Người đứng đầu và cuộc chiến chống tham nhũng!

(P.Q.T - 27.6.2018) - Người đứng đầu to quyền lắm! Cấp càng cao, người đứng đầu càng có thể thay đổi đường hướng một đất nước. Người đứng đầu nho nhỏ - một tỉnh, một thành phố trực thuộc quốc gia cũng có thể nên chuyện … khuynh đảo. Người đứng đầu, quyền lực thâu tóm vào họ, họ có thể hô mây, gọi gió, cho sấm rền trời. Và đương nhiên quyền lực, tiền bạc vào tay họ - tự tung tự tác, nếu họ không sạch sẽ. Tham nhũng cũng từ quyền lực đấy mà ra.

aaa

Toàn cảnh khai mạc Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống tham nhũng sáng 25/6. Ảnh: Trí Dũng/TTXVN.

Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng (PCTN) Nguyễn Phú Trọng đã phác thảo những người nắm giữ quyền lực mà không sạch - gắn với tệ tham ô, lãng phí, quan liêu, tại Hội nghị toàn quốc phòng PCTN, ngày 25.6.2018. Hội nghị PCTN lần này có ý nghĩa rất quan trọng kiểm điểm những nhiệm vụ từ sau Đại hội XII của Đảng về PCTN; bàn phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; chỉ ra những kết quả đạt được, những khó khăn hạn chế; bài học kinh nghiệm, giải pháp đẩy mạnh hơn nữa cuộc chiến chống giặc nội xâm, tạo bước chuyển biến mới, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn nữa, khi PCTN đang ở giai đoạn hết sức quan trọng và quyết liệt. Hội nghị chỉ rõ 6 nhóm giải pháp - nhiệm vụ trọng tâm PCTN, từ nay đến hết nhiệm kỳ 2015 - 2020 và cho cả nhiệm kỳ sau, 2020 - 2025.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh yêu cầu xây dựng cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “Không thể tham nhũng”; “Phải nhốt quyền lực vào lồng pháp luật”. Quyền lực sinh ra tham nhũng, do vậy nếu kiểm soát tốt quyền lực ắt sẽ hạn chế, tiến tới triệt tiêu tham ô, lãng phí, quan liêu. Các quy định về kiểm soát quyền lực và trách nhiệm của người đứng đầu được bàn thảo khá kỹ tại Hội nghị toàn quốc PCTN. Đã đến lúc cần có các quy định ràng buộc quyền hạn đến đâu trách nhiệm đến đó, quyền hạn càng cao trách nhiệm càng lớn, nếu có sai phạm xử lý càng nghiêm. Bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật; ngăn chặn những người có chức có quyền lợi dụng cương vị công tác để thu vén, trục lợi, tham ô, biến của công thành của riêng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, cũng là lời nhắc nhở, tâm sự chân thành của người đứng đầu Đảng ta, đối với cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước: “Công quỹ là của công, cho nên một xu một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là của dân nên không được mảy may vì riêng tư; phải thật sự chí công vô tư, công tư phân minh, công trước, tư sau; vì công mà quên tư, mọi việc đều xuất phát từ dân, vì dân”.

2_36432

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam khẳng định phong trào phòng, chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta bắt đầu khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN 

Một trong những giải pháp quan trọng để PCTN có hiệu quả là tăng cường kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng; siết chặt kỷ luật, kỷ cương. Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, kỷ luật của Đảng phải đi trước một bước, phải nghiêm hơn pháp luật; kỷ luật Đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể và các hình thức xử lý của pháp luật. Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Một trong những giải pháp tăng cường PCTN là nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, công khai, minh bạch hóa thông tin, báo chí vào cuộc mạnh mẽ - coi đó là thanh bảo kiếm mà kẻ tham ô, lãng phí, quan liêu khiếp sợ; dựa vào dân, từ người dân mà giám sát, phát hiện tham nhũng, phát hiện kẻ bảo kê, che chắn tham nhũng. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhắc lại lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh và giao nhiệm vụ cho báo chí: “Báo chí phải làm cho quần chúng khinh ghét tệ tham ô, lãng phí, quan liêu; biến hàng vạn, hàng triệu con mắt, lỗ tai cảnh giác của quần chúng thành những ngọn đèn pha soi sáng khắp mọi nơi, không để cho tệ tham ô, lãng phí, quan liêu còn chỗ ẩn nấp”. Cần nhận thức và thực thi đầy đủ các biện pháp đồng bộ để thu hồi tài sản tham nhũng, không để mất mát và thất thoát tài sản công; không sợ chống tham nhũng quyết liệt sẽ hạn chế, ngăn cản sự nghiệp đổi mới, ngược lại PCTN hiệu quả, lòng tin của nhân dân vào Đảng và chế độ càng cao, sự nghiệp đổi mới càng gặt hái nhiều thành công.

Tại Hội nghị toàn quốc PCTN, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều tham luận, góp ý của các chuyên gia, nhân sĩ, trí thức, người dân gửi đến Hội nghị nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương; rằng hiện tượng “trên nóng dưới lạnh”, “trên nói dưới không nhúc nhích” có phần trách nhiệm của người đứng đầu. Thực tế cho thấy, người đứng đầu mà không trong sạch, sa vào nhóm lợi ích, thu vén, trục lợi thì chính họ là kẻ bảo kê, che chắn cho tham nhũng. Đây đó, người dân và báo chí phát hiện tham nhũng, nhưng không ít vụ việc chậm được xử lý, thậm chí chìm xuồng là do sự bảo kê, che chắn của người đứng đầu hư hỏng, thiếu gương mẫu. Người đứng đầu, điều mà Chủ tịch Hồ Chí Minh ví von tựa như một cây thông, cây thông sâu bệnh, cần bứng - chặt bỏ để không lây lan sang cây khác. Đã đến lúc, các bộ, ngành và địa phương, kể cả địa phương cấp huyện nếu người đứng đầu không sạch, dân không tin, không còn uy tín thì Đảng và Nhà nước cần xem xét để thay thế, loại bỏ họ.

Tản mạn đôi dòng về PCTN, về người đứng đầu & quyền lực. Không kiểm soát quyền lực khó mà chống tham nhũng. Hiện thời, cuộc chiến PCTN đã và đang có những chuyển biến tích cực, được cán bộ và nhân dân tin tưởng. Thế mới, đà mới, lực mới - thực thi quyết liệt nhóm 6 giải pháp hữu hiệu mà Hội nghị toàn quốc PCTN đã chỉ ra, với cơ chế phòng ngừa tham nhũng hiệu quả, chắc chắn trong thời gian tới, công tác PCTN sẽ gặt hái nhiều kết quả, thành công.

PHẠM QUỐC TOÀN

Chia sẻ liên kết này...

Add comment