Tác phẩm PQT Lặng lẽ mà sâu sắc, nghĩa tình

Lặng lẽ mà sâu sắc, nghĩa tình

1

Nhà báo Lê Hữu Quế (bên phải) và nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, Tiến sĩ Đăng Duy Báu

Mùa Thu Hà Nội – 2017. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - cờ đỏ sao vàng rợp trời Ba Đình từ mùa Thu ấy, đến nay đã 72 năm. Phạm Quốc  Toàn điện thoại cho tôi:

-  “Bò ăn lúa hợp tác xã” ơi, QT vừa Sài Gòn bay ra,  phóng ngay ra Thủy Tạ, bờ Hồ Gươm nhé!

Tôi đang loay hoay  mấy đống sách báo, đành xếp qua bên gọi taxi, cứ nhằm Thủy Tạ mà lao đi. Cha Q.T này có trí nhớ tuyệt, ít nói mà cái gì cũng biết – bạn bè gọi là “ma xó”, cái gì cũng nhớ, nghĩa tình với bè bạn thì khỏi chê. Chuyện “bò ăn lúa hợp tác xã” của  thân phụ tôi ở quê (Hà Tĩnh) gần nửa thế kỷ rồi, bị bí thư Đảng thôn xã ghép cho tội “phá hoại tài sản công”  mà Q.T cứ gọi là nhớ vanh vách, viết được cả một bút ký mấy chục trang giấy, bái phục.
Lập nghiệp, định cư trong Nam, mỗi lần bay ra Hà Nội là Phạm Quốc Toàn lại điện thoại cho bạn bè tếu táo chuyện đời, chuyện quê hương, đồng nghiệp, chuyện hội khóa khoa báo chí hơn nửa thế kỷ. Phạm Quốc Toàn là bạn học cùng lớp Đại học Báo chí – Xuất bản khóa I trường Tuyên giáo Trung ương (1969 – 1973). Ra trường tôi về Tuần báo Thống Nhất rồi lên Vụ Báo chí, Ban Tuyên giáo Trung ương. Phạm Quốc Toàn làm báo Quân đội Nhân dân, trở thành cây bút bình luận quốc tế sắc sảo. Sau đó, do hoàn cảnh gia đình, anh chuyển vào làm Tổng Biên tập Báo Vũng Tàu – Côn Đảo rồi Tổng Biên tập Báo Bà Rịa – Vũng Tàu. Mặc dù ở xa nhau và không cùng một cơ quan nhưng tôi và Phạm Quốc Toàn vẫn có mối quan hệ thân tình, gần gũi, luôn quý trọng lẫn nhau.
Gần nửa thế kỷ là đồng nghiệp, đồng môn, tôi nhận ra ở Phạm Quốc Toàn từ ngày còn là học viên mới vào trường – từ một đơn vị quân đội trở về - cho đến khi trở thành một cây bút bình luận quốc tế có uy tín của báo Quân đội Nhân dân rồi giữ các cương vị Tỉnh ủy viên nhiều khóa, Tổng biên tập báo Bà Rịa – Vũng Tàu vài thập niên, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo gần chục năm, Phó chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam hai khóa liền, anh vẫn sống chân thành, thủy  chung, đầy ắp nghĩa tình  với đồng nghiệp, bạn bè. Đặc biệt, anh có một trí nhớ tuyệt vời, một khả năng chiêm nghiệm, nhìn nhận, phán đoán, đánh giá biện chứng, rất tinh tế, đúng bản chất con người và sự kiện. Phải chăng đó chính là vốn sống, là kinh nghiệm làm báo do anh đã dày công tích lũy, là trí tuệ, là khả năng tư duy sáng tạo và  bởi “cái nghiệp” thường phải đi, nghe, đọc, viết, suy ngẫm chuyện đời, chuyện nghề . Mấy năm gần đây, chỉ trong một thời gian ngắn, Phạm Quốc Toàn đã liên tục cho ra 11 đầu sách có độ dày và chất lượng đáng nể. Anh viết đủ mọi thế loại: búy ký, ghi chép, phóng sự, Phê bình – tiểu luận, phiếm luận, thời đàm, tiểu phẩm, truyện ngắn … Mảng đề tài trong sách của anh xoay quanh: Thời cuộc, thế sự; châm biếm thói hư tật xấu, chân dung nhân vật  của nhiều thế hệ, chuyện bếp núc và những vấn đề lý luận, thực tiễn nóng hổi của đời sống báo chí đương đại, nghề báo trong kỷ nguyên thông tin bùng nổ như vũ bão.


Về khả năng cảm nhận nhạy bén, tinh tế của Phạm Quốc Toàn, tôi có một vài trắc nghiệm nhỏ. Đó là một kỷ niệm khi tôi còn làm Tổng biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới cùng đoàn báo chí về làm việc với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xung quanh một số vụ khiếu kiện tranh chấp đất đai. Cùng đi trong Đoàn có phóng viên X. đang làm ở báo Y. Hôm đó, khi tôi đang đứng trò chuyện với mấy người bạn để chờ được  Chủ tịch tỉnh tiếp. Bỗng tôi thấy Phạm Quốc Toàn đến gần tôi vừa cười vừa vỗ nhẹ vào vai: “ông ấy (anh chỉ X.) hay về kiếm chuyện, kích dân khiếu nại rồi viết bài gửi cho lãnh đạo trước, gây áp lực để xin tài trợ này nọ…”. Phạm Quốc Toàn ít nói, tính nhẹ nhàng, điềm đạm nhưng anh luôn có quan điểm, thái độ rõ ràng, đánh giá đúng bản chất con người. Điều này được thể hiện rất rõ trong nội dung từng bài báo, từng tác phẩm đã xuất bản của anh.


Mới đây, khi tôi có dịp đến Hội nhà báo Việt Nam và gặp  Trưởng ban nghiệp vụ của Hội. Anh cho biết, sắp tới Hội dự định sẽ tổ chức Hội thảo về cuộc đời và sự nghiệp báo chí của cố nhà báo, Thiếu tướng Trần Công Mân. Nghe thông tin này, tôi rất xúc động. Bởi Thiếu tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân là một nhà báo tài năng, có phẩm chất đặc biệt, bản lĩnh, nhạy bén với cái mới. Sự nghiệp báo chí của ông đã để lại nhiều kinh nghiệm, bài học lớn, quý báu cho các thế hệ người làm báo nước nhà. Tôi nhớ, những năm 80 của Thế kỷ trước, khi còn công tác ở Vụ báo chí, mỗi lần dự giao ban hàng tuần với lãnh đạo các cơ quan thông tấn báo chí do Ban Tuyên huấn Trung ương chủ trì, mọi người trong khán phòng đều háo hức, chờ đợi phát biểu của hai nhà báo thường có nhiều thông tin nóng nhất, mới nhất. Đó là nhà báo Hồ Tiến Nghị, TTXVN thông báo tình hình thời sự quốc tế và Thiếu tướng Trần Công Mân Tổng biên tập báo Quân đội Nhân dân thông tin về các vụ việc tiêu cực nổi cộm trong nước. Nên nhớ, thời gian đó dư luận đang rất xôn xao loạt bài điều tra về “Vấn đề nhà ở của ông Tô Duy”, một cán bộ cao cấp của Đảng. Đây là vụ một cán bộ cao cấp đầu tiên được Báo Quân đội Nhân dân phanh phui, đưa ra trước công luận về những bất minh trong sử dụng nhà ở trái với tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước. Ngày đó, chủ trương đổi mới, công khai, nói thẳng, nói thật, thông tin đa chiều trên báo chí tuy đã có khởi sắc nhưng vẫn còn rất nhiều hạn chế. Vì vậy, động chạm đến uy tín của cán bộ cấp cao, báo chí phải chịu nhiều áp lực ghê gớm. Cụ thể, sau khi báo phát hành, có một vài lãnh đạo cấp cao chất vấn: Báo Quân đội Nhân dân đưa vấn đề nhà ở của ông Tô Duy liệu có sai đối tượng không?. Còn đồng nghiệp thì tỏ ra lo lắng cho người đứng đầu Báo Quân đội Nhân dân. Tuy nhiên, tại các buổi giao ban báo chí, Thiếu tướng, Tổng biên tập Trần Công Mân vẫn đàng hoàng, đĩnh đạc. Ông khẳng định: Trong cuộc đấu tranh chống tiêu cực, Báo Quân đội Nhân dân luôn làm đúng, bám sát chủ trương, quan điểm của Đảng. Riêng vụ nhà ở của ông Tô Duy, báo có đầy đủ hồ sơ, tài liệu, chứng cứ, thông tin đúng sự thật, có trách nhiệm trước bạn đọc. Báo Quân đội Nhân dân hay nói chính xác hơn là Tổng Biên tập Trần Công Mân xin chịu trách nhiệm trước Đảng, trước pháp luật và dư luận xã hội về nội dung bài báo.


Bản lĩnh của Tổng Biên tập Trần Công Mân trước sóng gió dư luận là một phẩm chất cao quý, rất đáng trân trọng, tự hào. Nói cách khác, bản lĩnh nghề nghiệp của nhà báo Trần Công Mân là tài sản, là bài học, là cẩm nang nghề nghiệp quý giá để lại nhiều bài học có giá trị về tư tưởng, nghề nghiệp cho các thế hệ làm báo nước nhà. Ý nghĩa, tầm vóc, bản lĩnh Trần Công Mân lớn như vậy; đã từ rất lâu, bằng trí tuệ và tầm nhìn xa rộng, trong cuốn “Ký giả” của mình, Phạm Quốc Toàn đã phân tích rất sâu sắc, đánh giá đúng giá trị tư tưởng, rút ra bài học lớn về bản lĩnh nghề nghiệp của nhà báo Trần Công Mân.
Phạm Quốc Toàn là thế. Không ồn ào, không khoa trương nhưng những gì anh trăn trở, đã viết, đã khẳng định về chân dung đồng nghiệp, về những người bạn thân thiết thì có thể nói đó là chân lý.


Phạm Quốc Toàn năm nay cũng đã ngấp nghé tuổi thất thập nhưng năng lượng, bút lực vẫn còn rất sung sức dồi dào. Anh vẫn trên từng cây số, vào Nam ra Bắc, lên Tây Nguyên,  châu Âu, châu Mỹ … làm phóng sự, bút ký …  Đặc biệt trí nhớ, khả năng tư duy sáng tạo của anh khiến nhiều người trong đó có tôi  bái phục. Gần đây, tôi có viết một bài báo ngắn giới thiệu cuốn sách “ Hồ Chí Minh sống mãi” của tiến sĩ Đặng Duy Báu, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh để đăng trên tạp chí Thương Hiệu Việt do anh làm Tổng biên tập. Tôi vẫn biết Phạm Quốc Toàn vốn là học trò cũ của thầy Đặng Duy Báu. Nhưng điều tôi không ngờ là mặc dù đã xa quê hương lâu rồi mà anh vẫn nhớ và kể vanh vách gần như mọi ngóc ngách cuộc đời của thầy Đặng Duy Báu. Bắt đầu là mối tình đẹp như mơ giữa thầy và một nữ sinh hoa khôi của trường. Đến sự thành đạt trên con đường quan lộ đầy thách thức, trắc trở bởi thói ích kỷ, bon chen của người đời và cuộc sống hạnh phúc đời thường viên mãn hôm nay của thầy. Tôi hi vọng với “sức nhớ” và tư liệu dồi dào về người thầy như vậy, biết đâu một ngày gần đây, Phạm Quốc Toàn sẽ lại có một cuốn sách hay về cuộc đời và sự nghiệp của cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh & xứ Nghệ quê hương.


Sách của Phạm Quốc Toàn dù có nhiều nhân vật, nhiều chân dung bè bạn, đồng nghiệp nhưng nhân vật nào, chân dung nào anh cũng “chộp được”, khắc họa được phẩm chất và tính cách riêng – sự khác biệt lấp lánh, độc đáo, rất đáng yêu, đáng nhớ về họ. Hai tập truyện ký dày dạn Búp Sen Hồng, Phi Thường, xuất bản cuối năm 2016, đầu năm 2017 là một minh chứng về khả năng phác họa chân dung tài tình, độc đáo, khác biệt, cảm nhận nội tâm nhân vật tinh tế, nhân văn, đậm chất văn học của  cây bút Phạm Quốc Toàn.


Trở lại cuộc điện thoại và hội ngộ bên Thủy Tạ - Hồ Gươm chiều mùa Thu cách mạng 2017, Phạm Quốc Toàn rất có chủ ý. Bên chiếc bàn tròn, mấy người bạn thân đồng môn, anh gợi mở nhiều chuyện về các thầy cô giáo khoa báo chí ngày ấy – chuyện đã trên dưới nửa thế kỷ; những kỷ niệm ngày đi sơ tán ở Hà Tây, chuyện về thầy giáo chủ nhiệm khoa Trần Bá Lạn, thầy Thái, thầy Lam Giang, trận lũ lụt lịch sử năm 1972, suýt vỡ đê sông Hồng. Sau lần đó, tôi mới cảm nhận được ý định, nghĩa tình, đắm say nghề nghiệp, thủ thuật tác nghiệp báo chí của Phạm Quốc Toàn. Với sự hội ngộ bên Thủy Tạ -  Bờ Hồ Gươm, Phạm Quốc Toàn đã làm một cuộc kiểm chứng trí nhớ và rất khéo  khai thác bổ sung từ bạn bè nhiều chi tiết báo chí  của một thời – tạo ra một bút ký hấp dẫn  về thầy cô, về mái trường xưa chân thật, sống động đến lạ - qua ngòi bút của một cây bút từng trải.


Đọc sách về chuyện đời, chuyện nghề, chuyện chẳng them giận “người dâng” mà Nguyễn Công Trữ đã mô tả, và những bút ký  chân dung của Phạm Quốc Toàn, bạn đọc không thấy nhàm chán, bởi  : “chuyện chưa đọc, chưa kể mà dường như đã kết thúc rồi”!.

phamquoctoan_5

phamquoctoan_4

phamquoctoan_1

phamquoctoan_2

phamquoctoan_3

Nhà báo Phạm Quốc Toàn, nhà báo lê Hữu Quế và các bạn đồng môn họp mặt kỷ niệm  40 năm ngày ra trường - đại học báo chí, hệ chính quy đầu tiên ở nước ta

 

Hà Nội, 5.8.2017
LÊ HỮU QUẾ

Chia sẻ liên kết này...

Add comment