Thời cuộc Vịt trời

Vịt trời

(PQT- 20.9.2019) Gà vịt thuộc họ gia cầm, vật nuôi rất gần gũi với cuộc sống dân ta. Loài vịt, có vịt nhà - vịt nuôi & vịt trời. Vịt trời tự nhiên là loài chim làm tổ ở vùng đồng bằng, số lượng không nhiều, lông màu nâu và đen, mắt nâu chân đỏ. Ngày nay, loại chim trời này được nuôi thương phẩm, vẫn gọi là vịt trời, món ăn đặc sản khỏi chê, có khách quý phương xa tới, chủ nhà mới dám đãi đằng. Vịt nhà, vịt trời đã đi vào ca dao, tục ngữ, thơ ca hò vè, nhiều ẩn ý, đại loại:

Ai lên cho tới cung trăng

Nhắn con vịt nước đừng ăn cá trời...

alibaba

Nhân viên Alibaba ngăn cản lực lượng chức năng cưỡng chế tại khu đất ở xã Tóc Tiên, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. (Ảnh: Báo điện tử Người lao động)

Hoặc:

Nuôi vịt, vịt đẻ trứng ra

Có công nuôi gà, gà gáy cho nghe

Và đã có những câu ca dao, tục ngữ tếu táo, tục mà thanh về con vịt:

Sáng trăng vằng vặc

Vác C. đi chơi

Gặp con vịt trời

Giương cung định bắn

Gặp cô yếm thắm

Đội gạo lên chùa

Giơ tay bóp v. ...

Trong dân gian, từ lâu khi nói đến vịt trời, người ta ám chỉ sự “bay đi”, trong nhiều trường hợp là không có hậu. Ví như, thời phong kiến, có ai đó một bề sinh toàn con gái, người ta nói vui... vịt trời, khi con gái khôn lớn đi lấy chồng - theo về nhà chồng, sinh con đẻ cái lấy họ nhà chồng, thế là hết. Đó là con gái ngày xưa, con gái thời nay quý hơn vàng, rất hiếu đạo với cha mẹ - khỏi bàn, chắc gì con trai sánh kịp.

Hai tiếng vịt trời, trong ngữ nghĩa khác, người ta còn ám chỉ sự lừa dối, thiếu trung thực. Ví như, công ty địa ốc Alibaba mua đất nông nghiệp, đất nương, đất đồi để lập dự án “ma” phân lô bán nền, kiếm bộn tiền. Ở xã Thắng Hải, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận vốn là khu rừng trồng cây keo lá tràm, bỗng dưng được vẽ vời ra các dự án, đại dự án đô thị mới văn minh hiện đại - thậm chí còn nổ, ba hoa một tấc đến trời xanh: “Nơi đây sẽ là một Singapore mới”. Rồi các loại xe to, xe nhỏ chở khách tới xem dự án, bãi trống đất rừng rộng được vẽ vời phân lô bán nền... hốt bạc tỉ. Người ta nói đó là dự án “ma”, những con “vịt trời”.

“Vịt trời” trong câu chuyện này chính là dự án... ma. Công ty Alibaba còn lộng ngôn ở Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, bắc Củ Chi - Tp. Hồ Chí Minh. Nhân viên Alibaba dữ dằn đập phá xe ủi, phương tiện đoàn cưỡng chế. Ông Chủ tịch HĐQT công ty tóc húi cua mạt sát công an, chủ tịch một xã thuộc thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chỉ là học “ngu”, học làm “côn đồ”! Nữ nhân viên Alibaba bộ mặt non choẹt, đeo kính râm lên mạng xã hội dạy đời báo chí, quan chức hàng huyện, cứ như ta đây- nhân viên Alibaba bự hơn cả con nhà trời?

Câu chuyện cổ tích “Alibaba & 40 tên cướp” nổi tiếng kể rằng, ngày xưa có anh thợ mộc nghèo tốt bụng tên Alibaba khi đang dắt con lừa vào rừng đốn củi thì gặp đoàn kỵ sĩ 40 tên cướp chở các bao tải nặng. Alibaba buộc lừa sau bụi rậm còn mình trốn lên cây. Bọn cướp đến gốc cây thì dừng lại. Tên chỉ huy đến bên tảng đá nặng đọc thần chú: “Vừng ơi, mở cửa ra". Tấm đá nặng lập tức mở ra, 40 bao tải được chúng khuân vào cất trong hang. Bọn cướp ra khỏi hang, tên chỉ huy lại đọc thần chú: “Đóng cửa, vừng ơi”, hòn đá được chèn cửa hang. Sau khi bọn cướp đi khỏi, Alibaba đã đến cửa hang đọc thuộc câu thần chú, trong hang là cả một kho báu chứa đầy vàng bạc. Alibaba đã lấy 3 bao vàng mang về nhà, kể lại chuyện đã xảy ra. Từ đó, vợ chồng Alibaba có vốn buôn bán, trở nên giàu có. Tên gọi người thợ mộc nghèo hiền lành Alibaba, được lấy đặt tên cho Công ty địa ốc Alibaba, nhưng tiếc thay, những người cầm chịch công ty địa ốc này đang làm những điều “vịt Trời” , đẩy bao người chạy theo dự án “ma” trở nên trắng tay.

Ông chủ địa ốc Alibaba là ai mà dám chống lệnh cưỡng chế, làm trái pháp luật lĩnh vực địa ốc? “Vịt Trời” Alibaba thời nay coi trời bằng vung.

Chia sẻ liên kết này...

Add comment