Tác phẩm PQT Chiang Mai - Thành Phố Mới

Chiang Mai - Thành Phố Mới

Chiang Mai là thành phố lớn thứ 2 của Thái Lan, sau Bangkok,  trung tâm du lịch nổi tiếng ở phía bắc, thành phố của nhiều núi cao, với những tòa nhà, dãy phố uốn lượn dọc hữu ngạn con sông Ping xinh đẹp. Khí hậu Chiang Mai k mát mẻ, mùa đông gió lạnh từ phương Bắc tràn về, nhiệt độ có lúc xuống 12-15˚ độ C, nhiều sương mù. Người Thái coi Chiang Mai như Đà Lạt của Việt Nam.Chiang Mai, theo ngôn ngữ bản địa vùng Bắc Thái Lan có nghĩa là “Thành phố mới”. Mới theo nghĩa là tỉnh lỵ - đô thị hóa, quy mô và tốc độ phát triển nhanh. Tỉnh Chiang Mai hơn 1,6 triệu dân có đăng ký thường trú chính thức, riêng thành phố Chiang Mai hơn 700 ngàn dân. Cách thủ đô Bangkok 800 km về phía bắc, Chiang Mai là một trong những trung tâm du lịch - kinh tế - tài chính - thương mại của Thái Lan; phát triển hàng đầu ở khu vực Bắc Thái Lan.

pham-quoc-toan-thai-lan-xu-so-chua-vang_2


Đón chúng tôi tại sân bay Chiang Mai, ông Amnat Jongyotying, cố vấn - nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo các địa phương Thái Lan, Tổng biên tập Báo Pak Nua của tỉnh Chiang Mai, cùng Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Chiang Mai - chủ khách sạn Victoria, hào hứng:


- Giới báo chí Chiang Mai vui mừng được chào đón các đồng nghiệp Việt Nam. 


Chiang Mai là thành phố hoa, thành phố của chùa chiền và nhiều lễ hội đa sắc màu, thành phố của nhiều cuộc thi đấu thể thao hữu nghị, chủ nhà của SEA Games 17 - năm 1995, có nhiều nhà thi đấu đa năng hiện đại. Gọi là “Thành phố mới” nhưng thực ra Chiang Mai là thủ đô của quốc gia Lanna, từ giữa thế kỷ XIII. Những năm cuối thế kỷ XVIII trở về sau, Chiang Mai (và quốc gia Lanna) được sáp nhập vào bản đồ Thái Lan. Cuối thế kỷ XIX, về hành chính, sự sáp nhập vào Thái Lan mới thực sự có hiệu lực. 


Ấn tượng mạnh mẽ đầu tiên khi chúng tôi đặt chân đến Chiang Mai là phong cảnh thanh bình, yên ả. Xen kẽ giữa các khu nhà cổ là những căn nhà vườn kiến trúc tân thời hiện đại. Núp bóng sau rặng cây là những ngôi chùa cổ kính, phố xá sầm uất, nhà cao tầng và tòa thành cổ, tường xây gạch đỏ au. Những dãy phố chạy dọc kênh đào và con sông Ping hiền hòa, êm đềm nước chảy xuôi dòng. Tòa thành là trung tâm lịch sử, văn hóa của Chiang Mai. Bên trong bức tường thành là 30 ngôi chùa cổ kính, mái ngói cong vút, chạm khắc hoa văn tinh xảo hình thù các con vật. Wat Chiang Man là chùa cổ nhất, cùng tuổi với thành phố, xây dựng vào những năm 1296-1297. Wat Chedi Luang lại được coi là ngôi chùa đẹp nhất, xây dựng từ thế kỷ XV, bị hư hại sau một cơn dư chấn động đất.

pham-quoc-toan-thai-lan-xu-so-chua-vang_1


Ngày 25.9.2012, các đồng nghiệp Chiang Mai hướng dẫn chúng tôi tham quan Bhubing Palace, nơi vua và hoàng gia nghỉ ngơi, dịp cuối tuần. Gần 50 km đường bê tông nhựa 4 làn xe, hai bên là những cánh rừng nguyên sinh xanh ngút ngàn. Chiang Mai bảo vệ rừng và trồng rừng khá bài bản. Nữ đồng nghiệp Phongphan Jongyotying, Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Các địa phương Thái Lan cho biết:


- Những người phá rừng và săn bắt thú rừng quý hiếm sẽ bị chính phủ nghiêm trị, phạt tù và đền tiền, buộc trồng lại và chăm sóc số cây rừng bị đốn hạ. Hoa súng tại công viên quốc gia Chiang Mai.


Cách trung tâm thành phố 50 km đường bộ, nằm ở độ cao hơn 1.000 mét so với mặt nước biển, khu biệt điện Bhubing Palace là một rừng cây cổ thụ, nhiều loài cây hiếm lạ, nhiều loài hoa đẹp, được đầu tư chăm sóc đặc biệt, khí hậu ôn hòa, mát mẻ - một khu du lịch sinh thái tuyệt vời, rất được du khách yêu thích.  Dãy chuông tại tiền sảnh chùa Chiang Man, nơi Chủ tịch Liên đoàn Báo chí Thái Lan, ông Bandhit Rajavatanadhanin gõ chuông (chuyển qua điện thoại) cầu nguyện nhà báo Trần Công Mân mau bình phục sức khỏe.

pham-quoc-toan-thai-lan-xu-so-chua-vang_3

Trên đường lên Bhubing Palace, du khách có dịp ghé thăm, chiêm ngưỡng chùa Chiang Man, tọa lạc trên sườn núi cao, rộng 3.000 m2. Đứng trên khu tiền sảnh chùa Chiang Man cao 800 m, đoàn nhà báo chúng tôi quan sát được toàn cảnh thành phố Chiang Mai. Khu chùa có 30 ngọn tháp, 50 tháp chuông. Tại ngôi chùa này, có lần Chủ tịch Liên đoàn báo chí ASEAN, Chủ tịch Liên đoàn báo chí Thái Lan, ông Bandhit Rajavatanadhanin, khi cùng đoàn nhà báo Việt Nam đến đây, qua điện thoại ông đã chuyển tiếng chuông cầu nguyện đến nhà báo, thiếu tướng Trần Công Mân, Phó Tổng thư ký Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam mau bình phục sức khỏe. 


Chúng tôi đến thăm Chiang Mai Night Safari, vườn thú quốc gia tầm cỡ, được chia thành các khu với hơn ngàn loài thú quý hiếm, được sống trong môi trường tự nhiên. Dù là ban đêm, hay ban ngày, bạn đều có thể ngồi trên xe “đặc chủng” vào rừng tham quan. Chúng tôi đến thăm vườn thú vào đêm 26.9.2012, nhằm đêm 11 tháng Tám âm lịch, còn đúng 3 tối nữa là đêm rằm trung thu. Dưới ánh trăng trung tuần và ánh sáng đèn cao áp trang bị trên xe đặc chủng, chúng tôi như lạc vào khu rừng đại ngàn châu Phi, thám hiểm cuộc sống hoang dã của thế giới động vậy kỳ thú. Hổ, báo, sư tử, gấu, bò rừng, trâu rừng, lợn rừng, voi rừng, chó sói; các loài tê giác, hươu, nai, ngựa vằn, hươu cao cổ… mỗi loài được nuôi dưỡng cách biệt, ngăn cách bởi các con kênh đào, lưới sắt cao. Ngôi nhà Việt Nam tại Công viên Thế giới - Chiang Mai.

pham-quoc-toan-thai-lan-xu-so-chua-vang_4


Ở Chiang Mai còn có “Royal Park Rajapruck”, khu du lịch văn hóa quốc gia đặc sắc bao gồm hồ, vườn thượng uyển, cung điện hoàng gia, công viên thế giới. Cung điện Hoàng gia được mô phỏng từ cung điện hoàng gia ở Bangkok, du khách có thể hiểu được phần nào kiểu dáng kiến trúc, ý nghĩa lịch sử, địa lý, văn hóa, chính trị nơi thâm cung bí sử của hoàng triều. Tại đây, mỗi quốc gia có một “ngôi nhà” tự thiết kế theo đặc trưng văn hóa dân tộc mình. “Ngôi nhà Việt Nam” đặt trong “khu vườn lớn gia đình các quốc gia Đông Nam Á”. Phía trước là hồ nước - hoa sen nở quanh năm. Trong nhà, bên phải là hai bức phù điêu lớn - hội chọi trâu Đồ Sơn, Hải Phòng. Bên trái là một góc biểu tượng từ tác phẩm hội họa của nữ nghệ sĩ tài hoa, gốc Huế - Điềm Phùng Thị. Hai đầu “ngôi nhà Việt Nam” là hai cây khế lớn, trĩu quả, bên cạnh “giếng làng” - biểu tượng bình yên của làng quê Việt Nam. 


Văn hóa ẩm thực Thái, văn hóa ẩm thực Chiang Mai thật đặc sắc, phong phú thể hiện trong nhiều món ăn dân tộc. Trung tâm văn hóa ẩm thực Khum Khantoke nằm giữa lòng thành phố. Tại đây, du khách vừa thưởng thức các món ăn, vừa chiêm ngưỡng những màn trình diễn điệu múa, lời ca dân tộc Thái...

Thăm làng gốm Celadon. Chiều ngày 6.11.2014, trong bầu không khí tưng bừng, nhộn nhịp của lễ hội Loy Krathong, Chủ tịch Hội Nhà báo và các đồng nghiệp tỉnh Chiang Mai hướng dẫn chúng tôi đến thăm làng gốm Celadon, làng nghề truyền thống tại 135/4, đường Doisaket Bosang, cách trung tâm thành phố Chiang Mai 30 km. Cơn mưa rừng Chiang Mai càng về chiều càng nặng hạt, gió mùa se lạnh. Sương mù giăng trắng dòng sông Ping. Bà giám đống làng gốm Tassanee Yaja, một phụ nữ tuổi trung niên xinh đẹp, bạn học cùng thời trung học phổ thông với nữ nhà báo, tiến sĩ Phongphan Jongyotying, cựu Chủ tịch Hội Nhà báo Chiang Mai đội mưa ra tận xe đón chúng tôi. Bà Tassanee Yaja niềm nở chắp tay trước ngực lịch lãm chào khách:


- Lễ hội Loy Krathong, làng gốm Celadon vinh hạnh được đón các bạn. Tôi đã đến làng gốm Bát Tràng ở ngoại ô Hà Nội. Làng gốm Bát Tràng bên kia dòng sông Hồng, với những sản phẩm gốm đặc sắc cả mẫu mã và hình thức trang trí, nghệ thuật chế tác hoa văn tinh xảo. Ở miền Nam còn có gốm Minh Long tiếng vang lan tỏa khắp nơi. Việt Nam có nghề gốm truyền thống nổi tiếng. Hôm nay các bạn đến Celadon, đem đến cho chúng tôi niềm vui lớn, vinh hạnh lớn. 


Không cần rào đón xã giao, bà Tassanee Yaja trực tiếp dẫn chúng tôi đến thăm cơ sở làm gốm, trò chuyện với từng nghệ nhân - theo cách nói của bà. Điểm nổi trội trong quan niệm nghề nghiệp, quan niệm sống ở bà Tassanee Yaja là tính nhân văn, tinh yêu thương, nhân ái thể hiện trong từng công việc, ở mỗi sản phẩm hàng hóa tinh hoa. Giám đốc Tassanee Yaja bày tỏ tâm niệm của mình:


- Chúng tôi coi người lao động làm ra sản phẩm của gốm Celadon là những nghệ sĩ tài hoa. Bàn tay lao động thợ gốm là bàn tay vàng sáng tạo của người nghệ sĩ. Chúng tôi rất quý trọng sự khéo léo từ chính đôi tay điêu luyện, nhào nặn nên những tác phẩm nghệ thuật. Họ đã sáng tạo ra những sản phẩm nâng tầm văn hóa Chiang Mai, văn hóa Thái Lan. Chăm sóc cuộc sống của người lao động chính là chăm sóc sự sinh sôi của văn hóa, của nghệ thuật, của tinh hoa đời sống tinh thần. 


Bà giám đốc Tassanee Yaja nói tiếp:


- Ở đây không có quan hệ chủ thợ. Từ giám đốc đến người lao động trực tiếp, mọi thành viên ở làng gốm Celadon là một tổ ấm gia đình sáng tạo. Chúng tôi đã học được ở làng gốm Bát Tràng của Việt Nam về điểm này. Cả nhà - từ thế hệ này nối tiếp thế hệ khác, từ dòng họ này qua dòng họ khác, gốm Bát Tràng cứ vậy mà sinh sôi, phát triển lâu trời hàng trăm năm nay. Cả làng là một khối, sự gắn kết tinh hoa của vài ba dòng họ. Họ là những người anh em trong một gia đình. Tại Celadon, tuy chưa có tinh thần dòng tộc cha truyền con nối, nhưng chúng tôi sống với nhau, chăm lo cho nhau, kết nối với nhau như những người anh em trong một nhà. 


Dẫn khách đến phòng trưng bày sản phẩm, bà Tassanee Yaja giới thiệu chi tiết về lễ hội Loy Krathong, về nét hoa văn - hoa đăng trên các sản phẩm gốm, đậm chất văn hóa Chiang Mai. Khách chọn mua ca uống nước có nắp đậy. Nắp ca có nhiều loại. Khách chọn nắp ca có hình hoa sen. Các nhân viên tiếp thị đi tìm hàng, 5 phút sau quay lại trả lời “Loại nắp ca hình hoa sen không còn”. Khách hàng đành chấp nhận. Hàng được gói cẩn thận. Chưa đầy 10 phút sau, bà giám đốc mang đến cho khách chiếc ca có nắp hình hoa sen, từ tốn:


- Xin lỗi, tôi đã tìm được chiếc ca có nắp hình hoa sen. Và bà giám đốc đã tự tay gói lại nói lời cảm ơn khách hàng. 


Quả là, chỉ với một người giám đốc yêu nghề, tận tâm, am tường công việc, lịch lãm chu đáo với khách hàng mới có sự ứng xử như thế. Bà thông báo, hiện tại mỗi tháng Celadon sản xuất trung bình 5 tấn sản phẩm gốm, mỗi năm sản xuất 60-70 tấn, với gần 200 chủng loại gốm cao cấp. Gốm Celadon không chỉ đẹp về mẫu mã mà còn có độ bền chắc, được chắt lọc trong các lo nung nóng 1.2000. Nguyên liệu gốm được nhào nặn từ nguồn tài nguồn đất đen tại chỗ. Gốm Celadon được xuất khẩu qua thị trường Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Trung Quốc và các quốc gia châu Âu...


Làng gốm Celadon rất quan tâm các hoạt động xã hội. Mỗi năm có hàng ngàn lượt học sinh, sinh viên đến học tập, tìm hiểu làng nghề truyền thống, giáo dục cho các em ý thức học tập liên hệ với thực tiễn đời sống văn hóa. Làng gốm Celadon chi nhiều triệu bạt mỗi năm chăm sóc người nghèo, trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh khó khăn, mỗi quý một lần tổ chức hiến máu nhân đạo, giúp cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo. 


Một bữa cơm tối dành cho các nhà báo Việt Nam, với những món ăn dân tộc - ẩm thực miền Bắc Thái Lan, những câu chuyện về cuộc thi làm đèn hoa đăng, làm gốm, làm công tác xã hội từ thiện, chuyện làm giàu nhưng không bao giờ lãng quên trách nhiệm xã hội, trách nhiệm cộng đồng của nhà báo và những doanh nhân thành đạt, giàu lòng nhân ái. Một buổi chiều tối đến với làng gốm Celadon - Chiang Mai đã để lại trong chúng tôi những ấn tượng khó quên.     Một chuyến đi ngắn mà có bao điều thu hoạch, cảm tác, ghi nhận. 


P.Q.T (Trích “Xứ sở Chùa Vàng)”

Chia sẻ liên kết này...

Add comment