Một tình yêu bao la

Một ngày mùa thu nắng đẹp, cùng đoàn nhà báo Thái Lan, chúng tôi đến thăm trường Dục Thanh - di tích lịch sử cấp quốc gia tại thành phố biển Phan Thiết. Tại đây, đoàn nhà báo chúng tôi bồi hồi cảm xúc nhớ Bác, đặc biệt khi nữ phóng viên Đài PT-TH Bình Thuận du dương ca khúc “Bác Hồ - Một tình yêu bao la”... Chưa đầy một năm sau, vào trung tuần tháng 8-2014 & tháng 5 – 2017,  được sự giúp đỡ của Hội Báo chí địa phương Thái Lan, chúng tôi đã có cuộc hành trình 2000 km “Theo dấu chân Bác Hồ trên đất Thái Lan”. Tại khu di tích lịch sử Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Udon Thani, bài hát “Bác Hồ - Một tình yêu bao la” vừa thiết tha, vừa du dương trầm bỗng lại vang lên… lòng kính yêu Bác lại dâng trào trong mỗi chúng tôi.

tan-man-5-9

Chủ tịch Hội kiều bào tỉnh Udon Thani Vũ Duy Chính (thứ 5 từ trái qua) trao tặng các nhà báo Việt Nam hình ảnh bàn thờ Bác Hồ trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Udon Thani.

Dục Thanh ngày ấy …


Trong chương trình đến thăm và làm việc tại thành phố Phan Thiết của đoàn nhà báo Thái Lan, Chủ tịch Hội Nhà báo Bình Thuận Võ Đình Nghĩa đã dành trọn buổi sáng để các bạn đồng nghiệp đến thăm trường Dục Thanh, nơi thầy giáo Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh trên đường vào Sài Gòn đã dừng lại nơi đây dạy học. Thời gian lưu lại đây không lâu, nhưng Người đã để lại dấu ấn sâu đậm trong hành trình đi tìm đường cứu nước của mình.


Dục Thanh, viết tắt cụm từ “giáo Dục Thanh thiếu niên lòng yêu nước” là trường tư thục đầu tiên ở miền Trung, do các sĩ phu yêu nước Phan Thiết thành lập năm 1907, nhằm truyền bá tinh thần yêu nước từ phong trào Duy Tân. Tháng 9-1910, trên đường vào Sài Gòn, Nguyễn Tất Thành được cụ Trương Gia Mô, bạn của thân sinh cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc giới thiệu lưu lại Dục Thanh dạy học. Thầy giáo Nguyễn Tất Thành, là giáo viên trẻ trong số 7 giáo viên Dục Thanh, đã có phương pháp truyền thụ kiến thức và lòng yêu nước cho thanh niên rất dễ hiểu, dẽ nhớ, dễ làm.


Tháng 2-1911, Nguyễn Tất Thành, với tấm giấy thông hành mang tên Văn Ba chia tay Dục Thanh trong sự lưu luyến - đầy cảm mến của giáo viên và học sinh. Sự nghiệp lớn đang chờ phía trước, và ngày 5-6-1911, chàng thanh niên Văn Ba trong vai phụ bếp đã xuống một chiếc tàu Pháp để đến tận hang ổ của chủ nghĩa thực dân đế quốc, tìm đường cứu nước cho dân tộc Việt Nam. Trước các nhà báo Thái Lan, bài hát “Bác Hồ - Một tình yêu bao la” của nhạc sĩ Thuận Yến, vang lên lay động con tim mọi người, đặc biệt các đồng nghiệp Thái Lan: “Bác Hồ, Người là tình yêu thiết tha nhất trong lòng dân và trong trái tim nhân loại. Cả cuộc đời Bác chăm lo cho hạnh phúc nhân dân. Cả cuộc đời hy sinh cho dân tộc Việt Nam...”

DSC_2634


Hành trình theo dấu chân Bác


Chưa đầy một năm sau, vào trung tuần tháng 8-2014, nhận lời mời của Hội Nhà báo Thái Lan, đoàn nhà báo Việt Nam đến thăm vùng Đông Bắc nước Thái, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đến và hoạt động cách mạng trong khoảng thời gian 1928 - 1930, thời kỳ chuẩn bị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi đến cố đô Ayutthaya, cách Bangkok 72km, Phó tỉnh trưởng, Chánh Văn phòng tỉnh trưởng và các đồng nghiệp Thái Lan tiếp đón trọng thị các nhà báo Việt Nam tại một khách sạn sang trọng của cố đô. Sau đó, theo quốc lộ 21, đoàn nhà báo Việt Nam ngược lên hướng bắc đến huyện Si Thep, tỉnh Phetchabun, cách thủ đô Bangkok 345km. Ông Bul Lewd, cựu Chủ tịch Hội Báo chí địa phương tỉnh Phetchabun, cố vấn của Hội Báo chí địa phương - phụ trách vùng Đông Bắc cùng nhiều đồng nghiệp địa phương niềm nở đón tiếp chúng tôi tại “tư dinh”. Ông Bul Lewd nói:


- Được biết các bạn tìm đến những nơi Chủ tịch  Hồ Chí Minh đã từng hoạt động tìm đường cứu nước trên đất Thái Lan, chúng tôi vui lắm. Con gái tôi dạy lịch sử biết khá kỹ về Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, một người bạn lớn của Thái Lan, một lãnh tụ giải phóng dân tộc không chỉ của Việt Nam mà còn của cả thế giới. Chúc cuộc hành trình của các bạn thành công, chúc tình hữu nghị Thái Lan - Việt Nam và quan hệ báo chí hai nước luôn đơm hoa kết trái.
Chia tay Si Thep, chúng tôi hành trình đến Udon Thani, nơi có đông bà con Việt kiều sinh sống, là một trong những địa phương Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh lưu lại hoạt động cách mạng thời kỳ năm 1928-1930. Trên xe mọi người bồi hồi xúc động nhắc đến nhiều câu chuyện cảm động về cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác Hồ - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh - ông Thầu Chín trên đất Thái Lan. Ngày xưa, thiếu thốn trăm bề, chỉ có đôi chân đi bộ, đi xe đạp hoặc di chuyển bằng các phương tiện thô sơ mà Bác Hồ đã bôn ba hàng vạn dặm đường tìm đường cứu nước, cứu dân tộc thoát khỏi cảnh nô lệ lầm than.

DSC_2642


Udon Thani và Thầu Chín - Hồ Chí Minh


Chập tối, bầu trời mùa thu trong xanh, tại vùng Đông Bắc trù phú Thái Lan, chúng tôi tới tỉnh lỵ Udon Thani. Đông đảo bà con Việt Kiều, hội doanh nhân người Việt tại Udon Thani, đại diện ban Quản lý khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tề tựu chào đón các nhà báo Việt Nam - Thái Lan.


Chủ tịch hội Vũ Duy Chính, Phó Chủ tịch Nguyễn Thanh Huyền, Tổng thư ký Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội doanh nhân Nguyễn Quang Trung, Phó Chủ tịch Lê Thanh Uyên và Chủ tịch, cố vấn Hội báo chí địa phương tỉnh này đã có mặt đón đoàn nhà báo Việt Nam. Đồng nghiệp Thái Lan, đại diện bà con kiều bào - các bà, các chị trong bộ áo dài truyền thống Việt Nam - chờ đón chúng tôi tại khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông Vũ Duy Chính, Chủ tịch Hội người Việt tại Udon Thani bồi hồi nhớ lại:


- Mỗi lần có đoàn công tác từ bên nhà qua Thái Lan, đến Udon Thani, bà con Việt kiều rất vui, niềm vui thật sự từ trái tim, từ tấm lòng của những người con xa xứ. Bà con Việt kiều ở Thái có khoảng 150.000 người, riêng tại Udon Thani là 20.000 người, ở Nakhonpanom khoảng 12.000 người. Bà con định cư lâu nhất đã hơn 90 năm, số đông bà con đến định cư đã được 70 năm. Đội văn nghệ “cây nhà lá vườn” với những bài ca về Bác Hồ, về quê hương, đất nước,  thức thâu đêm ca hát mà vẫn vui như tết.


Giây phút đầu tiên gặp mặt, chị Trần Thị Bạch Vân, thành viên câu lạc bộ văn hóa văn nghệ kiều bào hát ca khúc Một khúc tâm tình người Hà Tĩnh của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý; Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp;  và đặc biệt là ca khúc Bác Hồ, một tình yêu bao la của nhạc sĩ Thuận Yến. Trên đất Thái Lan, giọng hát của chị Bạch Vân du dương trầm bổng tình cảm thiết tha “Bác thương các cụ già xuân về gửi biếu lụa, Bác yêu đàn cháu nhỏ trung thu gửi cho quà. Bác thương đoàn dân công đêm nay ngủ ngoài rừng, Bác thương người chiến sĩ đứng gác ngoài biên cương ...”. Tiếng hát của chị có sức truyền cảm và quyến rũ đặc biệt, mọi người bồi hồi xúc động, cảm xúc dâng trào.

DSC_2746


Tiếp tục hành trình, chúng tôi đến khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang (Nỏng Ôn), xã Xiêng Phin. Chủ tịch Hội kiều báo Vũ Duy Chính; thành viên hội Trần Thị Bạch vân; Chủ tịch Hội doanh nhân Thái - Việt Nguyễn Quang Trung; Trưởng Ban quản lý khu di tích Vũ Ngọc Thành... đã có mặt. Thay bằng mở cửa khu di tích vào 8 giờ sáng hằng ngày, hôm nay 7 giờ sáng bà con đã đến đây tưởng niệm Bác Hồ cùng chúng tôi. Giờ phút trang trọng đầu tiên, mọi người thắp hương, dâng hoa lên tượng Bác. Đúng lúc ấy, giọng hát của chị Trần Thị Bạch Vân, người con gái mang quốc tịch Thái gốc Việt, quê ở huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình lại du dương trầm bổng ca khúc “Bác Hồ, một tình yêu bao la”. Cũng như ở Dục Thanh, tại Udon Thani, các đồng nghiệp Thái - Việt vô cùng xúc động lắng nghe ca khúc, mắt  ai cũng rưng rưng lệ trong tâm trạng đầy kính phục vị cha già của dân tộc.

Không thể diễn tả hết được hình ảnh Bác Hồ kính yêu sống động trong lòng bà con kiều bào ở Udon Thani. Chủ tịch hội, ông Vũ Duy Chính xúc động kể lại, khi mọi người kính cẩn đứng trước tượng Bác:

- Ngài tỉnh trưởng Xaydaphon Rắtanakha, người có tình cảm tốt đẹp với Việt Nam, với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi sự việc phục hồi, xây dựng lại khu di tích. Ngày 29-10-2002 tỉnh trưởng chính thức ký phê duyệt bản tóm tắt dự án phát triển Trung tâm giáo dục và du lịch lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Nỏng Hang (Nỏng Ôn), xã Xiêng Phin. Theo đó Ban huy động vốn, Ban sưu tầm tư liệu, hiện vật; Ban thiết kế xây dựng, Ban quản lý dự án khu di tích ra đời. Ban quyên góp vốn vận động được 600.000 bat. Số tiền này, với sự giúp đỡ của ông huyện trưởng huyện Mương, ban quản lý dự án cho mua ngay 1 ha đất đề xây dựng khu di tích.


Chủ tịch Hội doanh nhân Thái - Việt Nguyễn Quang Trung tiếp lời :


- Sau một thời gian vận động quyên góp tài chính trong bà con Việt kiều, và các doanh nhân người Việt, người Thái, ngày 21.09.2003, chính quyền huyện Mương chính thức làm lễ động thổ xây dựng khu di tích trên khu đất 10.000m2 này. Đầu tiên là xây dựng mô hình nhà Bác Hồ trước đây theo lời kể của nhiều già làng, những nhân chứng đã từng chứng kiến những ngày Nguyễn Ái Quốc - Thầu Chín hoạt động ở đây hơn 80 năm trước, gồm nhà nghỉ, nhà bếp, chuồng lợn, chuồng gà, kho thóc và khu vực khuôn viên như vườn rau, vườn hoa, vườn cây, tường rào. Tiền quyên góp đến đâu, chúng tôi cho triển khai thực hiện dự án đến đó. Được sự hỗ trợ của ngài tỉnh trưởng Udon Thani, huyện trưởng huyện Mương, chính quyền và bà con người Thái ở xã Xiêng Phin, cơ quan Tổng lãnh sự Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh ở Hà Nội, Ban quản lý dự án thực hiện việc xây dựng, tôn tạo công trình công khai, minh bạch, chặt chẽ, đâu ra đấy. Khu Di tích chia làm 3 phần: Khu nhà ở của Bác (mô phỏng nhà ở và làm việc trước đây của Bác); khu nhà đa năng, phòng trưng bày hiện vật, phòng thờ, phòng chiếu phim; khu công viên. Khu di tích lịch sử đẹp đẽ khang trang, tư liệu hiện vật khá phong phú. 


Trưởng ban quản lý khu di tích Vũ Ngọc Thành xúc động kể lại:


- Bà con kiều bào, bà con người Thái ở Udon Thani và nhiều địa phương khác, kể cả nhiều nam nữ thanh niên, sinh viên, học sinh thường đến khu di tích để tưởng niệm Bác, thắp hương dâng hoa lên Bác, báo cáo với Bác kết quả những việc làm có ý nghĩa trong công việc, trong cuộc sống đời thường. Khu di tích trở thành địa chỉ giáo dục tình yêu quê hương, đất nước, lòng tự hào dân tộc rất có ý nghĩa. 


Gần 1000 tài liệu, hiện vật, tranh ảnh, sách báo  trưng bày tại khu di tích Hồ Chí Minh khắc họa đậm nét chân dung của Bác, trong đó có quãng thời gian Bác Hồ hoạt động tại Thái Lan, những năm 1928-1930. Để phát triển phong trào yêu nước chống thực dân Pháp của nhân dân Việt Nam, tháng 07-1928, Nguyễn Ái Quốc từ châu Âu về Thái Lan hoạt động. Khoảng đầu tháng 8-1928, Nguyễn Ái Quốc đã đến Udon Thani sống và hoạt động. Tại Udon Thani, chi bộ Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, Hội Thân ái, Hội Hợp tác đã lần lượt ra đời.

tan-man-5-9-2

Nhà “Hợp tác” tại bản Mạy, tỉnh Nakhon Pannôm – Thái Lan,  nơi Thầu Chín (bí danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh) đã sống và hoạt động trong những năm 1928-1929.


Thời kỳ ở Thái Lan, Bác Hồ  có nhiều tên gọi khác nhau như ông Thọ, Nam Sơn... Tại Udon Thani, Người lấy tên Chín - Thầu Chín. Tại đây, Người trú chân một thời gian khu vực Nỏng Bùa, gần ga xe lửa Udon ngày nay. Sau đó Thầu Chín chuyển về ở tại làng Nòng Ổn, xã Xiêng Phin thuộc huyện Mương, Người sống, làm việc, sinh hoạt, đào giếng, cuốc vườn, gặt lúa, chăn nuôi lợn gà, lập trại cưa như mọi người; thường tổ chức các buổi nói chuyện về cuộc sống, kinh nghiệm làm ăn, chủ trương vận động sâu rộng tinh thần yêu nước, hướng về cố hương, giải phóng đất nước khỏi ách nô lệ lầm than ...                                         
Cuộc hành trình xuyên vùng Đông Bắc tìm lại dấu chân Bác Hồ trên đất Thái Lan đưa chúng tôi đến với Udon Thani thật xúc động. Một  ấn tượng sâu sắc về tình đoàn kết hữu nghị  Việt Nam – Thái Lan,  quan hệ thân thiết giữa báo chí  - truyền thông 2 nước, hình ảnh sâu đậm của Bác Hồ trong bà con Việt kiều, trong lòng nhân dân Thái Lan, về công ơn trời biển của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Tổ quốc, dân tộc.


Ngày ấy, trên đường vào Nam,  cập bến cảng Nhà Rồng vượt trùng dương sang trời Âu tìm đường cứu nước, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã dừng chân lại Phan Thiết, mở trường Dục Thanh dạy học. Một tình yêu bao la được khơi nguồn bắt đầu từ làng Sen, Kim Liên, Nam Đàn,  Nghệ An, nơi Người sinh thành.  Một tình yêu bao la  trải dài  từ Bắc - Trung - Nam, theo dấu chân  Người. Một tình yêu bao la của Bác, của cả dân tộc là sức mạnh dời non lấp biển đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược, xây dựng đất nước phồn vinh, bảo vệ vững chắc bờ cõi biên cương, chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

P.Q.T

Chia sẻ liên kết này...

Add comment