Tác phẩm PQT Cuốn tiểu thuyết sinh động về nghề báo

Cuốn tiểu thuyết sinh động về nghề báo

(Đọc Tiểu thuyết “Từ bến Sông Nhùng” của Phạm Quốc Toàn, NXb Văn hóa - Văn nghệ, tháng 1/2019)

NGUYỄN HỒNG VINH*

Sáng đầu năm, tôi vui đến ngỡ ngàng khi nhận được “quà xuân” của bạn đồng nghiệp lâu năm từ thành phố Vũng Tàu gửi tặng qua bưu điện. Ngỡ ngàng vì mới cách đây mươi hôm, nhân đọc bài báo của anh, tôi nhắn tin chia sẻ: “bài viết này thể hiện khả năng viết tiểu thuyết của anh!”. Đâu ngờ hôm nay, cuốn tiểu thuyết “Từ bến sông Nhùng” của chính anh - tác giả Phạm Quốc Toàn, do NXB Văn hóa - Văn nghệ xuất bản, nộp lưu chiểu tháng 1/2019, đã hiện hữu trên tay! Với 393 trang khổ 14,5 x 20,5 cm, tôi lướt nhanh có 9 chương với các tên gọi mang tính thời sự cuốn hút: Chín mươi và bảy mươi; Gió Lào cát trắng; Nghề báo - nghiệp văn; Nhà báo, bạn là ai; Từ báo in đến báo nói; Người về, tầm nhìn ở lại; Đạo đức nghề nghiệp; Dấu ấn những sân chơi; Mái ấm. Như vậy, 7 trong số 9 chương, với những ai là nhà báo không thể không quan tâm một cuốn sách đề cập một nghề cao quý đi liền gian nan, vinh dự đi liền trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội… Với suy nghĩ ấy, tôi đã gạt công việc đang làm, đọc liền mấy ngày, gạch dưới từng đoạn; và nhiều lúc suy ngẫm từng chi tiết, từng sự kiện, từng nhân vật… được tác giả đề cập trong tiểu thuyết.

f792dd1e3b17d9498006

Nhà báo Hồng Vinh.

Song, không chỉ suy ngẫm về những vấn đề chủ yếu nêu trên, mà càng đọc, tôi càng liên tưởng và tự hỏi mình: phải chăng đây là cuốn tiểu thuyết văn học thuần túy, vì trong thực tế, các nhà nghiên cứu còn chia nhỏ ra khoảng trên dưới 20 loại “Tiểu thuyết con”: tiểu thuyết lịch sử, tiểu thuyết võ hiệp, tiểu thuyết trinh thám, tiểu thuyết hình sự, tiểu thuyết tâm lý xã hội, tiểu thuyết triết học, tiểu thuyết tâm linh v.v…; và những năm gần đây nổi lên loại “tiểu thuyết ngôn tình” du nhập từ Trung Quốc. Soi vào nội dung cuốn sách của Phạm Quốc Toàn, tôi mạnh dạn gọi nó là tiểu thuyết chân dung - lịch sử? Nêu điều này, vì qua gần 400 trang sách, nhân vật trung tâm là nhà báo, nhà văn Phan Hoàng, đã qua 90 tuổi đời và 70 tuổi nghề, sinh thành từ bến sông Nhùng ở miền “gió Lào cát trắng”, rời ghế nhà trường đi theo cách mạng, gắn bó cả thời trai trẻ với tờ báo Cứu Quốc Liên khu 4 trong những năm chống thực dân Pháp; tới tháng 10/1954 theo đoàn quân vào giải phóng Thủ đô, được tổ chức phân công nhận nhiệm vụ tại báo Nhân Dân, một tờ báo Đảng lớn nhất của đất nước; từ đó mang bút danh Phan Hoàng dưới sự chỉ đạo, dẫn dắt của Tổng Biên tập Hoàng Bách. Lịch sử của tờ báo Đảng cũng như nền báo chí cách mạng Việt Nam nói chung gắn liền với lịch sử thăng trầm của đất nước qua 70 mùa xuân mà Phan Hoàng một lòng theo Đảng, đam mê và sáng tạo với nghề báo, nghiệp văn; đau đáu từng đề tài thời cuộc, trăn trở từng con chữ, ý văn; nhẹ lòng và thanh thoát khi đồng nghiệp sẻ chia, khích lệ trước mỗi bài viết thành công; suy tư và nghiêm khắc với bản thân trước mỗi sai lầm, vấp váp trên từng cương vị đảm nhiệm, từ phóng viên thực thụ của tờ báo Cứu Quốc Liên khu 4 và báo Nhân Dân, đến cương vị cán bộ quản lý - Vụ trưởng, Trưởng ban Nông nghiệp, Ủy viên Ban Biên tập báo Đảng, rồi Vụ trưởng Vụ Báo chí - Ban Tuyên huấn Trung ương; tiếp đó là Thứ trưởng Bộ Thông tin, rồi Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội (ba khóa liên tục), và về hưu ở tuổi 75 sau gần 10 năm làm Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông có hai nhiệm kỳ 10 năm làm Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Ngần ấy mốc thời gian trong 70 năm đời báo, đời văn, bao nhiêu vui buồn đan xen, bao ngọt ngào, đắng đót… được miêu tả sinh động qua các trang viết của Phạm Quốc Toàn. Thật thú vị và thuyết phục bạn đọc, nhất là các nhà báo khi soi chiếu vào nhân vật Phan Hoàng, dễ nhận ra một nhân vật nguyên mẫu đang hiện hữu bằng xương, bằng thịt trong đời sống thật hôm nay, được đồng nghiệp nể trọng và xã hội tôn vinh, được bạn báo, bạn văn nhiều quốc gia coi là người bạn thân thiết, vì thật sự là nhà báo, nhà văn, nhà văn hóa; một chính khách, dịch giả tài ba - người kết nối nhịp cầu hữu nghị giữa các dân tộc trên hành tinh thông qua các trang sách viết ra từ trái tim yêu Đảng, yêu nước, yêu dân cháy bỏng. Rõ ràng, với nội dung được tác giả đề cập, tôi gọi tiểu thuyết của Phạm Quốc Toàn là loại tiểu thuyết chân dung - lịch sử (với nội hàm đó, nhà lý luận văn học Nga Bê-lin-xki gọi là tiểu thuyết sử thi - đời tư). Theo tôi, đây chính là nét đặc sắc của cuốn tiểu thuyết này; và đó cũng là thành công nổi bật của tác giả.

bsn_13

Bằng đam mê nghề báo khi còn là học sinh khóa I, Trường đại học báo chí; ra trường về công tác tại báo Quân đội nhân dân, trở thành cây bút xông xáo dọc dài đất nước, nửa cuối đời gắn trọn với mảnh đất phương nam, liên tục ba khóa là Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập báo Bà Rịa - Vũng Tàu, rồi hai khóa làm Phó Chủ tịch Chuyên trách Hội Nhà báo Việt Nam, Phạm Quốc Toàn có dịp tiếp xúc hầu hết với các nhà báo gạo cội, các phóng viên tài danh… trong làng báo Việt Nam. Vì vậy, các trang viết trong cuốn tiểu thuyết này ngồn ngộn sự kiện báo chí thời đổi mới, với các tuyến nhân vật tiêu biểu cho cả hành vi tích cực và tiêu cực của người làm báo trong thời cơ chế thị trường. Một diện mạo mới của nền báo chí cách mạng Việt Nam với nhiều gam màu sáng là chủ đạo, nhưng đã và đang bộc lộ cũng như tiềm ẩn nhiều nguy cơ xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp báo chí, mà tác giả cùng dư luận xã hội đang cảnh báo và phê phán. Điều đó cắt nghĩa vì sao trong gần 400 trang tiểu thuyết, tác giả tập trung miêu tả, phân tích, lý giải hai câu hỏi cực kỳ quan trọng đang hiện hữu trong thực tiễn báo chí hôm qua và hôm nay: Nhà báo, bạn là ai?; Những tố chất nào cấu thành đạo đức nghề nghiệp nhà báo? Tôi nể phục tác giả đã kỳ công sưu tầm, chắt lọc, tìm cách thể hiện chiều sâu những tư liệu, sự kiện, chi tiết đắt giá thông qua nhiều diễn biến hệ trọng của đời sống đất nước và quốc tế cùng thực tiễn tác nghiệp phong phú, đa dạng của đội ngũ làm báo, đã tác động trực tiếp tới suy nghĩ và việc làm nhiệt huyết, bền bỉ của nhân vật Phan Hoàng nhằm góp sức tìm câu trả lời có sức thuyết phục hai câu hỏi lớn nêu trên. Tôi coi đây là thành công quan trọng thứ hai của cuốn tiểu thuyết.

bsn_2

Tác giả bên cầu Nhùng, Quảng Trị.

Thành công của cuốn tiểu thuyết, ngoài nội dung thời sự, thì cách thức xây dựng nhân vật điển hình, chọn chi tiết điển hình; cách cấu trúc chương mục hợp lý; sự diễn đạt các sự kiện theo thời gian đan xen quá khứ và hiện tại… để làm nổi rõ chủ đề, quả thật là vấn đề không dễ chút nào, nhất là khi tác giả xây dựng nhân vật Phan Hoàng lấy từ nguyên mẫu của làng báo Việt Nam qua 70 năm hành nghề đầy sôi động. Với cách diễn đạt nhẹ nhàng, uyển chuyển, có điểm dừng, tác giả đã kết hợp hài hòa giữa miêu tả và tự sự, giữa bình luận và đối thoại, giữa hoài niệm và hiện tại… tạo nên những trang viết sống động, hấp dẫn, nhất là những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật khi về thăm lại bến sông Nhùng, nhớ về ông bà, cha mẹ, anh em một thời gian khó; những chuyến về nguồn; những kỷ niệm khó quên với các nhà thơ, nhà văn Chế Lan Viên, Nguyễn Văn Bổng, Giáo sư Hoàng Trinh, nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương…; các nhà báo, nhà văn quốc tế lừng danh, như Wilfred Burchett, Jean Lacouture, Jacques Danois, Alain Decaux; cựu Chủ tịch Liên đoàn báo chí Thái Lan, ông Bandhit Rajavadhanim… Đặc biệt là lời góp ý chân tình, sâu sắc của Bác Hồ khi Người đọc bài viết của Phan Hoàng về chuyến thăm và làm việc của Bác tại một tỉnh đồng bằng; những cuộc gặp, làm việc với Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh… chung quanh “chuyện bếp núc” của báo chí…, đã là nguồn nhựa làm nên hồn báo, hồn văn của Phan Hoàng. Nói rộng ra, đó là căn nguyên để diễn đạt chiều sâu cái nghề thật quang vinh, cao quý, nhưng vô cùng gian nan, thậm chí nhiều khi gặp hiểm nguy của chiến tranh, hoặc sự gian manh, đố kỵ của chính một số đồng nghiệp với lương tâm, động cơ không trong sáng…

bsn_18

Nồng ấm đồng nghiệp bao chi 2 thế hệ (cùng gia đình nhà báo lão thành PQ)

Thông qua các hoạt động nghiệp vụ của Phan Hoàng, tác giả đã đúc kết một quy trình cần có để làm ra một sản phẩm báo chí có chất lượng: Đọc - Đi - Nghĩ - Viết. Nhưng đó mới chỉ là khâu đầu tiên; vấn đề quyết định chất lượng một bài báo là phông văn hóa, vốn sống thực tiễn, cách thể hiện sinh động, sâu sắc. Vì vậy, để trở thành một nhà báo đích thực, theo lời tâm sự của Phan Hoàng, mỗi nhà báo cần thấm sâu lời dạy của Bác Hồ: học trang sách, học trang đời, học lẫn nhau, cố gắng viết cho đúng, cho hay để có nhiều người đọc. Phan Hoàng là tấm gương mẫu mực về tự học, về đức tính cầu thị, khiêm tốn, kiệm lời..., nhưng khi cần bảo vệ cái đúng trong “khoán hộ” ở tỉnh P.; khẳng định những phẩm chất tốt của một nhà khoa học khi bị đánh giá sai…, tác giả đã lên tiếng kịp thời bằng bản lĩnh và chính kiến theo phương châm “nói có sách, mách có chứng”, đầy sức thu phục nhân tâm. Đó cũng là bí quyết làm nên một Phan Hoàng có thật hôm nay qua 70 năm hành nghề, để lại cho đời một khối lượng tác phẩm đồ sộ với rất nhiều thể loại, rất hữu ích cho các thế hệ nhà báo hôm nay và mai sau.

8a6b5777a77c45221c6d

Nhà báo, nhà văn Phan Quang; Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng (thứ 3 phải qua), tại TP. Đông Hà, 8.2018.

Xin chúc mừng thành công cuốn tiểu thuyết đầu tay của Phạm Quốc Toàn. Tôi tâm đắc câu thơ của Mãn giác Thiền sư, được nhà báo Nguyễn Xuân Lương dẫn ra trong bài viết về cuốn tiểu thuyết này của Phạm Quốc Toàn: “Chớ tưởng xuân tàn hoa rụng hết/ Đêm qua sân trước một nhành mai”.

Hà Nội, 20/2/2019

-----------

* Phó GS, TS Nguyễn Hồng Vinh, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TW; Nghuyên TBT Báo Nhân Dân, nguyên Chủ tịch Hội NBVN; nguyên Chủ tịch Hội đồng Lý luận - Phê bình VH-NT Trung ương

Chia sẻ liên kết này...

Add comment