bờ biển từ Bắc vào Nam. Việt Nam như một Đông Nam Á thu nhỏ, cầu nối giữa lục địa và hải đảo. Sự khác biệt về địa hình, thời tiết, khí hậu giữa các vùng miền tạo ra sự phong phú, đa dạng của ẩm thực. Việt Nam có 54 dân tộc anh em, mỗi dân tộc đều có món ăn lạ, độc đáo, đặc trưng. Các món ăn nhiều hương vị, muôn màu sắc có điểm chung, đó là sự hài hòa, ngon miệng, đẹp mắt, tốt cho sức khỏe, giàu sắc thái về truyền thống lịch sử, văn hóa.
Trên thế giới, có những quốc gia có khí hậu tương đồng nhưng không có được ẩm thực như ở Việt Nam. Là chủ nhân của nền văn minh lúa nước, người Việt “dãi nắng, dầm sương” công việc nhà nông, lo toan, trăn trở với thiên nhiên. Tâm linh người Việt, vạn vật tồn tại theo quy luật âm dương. Âm dương cân bằng thì vạn vật mới phát triển, trong một con người, trong từng món ăn.
Người Việt, bằng những biến tấu tinh xảo, họ chế tác ra vô vàn món ăn ngon nức tiếng từ hạt gạo. Bánh mì có nguồn gốc từ lúa mạch của phương Tây, khi đến tay người Việt họ đã phối trộn chất liệu và gia vị bỗng biến thành loại bánh mì kẹp ngon nhất nhì thế giới. Từ nền văn minh nông nghiệp đến nền văn minh kỹ thuật số - toàn cầu hóa - đã tạo ra sự thay đổi kỳ diêu về nghệ thuật ẩm thực, văn hóa ẩm thực. Ẩm thực Việt truyền thống đang chuyển mình hướng tới nền ẩm thực xanh, lối sống xanh, kinh tế xanh.
Việt Nam có một nền văn hoá ẩm thực, nghệ thuật ẩm thực. Cùng với sự tác động của khoa học công nghệ - kinh tế số, xã hội số, du lịch số, ẩm thực Việt Nam đã, đang và sẽ cất cánh bay cao – nguồn lực thu hút hàng chục triệu lượt du khách thế giới đến Việt Nam, vui chơi và thưởng ngoạn ẩm thực đặc sắc.
Bàn về ẩm thực Việt, không thể không nói đến ẩm thực các vùng miền, mang đậm nét văn hóa đặc trưng của khu vực.
Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến nổi tiếng các món ăn ngon, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước. Văn hóa ẩm thực Thăng Long xưa, Hà Nội nay không chỉ có nhiều món ngon nức lòng du khách gần xa như chả cá Lã Vọng, bún chả Hàng Than, cốm làng Vòng, bánh đúc Thanh Trì, bún ốc Hồ Tây, Phở Thìn, phở Lý Quốc Sư, phở Lò Đúc, bún than Cửa Nam v.v…
Ẩm thực miền Trung – một điểm đến 3 di sản kết nối cùng nhau, với nhau, thúc đẩy tăng trưởng du lịch. Ẩm thực Đà Nẵng được gọi là những món ăn “Gây thương nhớ” nức tiếng xa gần. Người ta nói danh sách các món ngon ở Đà Nẵng nới dài như bất tận, mỗi thời điểm trong năm có những món ăn mới. Một vùng đất Đàng Trong giàu có về sản vật, đa dạng về môi trường sinh thái và tập quán ẩm thực, có quá trình giao lưu tiếp nối với cố đô Huế, đất Rồng Bay - Thăng Long, với Sài Gòn Gia Định hoa lệ, vời vùng cao nguyên trù phú sản vật; với Nhật Bản và cả vùng Đông Bắc Á, Tây Âu – mà đô thị Đà Nẵng, đô thị cổ Hội An là một tiêu biểu. Nói đến mỳ Quảng là nói đến một món ăn đặc trưng, không khô mà cũng không nước, vị đậm đà, hương vị dân dã lôi cuốn. Món ăn dễ làm, hợp với người ít tiền, dễ mang theo bên người mà no bụng. Mỳ Quảng gà, hay mỳ Quảng gà trứng non, gà sả, gà ta, trộn chút bánh tráng, nước chấm, gia vị rau thơm đặc trưng thơm ngon. Các loại ếch, lươn, cá tràu, thịt heo, bê thui đều có thể chế biến mỳ Quảng. Lại có các món ăn cao lầu Hội An, bê thui cầu Mống, cơm gà Tam Kỳ nức tiếng thơm.
Chợ đêm Phú Quốc, một trong những trung tâm ẩm thực của Đảo Ngọc, được du khách ưa thích.
Bánh tráng cuốn thịt heo là món ăn ngon nức tiếng của Đà Nẵng, xứ Quảng. Bánh tráng được làm từ gạo nguyên chất, thịt heo săn chắc ngọt lịm, nạc và mỡ xen kẽ, luộc chin tới vừa ăn. Rau sống, củ quả thái mỏng, gói bằng bánh tráng đặc biệt, chấm cùng mắm nêm thơm ngon , đậm vị. Người viết bài này nhớ mãi một kỷ niệm đẹp mà vui. Ngày ấy, Đà Nẵng nắng đẹp, gió biển thổi nhẹ, nhận lời mời của nhà báo Phương Hồng, Giám đốc Đài PT-TH Đà Nẵng, Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN, Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan ông Bandhit Rajavanadhanin đi thưởng thức món bánh tráng cuốn thịt heo dưới chân núi Ngũ Hành Sơn. Ông nhà báo Thái khen món ngon độc, lạ. Sau này, không dưới 5 lần có dịp trở về Đà Nẵng ông lại nhắc đến nhà báo Phương Hồng và bữa tiệc ẩm thực bánh tráng cuốn thịt heo. Hai lần đến Đà Nẵng, ông nhờ mua món ngon này đem về Bangkok, gọi cả chục người bạn quý láng giềng đến nhà cùng thưởng thức.
Ẩm thực – Du lịch thăng hoa là vậy, độc - lạ, bổ, lành và ngon, mỗi món một hương vị, mỗi cách chế biến, kể mãi không hết. Xin trích dẫn ý kiến của chính người bạn quý của báo chí Việt Nam, ông Bandhit Rajavadhanin đã đăng trên Nhật báo Bangkok Post thay cho lời kết bài viết ngắn này: “Việt Nam giáu có vô tận, bởi họ có nhiều món ăn ngon. Món ăn ngon là tài sản vô giá, đó chính là văn hóa ẩm thực. Việt Nam có nền văn hóa ẩm thực. Ẩm thực thúc đẩy du lịch phát triển nhanh, bền vũng”.
2. Văn hóa ẩm thực
Từ trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dù bận trăm công ngàn việc chỉ đạo kháng chiến, lo đại sự quốc kế dân sinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” (Hồ Chí Minh Phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, 24/11/1946). Người nhiều lần chỉ rõ, “Tầm nhìn văn hóa dân tộc”” là điều cốt lõi mà bất cứ ai sinh ra và lớn lên trong cuộc đời này đều cần nó, không thể thiếu – văn hóa như cơm ăn nước uống, không khí để thở hằng phút, hằng giờ, hằng ngày.
Một vị giáo sư, tiến sỹ, một thầy thuốc, thầy giáo, nhà văn, nhà báo, nhà sư trụ trì trong chùa, trong nước hoặc ngoài nước … đều cần điều “cốt lõi” là văn hóa – văn hóa ứng xử, văn hóa làm nghề, văn hóa làm thầy, văn hóa làm trò, văn hóa làm cha mẹ, văn hóa làm con, làm cháu… Việc đại sự của một đất nước, một dân tộc, việc sinh hoạt hằng ngày trong một gia đình, một tổ dân phố, một thôn ấp, việc ứng xử trên mạng xã hội … đều rất cần yếu tố văn hóa – văn hóa là CHÌA để mở KHÓA cho mọi vấn đề lớn nhỏ, trong ngoài.
Sư Thích Minh Tuệ đang là một hiện tượng tôn giáo, hiện tượng xã hội được nhiều người – kể cả những người thuộc giới Phật giáo - quan tâm, bàn luận. Tuy vậy, điều “cốt lõi” của văn hóa ứng xử đối với hiện tượng này lại rất khác nhau, góc nhìn văn hóa khác nhau. Đảng và Nhà nước, xã hội tôn trọng tự do tín ngưỡng, quyền theo đạo và không theo đạo, tự do ngôn luận – bày tỏ chính kiến của mình trước một sự kiện xã hội, sự kiện tôn giáo. Tuy nhiên do chỗ đứng, góc nhìn văn hóa, góc nhìn chính trị - xã hội khác nhau mà cách bày tỏ chính kiến, thái độ và quan điểm ứng xử cũng khác nhau, cách phát ngôn trên mạng xã hội, sự luận bàn lúc trà dư tửu hậu cũng không giống nhau. Nói vậy để thấy yếu tố văn hóa trong mọi sự kiện, mọi nơi, mọi lúc là vô cùng quan trọng, thậm chí nó chi phối đến không ít vấn đề có tầm đại sự, trong nước và quốc tế.
Chiến dịch quân sự đặc biệt của Liên bang Nga tại Ukraina đã nổ ra không ít tranh cãi trên mạng xã hội, trong các cuộc đốp chán quán xá, cà phê sáng. Người bênh vực, bảo vệ cách mà người Nga “xử” Ukraina. Người lại đứng ra bênh vực Ukraina yếu thế, rồi nêu bài học quá đắt giá khi quốc gia này chọn phe để chơi, đẩy đất nước và nhân dân vào cảnh chiến tranh, huynh đệ tương tàn? Mỗi cách nhìn, mỗi quan điểm, cách nhìn đều xuất phát từ các góc nhìn văn hóa, cao hơn xuất phát từ quan điểm chính trị - xã hội mỗi người. Tầm nhìn văn hóa có khi chi phối cả cách nhìn, hướng tới suy nghĩ, tình cảm và hành động khác nhau.
Văn hóa ẩm thực không là ngoại lệ. Các bậc tiền nhân – ông cha đã tổng kết, chỉ giáo “Học ăn, học nói, học gói, học mở” – câu tục ngữ mang tính tổng kết về những điều căn bản trong cuộc sống mà ai cũng phải HỌC để có được cách ĂN ở, giao tiếp, cách đối nhân xử thế sao cho lịch sự, tế nhị, có văn hóa – văn minh. Học ăn được cha ông ta xếp lên đầu – trước hết là phải học ĂN, học phép lịch sự trong ăn uống. Đó chính là VĂN HÓA ẨM THỰC, văn hóa ăn uống.
Ăn là vấn đề sinh tồn và đương nhiên. Học ăn cũng là học cách để tồn tại và phát triển. Học ăn là để thấu hiểu, để tường tận về sự ĂN, tìm lời giải hoàn hảo cho 3 vấn đề : tại sao ăn, ăn gì? ăn như thế nào?
Ăn để sống, để tồn tại, ăn có tính bản năng của con người – cũng là của muôn loài. Ăn vì đói để nuôi sống cơ thể, ăn vì đến bữa mà phải ăn, ăn vì giao tiếp - nói vui cũng như là chuyện thường ngày ở huyện. Cao hơn, tầm rộng lớn hơn, ăn để khám phá ẩm thực, để biết món ngon, món lạ, món khoái khẩu.
Ăn cái gì, đây là vấn đề không của riêng ai. Ăn mà để sinh bệnh tật, ngộ độc thực phẩm như người ta vấn nói “Bệnh từ miệng” thì thật nguy hại. Ăn trước hết phải ăn sạch, biết chọn cái để ăn, biết kiểm soát món ăn. Ví như bệnh tim mạch, xơ vữa động mạch mà cứ cháo lòng heo nơi quán xá chén tì tì thì đâu còn là món ăn ngon?
Ăn như thế nào? Trả lời câu hỏi này chính là văn hóa, văn hóa ẩm thực – là HỌC ĂN. Ăn như thế nào đâu phải là ăn nhanh hay ăn chậm mà là sự lịch lãm, tinh tế trong bữa ăn. Tình cảm, tri thức và thái độ sống góp phần điều chỉnh, quyết định trong việc ăn như thế nào. Ông bà ta đã chỉ dạy rằng: Ăn xem nồi, ngồi xem hướng, hãy nhìn người khác mà ăn. Không tham ăn, ăn vừa đủ, ẩm thực có văn hóa, chính là để giải nghĩa, để trả lời câu hỏi: Ăn như thế nào?
Du lịch gắn với văn hóa, văn hóa thúc đẩy du lịch phát triển. Ẩm thực gắn với du lịch, gắn với văn hóa và ngược lại. Nhiều món ăn ngon, nhưng phải là cách ăn, cách thưởng thức có văn hóa, phục vụ con người, làm đẹp lòng du khách. Nạn chặt chém du khách, mài dao sắc để chém du khách, du khách chỉ ghé một lần, không bao giờ họ quay trở lại. Du khách ghé nhà hàng ăn ngon, nhà hàng cần sự thoáng mát, sạch sẽ, không ồn ã, giá cả hợp lý, món ăn sạch – hợp vệ sinh, nhân viên phục vụ chu đáo, lịch sự, tận tình, mến khách, nụ cười luôn nở trên môi. Đó chính là văn hóa ẩm thực, là ẩm thực có văn hóa, lực đẩy cho du lịch thăng hoa.
Phong phú ẩm thực Vũng Tàu "nhậu không say không về !"
Thay lời kết: Việt Nam đang hướng tới bếp ăn của nhân loại, trở thành một trong những kinh đô ẩm thực thế giới, như nhiều nhà nghiên cứu ẩm thực đã luận bàn. Vẫn biết đang có không ít ý kiến nêu ra trên các diễn đàn khiêm nhường, chưa thật yên tâm, còn lăn tăn với mục tiêu này. Điều đó là dễ hiểu.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn có căn cứ và tự tin hướng tới mục tiêu “Việt Nam là bếp ăn thế giới”, là một trong những “Kinh đô ẩm thực của thế giới”. Bởi Việt Nam có nhiều món ăn ngon, món ăn lạ của xứ nhiệt đới gió mùa, rừng và biển. Các món ăn phong phú, đa dạng – có sự giao thoa với các món ăn nổi tiếng của thế giới nay đã thành thương hiệu. Nhiều nguyên thủ quốc gia đã đến chiêm nghiệm, thưởng thức, thật sự có ấn tượng các món ăn Việt. Nhiều món ăn Việt đã và đang lan tỏa ra thế giới. Vấn đề còn lại là Việt Nam cần xây dựng, định chế cho mình một nền VĂN HÓA ẨM THỰC đúng nghĩa của nó.
Thời đại du lịch số, ẩm thực số – Kinh tế xanh, Kinh tế tuần hoàn là cơ hội ngàn vàng để phát triển du lịch xanh, ẩm thực xanh – bữa ăn SẠCH. Hướng tới mục tiêu này, đâu phải chỉ là trách nhiệm của ngành du lịch, của những người yêu ẩm thực Việt? Đây là trách nhiệm, quyền lợi, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, của mọi người, mọi nhà, của cấc cấp chính quyền và nhân dân cả nước.
Tháng 6/2024
PHẠM QUỐC TOÀN