Đời & Nghề Với cả tấm lòng !

Với cả tấm lòng !

Chẳng nhớ bao nhiêu nhà báo, nhà văn đã dành những tình cảm trân trọng, thân tình khắc họa về anh - Nhà báo xuất sắc Phạm Quốc Toàn, một người con Xứ Nghệ, gần gũi hơn là vùng đất nổi tiếng cả nước với trái bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn như là một sự ngẫu nhiên của địa văn hóa, quê anh có 99 ngọn núi Hồng, quê tôi có 99 ngọn Thiên Nhẫn. Phải chăng có sự trùng lặp gì đây về 90 số tạp chí Người làm báo bộ mới do anh phụ trách mà để lại cho bạn đọc bao nhiêu là dấu ấn.

7d83b824805966073f48_1

Tôi bắt gặp ở anh phẩm cách chân mộc, đĩnh đạc, miệng nói tay làm và đã làm là tới tận cùng công việc. Anh sống thanh bạch, vì bạn bè, đồng nghiệp, hết mình với mọi người, kể cả khi họ gặp trắc trở trong công việc, trong đời thường may rủi.

Thói đời, khi đã ở quyền cao, chức trọng có tầm ảnh hưởng lớn và rộng thường sống khách khí, cố tạo ra một khoảng cách để chứng tỏ “mình quan trọng” trước bàn dân thiên hạ. Chân dung ấy bây giờ nhan nhản ví như câu nói của ai đó “đổi ghế là đổi mồm”. Tôi có một đồng nghiệp, chức vụ cũng “vừa vừa” cấp Bộ, thời khắc gặp lại, đến đáp lại lời chào cũng chỉ là chiếu lệ, rồi hăm hở chen vào hàng quan chức cắt băng khánh thành một cuộc lệ tưng bừng cờ hoa.

Anh Phạm Quốc Toàn đâu có thế. Từ thành phố mang tên Bác, anh bay ra miền Trung bảo vệ uy tín cho đồng nghiệp trước một kỳ đại hội Đảng với vị thế Phó Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Anh cưu mang một nhà báo, nhà thơ cơ nhỡ chuyện nghề, chuyện nhà cả khi vấp váp vì cả tin người không đáng tin. Đấy là chuyện thời anh đương chức Tỉnh ủy viên, Tổng biên tập báo Bà Rịa Vũng Tàu.

Một điều khác biệt ở anh mà khó tìm thấy trong đội ngũ cán bộ quản lý cơ quan báo chí là đam mê đi và viết, sục sôi viết, quyết liệt viết, đam mê viết về những gì bạn đọc quan tâm, xã hội cần một lời giải có ngọn, có ngành, thấu triết, dù chỉ một mẩu tiểu phẩm khiêm nhường bên trang tạp chí. Vốn hiểu biết rộng lớn, toàn diện và sâu sắc đời sống thực tiễn phong phú đã như nguồn sáng tạo thường trực của anh. Đó là tác phẩm “Tản mạn về đời”, “Đời và nghề”, “Đi một ngày đàng”, “Tôi nói bằng mồm tôi”, “Xứ sở chùa Vàng”; “Đất vàng”; “Ký giả”; “Phi thường”; “Búp sen hồng”; “Lốc xoáy thời cuộc”; “Con voi chui lọt lỗ kim”; “Từ bến sông Nhùng”; “Cá chép hóa rồng”…

29f611a72fdac98490cb_1

Rất nhiều người ngỡ ngàng rồi vỡ òa cảm xúc khi đón đọc những tác phẩm bút ký, ký sự, tiểu thuyết đầy đặn tầm tư tưởng thời đại với bút pháp, ngôn ngữ độc đáo của anh, được các nhà xuất bản uy tín công bố gần đây.

Chính anh là người lôi cuốn nhiều nhà báo, nhà văn tên tuổi, uy tín nghề

nghiệp, nhân cách lớn như Hà Đăng, Hữu Thọ, Phan Quang, Hồng Vinh, Hồng Phương, Nguyễn Xuân Lương, Sĩ Đại, Hồ Quang Lợi, Phan Hiền, Trần Quang Huy, Tùng Bách, Vĩnh Trà (Trần Văn Nuôi), Mai sông Bé v.v… cộng tác bền bỉ với Tạp chí Người làm báo bộ mới, đồng hành thủy chung suốt 90 số mà anh phụ trách. Anh làm thay đổi diện mạo từ hình thức tới nội dung tạp chí, cả về phương hướng thông tin lẫn văn phong giao thoa ngôn ngữ giữa văn học nghệ thuật với thông tấn báo chí. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Hồ Đức Phớc nay là tổng kiểm toán nhà nước rất mê tạp chí Người làm báo đã chỉ đạo một số Huyện ủy, Thành ủy  đặt mua dài kỳ Tạp chí Người làm báo như Huyện ủy Thanh Chương, Huyện ủy Quỳnh Lưu, Đại học Vinh, Thư viện Nghệ An, Báo Nghệ An, Đài Phát thanh Truyền hình Nghệ An, Hội Nhà báo Nghệ An … Ở Nghệ An, đã có thời phát hành gần 400 bản mỗi kỳ, trong đó Thư viện tỉnh, Khoa Ngữ văn Đại học Vinh đặt mua làm tư liệu lưu trữ và cơ sở lý luận nghiệp vụ, hướng dẫn luận văn tốt nghiệp, thậm chí làm luận án thạc sĩ, tiến sĩ khoa học. Chính anh là người đem vinh dự về cho Tạp chí bằng tấm Huân chương Lao động hạng Ba vào dịp Tạp chí tròn 30 tuổi và xuất bản 90 số Tạp chí bộ mới. Tôi từng cộng tác với Tạp chí những năm chín mươi trải mấy đời Tổng biên tập nhưng khiêm nhường mà nói thì thời tổng biên tập Phạm Quốc Toàn là “bà đỡ” mát tay nhất. Tôi thích nhất anh Phạm Quốc Toàn không cắt, sửa bài của cộng tác viên, kể cả thơ, nếu tác phẩm không có sai sót mang tính chính trị. Nếu dòng nào, trang viết nào có nội dung cần sửa, anh điện thoại thảo luận dân chủ với tác giả, trước khi  hạ bút biên tập. Phạm Quốc Toàn là cây viết nghị luận sắc bén, nên anh biên tập sắc sảo, chặt chẽ. Trang thơ trên Tạp chí như sáng bừng, tươi rói đời sống văn học bên bài viết tản văn, chính luận. Tôi quý trọng và biết ơn anh đã mở chuyên trang viết về chân dung nhà báo liệt sĩ hy sinh trên mọi mặt trận, mọi chiến trường khốc liệt. Chính nhờ ý tưởng mới, nhân văn của anh mà tôi đã mê mải, tâm huyết đi và viết được 25 chân dung nhà báo liệt sĩ, tập hợp trong cuốn sách “Dáng đứng dưới tầm bom”, chưa kể cuốn “Những mẩu chuyện làm báo của Bác Hồ”, “Báo chí cách mạng trong nhà lao thực dân Pháp”, “Báo chí miền Trung và Tây Nguyên”. Tất cả những cuốn sách ấy đều được anh Phạm Quốc Toàn cho đăng tải trên Tạp chí bộ mới. Tôi thực sự biết ơn anh, quý mến anh.

Ở Nghệ An, có một nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc, Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh mang đậm nét phẩm cách như Phạm Quốc Toàn. Đây là nhà báo Trần Duy Ngoãn. Anh Trần Duy Ngoãn xông xáo đi và viết, chụp ảnh không chỉ ở trong nước, làm thay đổi nội dung hình thức tạp chí Người làm báo Nghệ An kể từ khi anh làm Chủ tịch 2 khóa đến nay. Nhà báo Trần Duy Ngoãn cũng chăm lo hết sức vì mái nhà chung của hơn 300 hội viên. Anh chăm lo đến hội viên cả khi họ ốm đau, bệnh tật, thậm chí cáng đáng cả tổ chức ngày lễ, viết điếu văn cho những nhà báo về cõi vĩnh hằng như Lan Xuân, Nguyễn Quốc Hiếu … Giúp đỡ cảnh đời khó khăn như nhà báo Phan Đăng San về hưu ở Đức Thọ, Hà Tĩnh.

Phạm Quốc Toàn viết chân dung các nhà báo mà anh mến mộ, in thành sách, anh có nhắc đến mối thâm tình giữa tôi và đại tá, nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh nổi tiếng, tài ba, cương trực, nguyên phóng viên Báo quân đội nhân dân, cũng là dân xứ Nghệ, Đó là nhà báo Trần Hồng (Trần Văn Hồng). Anh viết chúng tôi, Trần Văn Hồng và Trần Văn Hiền lâu lâu không gặp nhau là nhớ, là gọi điện thoại chia sẻ tình cảm, gợi mở ý tưởng sáng tạo. Quả đúng vậy.

Với anh Phạm Quốc Toàn, người mà tôi kính quý là bạn vong niên. Anh Kỷ Sửu, tôi Mậu Tý. Tôi xin kết thúc bài viết nhỏ này bằng cả tâm tình dành cho anh cũng như tôi đã dành cho Trần Văn Hồng và Trần Duy Ngoãn vậy.

Với anh Phạm Quốc Toàn chỉ có thể thắm đậm câu ca dao “Nghĩa người tôi bắc lên cân/ Bên vàng nặng ít bên ân nặng nhiều”.

Xin được mến chúc anh - Phạm Quốc Toàn - lão báo mà sức làm việc, ngòi bút đắm say, sáng tạo vẫn luôn tràn đầy sức trẻ của tuổi thanh xuân ./.

TP.Vinh, 11 - 2019

-----------

TRẦN VĂN HIỀN

Nguyên Phó Tổng biên tập Báo Nghệ An.

Bài đăng trên báo Kinh tế & Độ thị Hà Nội, 6.11.2019

Chia sẻ liên kết này...

Add comment